Tuồng lịch sử: Làm hay thì khán giả vẫn phải lòng ...
VHO- “Làm vua là vở tuồng lịch sử được ê kíp sáng tạo đầu tư nhiều công sức. Tư tưởng Chính tâm tu thân, tề gia trị quốc đối với đạo làm vua là chủ đề nổi bật mà tác phẩm mang tới khiến những con người của thời hiện đại cảm thấy ngưỡng mộ, nể phục…”, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã đánh giá cao tính thời sự của Làm vua sau đêm diễn mở màn cuối tuần qua tại Rạp hát Hồng Hà, Hà Nội.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông tặng hoa chúc mừng các nghệ sĩ sau đêm duyệt vở “Làm vua”
Ê kíp sáng tạo gồm tác giả kịch bản TS Nguyễn Đăng Chương, chuyển thể Nguyễn Sỹ Chức, đạo diễn NSND Hoài Huệ đã rất ăn ý khi cùng các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam cho ra mắt một vở diễn đậm chất cổ nhưng lại dễ xem, dễ tiếp nhận với công chúng hiện đại. Thứ trưởng Tạ Quang Đông chia sẻ, các nhân vật lịch sử đã trở nên gần gũi hơn bởi cách khai thác, cách dàn dựng rất mới khi lột tả được những mâu thuẫn, trăn trở sâu trong nội tâm. “Tôi tin rằng, nếu cứ cách khai thác đề tài lịch sử như Làm vua thì không chỉ khán giả lớn tuổi mà lớp khán giả trẻ cũng sẽ thấy hấp dẫn”, Thứ trưởng hào hứng cho biết.
Làm vua là lát cắt lịch sử với những bí ẩn từ mối quan hệ giữa hai vị vua Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành và Hoàng hậu Dương Vân Nga. Có thể thấy, tác giả Đăng Chương khá táo bạo khi lựa chọn sự “khuất mờ” của lịch sử cùng những đánh giá có tính “truyền miệng” tồn tại suốt nhiều thế kỷ về ba nhân vật quyền lực nhất ở thời kỳ đầu dựng nước để đưa vào tác phẩm của mình. Ai cũng biết về giai thoại tình yêu giữa Hoàng hậu Dương Vân Nga và Thập đạo tướng quân Lê Hoàn. Nhưng tướng quân Lê Hoàn đã luôn giữ đạo trung thần để quên đi tình cảm một thời tuổi trẻ đối với bà Dương Vân Nga khi bà chưa tiến cung. Cả ba nhân vật đều thể hiện ý chí và sứ mệnh của họ để tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử: Chuyển giao quyền lực từ nhà Đinh sang nhà Tiền Lê.
Một cảnh trong vở tuồng “Làm vua”
Mối tình tay ba đó chỉ là cái cớ để ê kíp sáng tạo chuyển tới khán giả thông điệp: Làm người lãnh đạo phải biết đặt lợi ích của muôn dân trăm họ lên trên mưu cầu hạnh phúc cá nhân. Có thể thấy cái ý chí của người “làm vua” đứng đầu một quốc gia nhưng biết hy sinh lợi ích riêng tư để làm việc lớn cho đất nước trong Đinh Tiên Hoàng. Vua Đinh sẵn lòng tác hợp cho vị danh tướng với hoàng hậu của mình. Cũng chỉ có Vua Đinh mới phá đi tiền lệ khi cả ba cha con ông lấy ba mẹ con họ Ngô (vốn là vợ con của kẻ thù) để thu phục nhân tâm. Để hàng phục Ngô Nhật Khánh, một thủ lĩnh thời 12 sứ quân, đổi lấy sự hoà hoãn vững vàng cho đất nước, vua Đinh đã gả công chúa Phất Kim cho hắn. Ngô Nhật Khánh bỏ trốn sang Chiêm Thành và huỷ hoại dung nhan của công chúa Phất Kim. Không ít khán giả đã rơi nước mắt khi chứng kiến nàng công chúa không còn nguyên vẹn khi trở về quê hương. Đau xót nhưng vua Đinh vẫn khẳng định nếu lựa chọn lại, ông sẽ vẫn làm như vậy vì tình thế lúc đó việc hy sinh hạnh phúc của con gái là điều cần thiết cho đất nước.
Là một đạo diễn kỳ cựu của kịch hát Bài chòi, NSND Hoài Huệ đã có những xử lý không gian, thời gian “rất tuồng” khi phông hậu chỉ có dãy núi Trường Yên của Ninh Bình cùng 6 cảnh cứng, một mặt vẽ rồng màu vàng đại diện cho vua, một mặt màu đỏ biểu hiện tướng trung quân... Sân khấu được dàn dựng không quá rườm rà mà đi sâu vào khai thác triệt để nghệ thuật diễn xuất của diễn viên, từng động tác, từng câu hát hay nói lối đều rất tinh tế và đậm chất tuồng cổ.
Có thể cảm nhận được sức nóng của vở tuồng lịch sử qua sự hào hứng, tán thưởng từ khán giả. Khán phòng Rạp hát Hồng Hà bỗng bật lên một lời bình cao hứng từ một vị khán giả lớn tuổi thán phục trước hành xử của Vua Đinh khi mong muốn tác hợp cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn và Hoàng hậu Dương Vân Nga, hay tiếng nức nở thổn thức khi chứng kiến công chúa Phất Kim bị chồng hành hạ,… và rất nhiều màn diễn thăng hoa làm bùng lên những tràng pháo tay vang dội dưới khán phòng. Tất cả cho thấy Làm vua đã được dàn dựng và diễn với những tinh tuý chắt lọc nhất để tạo nên sức hấp dẫn, thu hút đối với khán giả hôm nay.
CAO NGỌC