Vở cải lương “Những đứa con oan nghiệt”: Tích xưa để giáo dục nay
VHO-Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Nhà hát Cải lương Hà Nội vừa đánh dấu sự trở lại bằng vở diễn Những đứa con oan nghiệt do NSND Hoàng Quỳnh Mai, nữ nghệ sĩ có duyên với nhiều giải thưởng tại các liên hoan, hội diễn sân khấu, làm đạo diễn. Tác giả kịch bản văn học cũng là một gương mặt thuộc hàng “cây đa cây đề” của giới sân khấu nước nhà, NSND Doãn Hoàng Giang. Chuyển thể cải lương – nghệ sĩ Đình Tư. Vở cải lương mang một thông điệp triết lý giáo dục sâu sắc và giàu tính thời sự với những dấu ấn mới mẻ trong cách dàn dựng.
Vở diễn mang nhiều cung bậc cảm xúc và những thông điệp ý nghĩa trong cuộc sống
Toàn bộ vở diễn xoay quanh hai gia đình: Thầy đồ và tướng cướp. Tướng cướp Tư Chớp vì muốn cho con trai mình sau này không theo nghề trộm cướp, mà phải đỗ đạt làm quan nên khi bà Chín - vợ ông và vợ thầy đồ cùng chuyển dạ sinh con, ông đã cho người tráo đổi hai đứa con. Mâu thuẫn kịch bắt đầu từ đây. Hai đứa con bị tráo đổi của hai nhà lớn lên trong môi trường khác nhau hoàn toàn. Con ruột của tên tướng cướp sống ở nhà ông thầy đồ được học hành từ nhỏ nên đã sớm trở thành học trò giỏi, đi thi đỗ đạt thành quan tân trạng. Trong khi đó, con của thầy đồ sống ở nhà tên tướng cướp chỉ biết ham mê tửu sắc, ăn nói thô tục, không thích học hành, chơi bời lêu lổng. Từ lòng ghen ghét đố kị, con ruột thầy đồ và anh trai đã ra tay sát hại con của tên tướng cướp trong lúc anh này trở về vinh quy bái tổ. Chứng kiến bi kịch này, trong tột cùng đau khổ, tướng cướp Tư Chớp đã thức tỉnh, tự nói ra sự thật. Vở diễn khép lại bằng cái kết mở có hậu, ấy là khi vua truyền lệnh cho những thái y giỏi nhất bằng mọi cách phải cứu sống quan tân trạng, đồng thời ra lệnh trừng trị ba cha con Tư Chớp.
Câu chuyện xưa mang tính dân gian nhưng qua cách dàn dựng, cách thể hiện thì lại làm nổi bật một chân lý mà tác phẩm muốn khẳng định về vai trò quan trọng của môi trường giáo dục đối với con người cũng như bài học về quy luật nhân-quả, gieo nhân nào sẽ gặt quả đấy, môi trường giáo dục nào sẽ nhận về nhân cách đấy. NSND Hoàng Quỳnh Mai nhận định: “Bản thân kịch bản đã rất hay và thời sự. Dù đề tài, câu chuyện không mới nhưng đã luận giải được một cách mạch lạc về sự hình thành của thiện và ác, đen và trắng, ánh sáng và bóng tối nơi mỗi con người. Hạt mầm tốt mà bị gieo trên đất xấu thì khó xanh tươi, cũng như ở bất cứ thời đại nào thì con người cũng cần được giáo dục trong môi trường tốt… đây là thông điệp mà ê kíp sáng tạo vở cải lương Những đứa con oan nghiệt muốn gửi tới khán giả”.
Giống như các vở diễn mà NSND Hoàng Quỳnh Mai dàn dựng, Những đứa con oan nghiệt của Nhà hát Cải lương Hà Nội nổi bật dấu ấn về cách dàn dựng rất riêng của nữ đạo diễn tài hoa này. Chuyển tải triết lý giáo dục thông qua câu chuyện nhuốm màu bi kịch nhưng theo dõi vở diễn, người xem không thấy sự khô cứng, giáo điều mà ngược lại được tiếp nhận mạch diễn một cách nhẹ nhàng, tự nhiên. Điểm thú vị là vở diễn đã đi sâu lột tả diễn biến tâm lý nhân vật, đặc biệt là những dằn vặt nội tâm sâu kín của tướng cướp Tư Chớp, người duy nhất biết và và chung sống cùng bí mật từ đầu đến cuối chuyện, từ đó lột tả sâu sắc hơn mối quan hệ giữa nhân và quả, giữa tiền bạc và trí tuệ, âm mưu và duyên nghiệp…
Các nghệ sĩ của Nhà hát Cải lương Hà Nội có lối diễn xuất tự nhiên và nhiều giọng ca hay
Nữ đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai đã làm mới câu chuyện bằng một hình thức dàn dựng với tư duy hiện đại, đó là sự phối kết hợp lý của múa đương đại kết hợp với cách xử lý âm nhạc trẻ trung, hiện đại theo tiết tấu nhanh, dồn dập đã mang đến hình thức thể hiện vô cùng mới mẻ cho vở diễn. Điều này thêm lần nữa chứng minh khả năng có thể tích hợp nhiều yếu tố nghệ thuật của cải lương, cũng cho thấy nỗ lực muốn được chinh phục nhiều đối tượng công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ của ê-kíp sáng tạo. Một trong những nét nổi trội của vở chính là những đóng góp về mặt thiết kế sân khấu rất hiện đại. NSƯT Đạt Tăng đã thể hiện được tư duy mỹ thuật đầy sáng tạo khi xây dựng bối cảnh sân khấu với tông màu chủ đạo là đen và trắng, góp phần chuyển tải sâu sắc thông điệp mà vở diễn thể hiện. Chỉ vỏn vẹn là những khung cửa một mặt trắng, một mặt đen được xoay chuyển, liên kết, sắp xếp để tạo thành những cảnh diễn khác nhau nhưng lại khiến người xem vô cùng thú vị bởi tính linh hoạt và khả năng khắc sâu sự đối lập giữa sáng và tối, thiện và ác trong vở diễn. Những xử lý về âm nhạc của NSƯT Thành Nam khi đưa các dòng nhạc như đưa nhạc rock, rap vào sân khấu cải lương cũng rất hiện đại, làm mới mẻ hơn, đặc biệt cách làm này sẽ hấp dẫn giới trẻ đến với nghệ thuật cải lương.
Câu chuyện tưởng như xưa cũ nhưng đạo diễn và ê kíp sáng tạo của Những đứa con oan nghiệt đã mang tới cho khán giả, đặc biệt là những gia đình những suy ngẫm về vấn đề đang rất “nóng” của xã hội hiện nay là giáo dục, vun đắp nhân cách con người.
ĐÀO ANH