Sự thật việc cứu hộ hai gấu con ở rạp xiếc
VHO- Tổ chức động vật châu Á vừa ra thông cáo báo chí về việc đã cứu hộ hai gấu con ở Rạp xiếc Trung ương (Hà Nội) và chuyển giao cho Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam chăm sóc. Sự thật về việc cứu hộ hai gấu con ở rạp xiếc là như thế nào?
Theo thông cáo báo chí, Tổ chức Động vật châu Á cho biết vào tháng 3.2019, Tổ chức này có nhận phản ánh từ một số khách mua vé vào xem biểu diễn tại Rạp xiếc Trung ương về việc có gấu con được sử dụng để biểu diễn xiếc. Thông tin này đã được xác minh với Liên đoàn Xiếc Việt Nam và cơ quan chức năng sở tại là Chi cục Kiểm lâm Hà Nội. Một giải pháp tốt nhất đã được các cơ quan cùng đồng thuận, đó là đưa hai cá thể gấu con này về chăm sóc tại Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam.
Bác sĩ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam chăm sóc gấu con
Trao đổi với Văn Hóa, phía Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã cung cấp cho chúng tôi văn bản gửi Cục Kiểm lâm trao đổi về thông tin việc sử dụng gấu ngựa con biểu diễn xiếc. Theo văn bản, ngày 28.7.2018 có một thanh niên đến phòng thú y của Liên đoàn Xiếc chở hai gấu ngựa con khoảng 2 tháng tuổi trong tình trạng rất nguy kịch như giảm huyết áp, tiêu chảy ra máu nhờ bác sĩ Hải Đăng (bác sĩ thú y của Liên đoàn Xiếc VN) cấp cứu và điều trị. Sau 3 ngày thấy tình trạng bệnh nặng, chi phí tiền thuốc và sữa cao nên thanh niên đó đã bỏ lại phòng thú y và không quay lại nữa. Với trách nhiệm là bác sĩ thú y của Liên đoàn Xiếc, bác sĩ Hải Đăng đã cố gắng cứu chữa. Sau hơn một tháng được chăm sóc đặc biệt sức khỏe của hai gấu con đã ổn định. Khi được chữa trị khỏi hoàn toàn có giao cho hai diễn viên chăm sóc. Trong thời gian gần gũi, chăm sóc gấu, diễn viên có làm quen, huấn luyện một số động tác xiếc và bố trí biểu diễn làm quen sân khấu như khán giả đã xem.
Trao đổi rõ hơn lý do vì sao hai con gấu lại được cứu hộ tại rạp xiếc, NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết: “Bác sĩ Hải Đăng là một bác sĩ thú y giỏi, có tiếng nên có nhiều người tìm đến nhờ chữa trị cho các con vật. Hai con gấu được đưa đến trong tình trạng nguy kịch nên bác sĩ với lương tâm nghề nghiệp không thể không tiếp nhận, chăm sóc. Là đơn vị sự nghiệp hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật xiếc phục vụ khán giả, trong đó có cả xiếc thú nên có thể một số người biết rằng chúng tôi sẽ phải có bộ phận thú y chăm sóc đặc biệt cho các con thú nên đã mang tới chữa bệnh. Người thanh niên mang hai con gấu đến rồi bỏ lại, chúng tôi không thể bỏ mặc được nên việc chữa trị, chăm sóc, nuôi nấng cho chúng cần phải đáp ứng kịp thời. Sau sự việc này, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã rút kinh nghiệm với bác sĩ và đoàn xiếc thú để sau này có báo cáo kịp thời và xử lý khi có những tình huống tương tự xảy ra”.
NSND Tạ Duy Ánh cũng cho biết thêm khoảng 3 năm trở lại đây, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đang chuyển hướng thay từ biểu diễn xiếc thú với các động vật hoang dã sang biểu diễn các vật nuôi gần gũi với con người như đà điểu, lợn, mèo, chó, gà, trâu... Bởi lẽ sân khấu xiếc không thể không có biểu diễn xiếc thú bởi mỗi con vật đều gắn liền với ký ức tuổi thơ lẫn việc giáo dục cho trẻ em. Với xiếc thú, người nghệ sĩ phải là diễn viên, diễn cùng con thú như bạn, để tạo cảm giác gần gũi với khán giả, với con thú chứ không phải đơn thuần là người huấn luyện.
Là đơn vị sự nghiệp hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật xiếc phục vụ khán giả, trong đó có cả xiếc thú nên có thể một số người biết rằng chúng tôi sẽ phải có bộ phận thú ý chăm sóc đặc biệt cho các con thú nên đã mang tới chữa bệnh. Người thanh niên mang hai con gấu đến rồi bỏ lại, chúng tôi không thể bỏ mặc được nên việc chữa trị, chăm sóc, nuôi nấng cho chúng cần phải đáp ứng kịp thời. Sau sự việc này, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã rút kinh nghiệm với bác sĩ và đoàn xiếc thú để sau này có báo cáo kịp thời và xử lý khi có những tình huống tương tự xảy ra. (NSND TẠ DUY ÁNH, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam) |
ĐÀO ANH