Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Đổi mới để nâng tầm xiếc Việt

Thứ Sáu 23/02/2018 | 10:01 GMT+7

VH- Liên tục cho ra những chương trình xiếc mới với xu hướng dàn dựng hiện đại đạt chất lượng cao về nội dung và nghệ thuật; Ký hợp đồng biểu diễn dài hạn với các nghệ sĩ xiếc Nhật để lưu diễn phục vụ khán giả VN; Hợp tác đưa các chương trình, tiết mục xiếc VN ra nước ngoài biểu diễn thành công… Hàng loạt những việc làm của Liên đoàn Xiếc Việt Nam (Liên đoàn Xiếc) trong hai năm trở lại đây đã chứng tỏ những định hướng đúng đắn của Ban giám đốc Liên đoàn Xiếc cũng như tập thể các nghệ sĩ trong nỗ lực đổi mới từ kịch mục cho tới phương thức tổ chức biểu diễn nhằm nâng tầm xiếc Việt phát triển và hội nhập quốc tế.

 Niềm vui của nghệ sĩ sau buổi diễn

 Bắt đầu từ việc đặt hàng những tác phẩm chất lượng cao…

Chỉ tính riêng năm 2017, Liên đoàn Xiếc đã xây dựng được nhiều chương trình mới như: Hà Nội những giấc mơ, Chương trình xiếc mới kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga Ký ức trong tôi, Sắc màu thời gian, Cướp biển Đại hội Xiếc thú chào mừng kỷ niệm ngày Giải phóng 30.4 và 1.5, Úm Ba la… Nhiều tiết mục mới được dàn dựng công phu với kỹ thuật cao đã kịp thời được đưa vào biểu diễn để làm mới cho các chương trình như: Nhào lộn trên cầu bật, Thăng bằng trên xe đạp đế chân, Xiếc phi ngựa - Ngày hội Xuân của người H’Mông, Ngày hội thể thao của những chú gấu, Tung vòng tập thể - Vũ hội sắc màu, Dây thép chùng - Anh thợ giặt vui tính, Xiếc lợn, Xiếc mèo. Các chương trình, tiết mục mới của Liên đoàn Xiếc đã tạo được sức hút không chỉ với khán giả nhỏ mà các bậc phụ huynh, thầy cô giáo đưa con em đi xem cũng đều thấy hào hứng và đánh giá cao. Trong chương trình biểu diễn phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 tại Rạp xiếc Trung ương, 67 Trần Nhân Tông, Hà Nội, khán giả vô cùng thích thú khi được xem những tiết mục xiếc thú lần đầu trên sân khấu của đơn vị như Xiếc mèo, Xiếc lợn. Liên đoàn Xiếc VN đang tiếp tục xây dựng các tiết mục xiếc thú lạ như Xiếc vẹt, Xiếc đà điểu.

Điều đáng ghi nhận là khi xem các chương trình của Liên đoàn Xiếc đã thấy xiếc Việt không còn là những trò diễn đơn lẻ mà các chương trình đều được xây dựng công phu, kỹ lưỡng, có kịch bản tổng thể, thống nhất từ nội dung, âm nhạc, trang phục. Các chương trình, tiết mục của Liên đoàn Xiếc không chỉ được nâng cao kỹ thuật cơ bản mà còn kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật, đẩy mạnh vai trò của người đạo diễn. Trước đây người xem thường có cảm giác các chương trình xiếc Việt thường na ná giống nhau nhưng giờ mỗi tiết mục, mỗi chương trình của Liên đoàn Xiếc đều có một màu sắc riêng. Đơn cử như chương trình Hà Nội những giấc mơ được trình diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội nhân dịp 63 năm ngày Giải phóng Thủ đô đã mang lại cho khán giả một cách nhìn rất mới về nghệ thuật xiếc. Những pha trình diễn đầy mạo hiểm, làm thót tim khán giả; Những dụng cụ nấu bếp đời thường như nồi niêu, xoong chảo thành đạo cụ... cũng được đưa lên sân khấu biểu diễn đầy thú vị. Không chỉ khán giả nhí mà khán giả có tuổi cũng xuýt xoa thán phục tài nghệ của nghệ sĩ, Hà Nội của những giấc mơ liên tiếp nhận những tràng pháo tay không dứt từ khán giả trong suốt buổi biểu diễn.

 ​ Cuộc chơi mới phải có cách làm mới

Kỹ thuật xiếc thì ở đâu cũng giống nhau nhưng để làm nên bản sắc riêng thì xiếc Việt cần phải có một cách đi riêng. Bên cạnh việc hiện đại hoá các tiết mục theo xu hướng quốc tế, yếu tố truyền thống và văn hoá luôn được chúng tôi hướng tới, đó là phần âm nhạc, đạo cụ, trang phục… phải thể hiện được chất liệu của người Việt. Chương trình được xây dựng từ những tiết mục chất lượng, đặc sắc của từng thể loại xiếc là những tiết mục, trò diễn đơn lẻ nhưng được lồng ghép vào mọi nội dung, kịch bản xuyên suốt như một vở diễn. Hướng đi này đã được Liên đoàn Xiếc thực hiện ở một số chương trình được dàn dựng gần đây nhưng đến năm 2017 với Hà Nội những giấc mơ, Chương trình kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, chúng tôi đã tự tin phần nào trong việc định hình được phong cách riêng của Liên đoàn Xiếc VN. Việc Bộ VHTTDL đặt hàng tác phẩm chất lượng cao, mang tính định hướng cho từng loại hình nghệ thuật đã giúp cho Liên đoàn Xiếc có điều kiện để đầu tư xây dựng những tác phẩm nghệ thuật lớn.  (NSƯT TỐNG TOÀN THẮNG, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc VN)

Và nỗ lực mở rộng thị trường biểu diễn

Năm 2017, Liên đoàn Xiếc VN đã mạnh dạn mời 15 nghệ sĩ xiếc quốc tế của Công ty Xiếc Nhật Bản Happy Dream Circus sang VN diễn hợp đồng dài 8 tháng trong một chương trình kết hợp giữa các tiết mục của bạn và xiếc VN. Đoàn đã lưu diễn thành công tại nhiều tỉnh, thành phố và ngay trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, đoàn vẫn diễn phục vụ khán giả tại TP.HCM. Chính nhờ sự kết hợp với nghệ sĩ xiếc quốc tế không những làm mới cho các chương trình biểu diễn của Liên đoàn Xiếc VN mà khán giả VN có cơ hội được xem trực tiếp những màn trình diễn kịch tính, mạo hiểm và mang tính nghệ thuật cao thuộc đẳng cấp quốc tế.

 Chương trình “Hà Nội những giấc mơ” biểu diễn thành công tại Nhà hát Lớn Hà Nội

Có thể nói, việc phát triển địa bàn hoạt động biểu diễn luôn được Ban giám đốc Liên đoàn Xiếc chú trọng. Ngay trong tháng Tết Nguyên đán của năm Mậu Tuất 2018, ba đoàn xiếc người, một đoàn xiếc thú của Liên đoàn Xiếc VN đã hoạt động hết công suất trên nhiều sân khấu khắp trong Nam, ngoài Bắc và cả quốc tế. Một nhóm 14 nghệ sĩ kết hợp với Nhà hát Star Galaxy biểu diễn thường xuyên vào các tối thứ 3, thứ 5, thứ 7. Một nhóm nghệ sĩ do NSƯT Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc VN đã lên đường sang Tây Ban Nha tham gia Liên hoan Nghệ thuật xiếc quốc tế từ trước Tết Nguyên đán vẫn chưa về. Một nhóm 10 nghệ sĩ biểu diễn tại Đà Nẵng; một nhóm 15 nghệ sĩ biểu diễn tại TP.HCM. Một đoàn diễn 10 buổi từ 29.2 đến 15.3 tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa và cả các khu công nghiệp ở Hưng Yên, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và huyện Thanh Oai, Hà Nội. Tới đây, một nhóm chuyên gia của Đức sẽ sang VN phối hợp dàn dựng lại chương trình Sông trăng (Chương trình do NSND Tạ Duy Ánh đạo diễn) để phù hợp với việc lưu diễn theo hợp đồng tại Đức trong 2 năm liên tiếp. Dẫu có đi lưu diễn khắp các địa bàn trong và ngoài nước thì Liên đoàn Xiếc vẫn đều đặn đỏ đèn phục vụ khán giả ngay tại Rạp xiếc Trung ương và trở thành một tụ điểm văn hoá nghệ thuật thu hút người dân thủ đô vào các ngày lễ tết, cuối tuần.

Năm 2017, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ VHTTDL, Liên đoàn Xiếc đã tham gia biểu diễn phục vụ chính trị, vùng sâu, vùng xa, hải đảo với tổng số buổi biểu diễn là: 25 buổi (trong đó: 23 buổi biểu diễn trong nước tại các địa phương: Tuyên Quang, Lạc Thủy, Lạc Sơn, Kỳ Sơn, Hải Phòng, Quảng Trị, Huế, Quảng Ninh, Làng Văn hóa - Du lịch các Dân tộc Việt Nam… Nước ngoài: 2 buổi biểu diễn miễn phí phục vụ kiều bào tại Viêng Chăn (Lào) nhân dịp Quốc khánh nước CHDCND Lào 2017.

Đầu năm 2017, Liên đoàn Xiếc VN tham gia Liên hoan Xiếc quốc tế Golden Circus lần thứ 35 tại Italia và đoạt giải Bạc cho tiết mục xiếc Tạo hình trên dây da; đây là giải Bạc duy nhất và cao nhất cho kỳ Liên hoan Xiếc quốc tế Golden Circus, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam đến bạn bè thế giới.

Trong giai đoạn hiện nay, Liên đoàn Xiếc gặp rất nhiều những khó khăn, từ đặc thù tuổi đời, tuổi nghề làm xiếc giới hạn dẫn đến luôn thiếu hụt diễn viên cho đến nỗi lo bị các nhóm “xiếc cỏ” liên tục giả mạo về thương hiệu thường xuyên; cộng thêm là một số đơn vị tổ chức biểu diễn liên tục dùng các chiêu thức lôi kéo diễn viên bằng thu nhập cao hơn. Trước những áp lực từ cơ chế và hoạt động biểu diễn, Ban giám đốc Liên đoàn Xiếc VN vẫn kiên trì với định hướng nghệ thuật, nỗ lực xây dựng các chương trình nghệ thuật chất lượng cao cũng như tìm nhiều phương thức mới trong tổ chức biểu diễn để thu hút khán giả. Với những tín hiệu khả quan từ những nỗ lực của Liên đoàn Xiếc đã và đang thực hiện, tin rằng giấc mơ nâng tầm xiếc Việt ra thế giới không còn quá xa vời. 

 ​ Cần có thiết chế để ràng buộc nghệ sĩ xiếc sau khi đào tạo

Cơ chế của cơ quan nhà nước chưa có chế tài để níu giữ diễn viên nếu như họ tìm được một chỗ làm việc tốt hơn ở bên ngoài. Tình trạng “chảy máu lao động” là có thật, nhưng Liên đoàn Xiếc lại không có cơ chế chuyển nhượng diễn viên, nếu họ bỏ nghề vì mưu sinh, chúng tôi vẫn phải chấp nhận. Thông thường với những tiết mục tập thể được đầu tư công phu, việc ra đi của một số cá nhân sẽ làm khó cho những người ở lại vì không có ai thay thế và dẫn tới tiết mục bị phá vỡ, lao động bị dôi dư. Liên đoàn Xiếc luôn tạo điều kiện cho nghệ sĩ tham gia các hợp đồng biểu diễn với các nhà tổ chức biểu diễn trong nước và quốc tế và nghệ sĩ chỉ cần trích 20% số tiền diễn để nộp về, đó là số tiền đầu tư dàn dựng tiết mục cũng như đó là tiền đơn vị đầu tư cho trang phục, đạo cụ của tiết mục. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng 1 năm nay Liên đoàn Xiếc đã tổ chức căng tin nấu ăn phục vụ cán bộ, nghệ sĩ vào bữa trưa. Cán bộ ăn thì nộp 25.000 đồng/1 suất. Riêng với diễn viên trẻ chúng tôi chỉ lấy 5.000 đồng/1 suất. Chúng tôi muốn nghệ sĩ của mình phải đảm bảo sức khoẻ để tập luyện và cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt với lớp diễn viên trẻ.  (NSND TẠ DUY ÁNH, Giám đốc Liên đoàn Xiếc VN)

 

Thúy Hiền

 

 

 

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top