Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Sân khấu Việt đang lãng quên thế giới?

Thứ Tư 22/03/2017 | 09:56 GMT+7

VH- Làm cách nào để có thêm những nguồn thông tin cập nhật về sân khấu thế giới, và ngược lại đưa sân khấu VN giới thiệu với các nước quả là vấn đề không đơn giản. Để quan hệ hợp tác giữa VN và các quốc gia có nền sân khấu phát triển trên thế giới đi vào thực chất chứ không phải đơn thuần chỉ là hình thức giao lưu đơn lẻ, đòi hỏi một kế hoạch mang tính chiến lược, lâu dài.

 Việc học hỏi, tiếp nhận cũng như “xuất cảnh” tác phẩm sân khấu Việt trong thập niên lại đây vẫn không có nhiều đột phá. Dù rằng, không ai có thể phủ nhận sự cố gắng của nhiều người mong muốn các nghệ sĩ và công chúng Việt được thưởng thức trực tiếp các tác phẩm sân khấu thế giới khi bằng nhiều con đường đã đưa được các đơn vị nghệ thuật của nhiều quốc gia tới biểu diễn. Dấu ấn lớn nhất lànăm 2016 đã có Liên hoan Quốc tế sân khấu Thử nghiệm lần thứ 3 tại Hà Nội. Tuy nhiên, số lượng tác phẩm theo cách này chưa nhiều, lại qua rào cản ngôn ngữ nên hạn chế lớn tới chất lượng cảm thụ nghệ thuật. Sân khấu là hình thức đòi hỏi trực tiếp được xem biểu diễn, khiến cho việc giới thiệu tác phẩm trở thành khá tốn kém khi cần tới công sức của cả tập thể các nghệ sĩ. Do những hạn chế về kinh phí, nên việc tổ chức cho các hoạt động này thường phụ thuộc rất nhiều vào đối tác nước ngoài. Rào cản ngôn ngữ cũng là điểm yếu lớn của nghệ sĩ VN khi đến với bạn bè quốc tế… Thêm nữa, tiếp xúc với những nhà nghiên cứu, lãnh đạo các đơn vịlại càng buồn vì có một số lượng lớn các nghệ sĩ Việt còn quá mải miết với việc chạy show kiếm tiền mà bỏ quên nhu cầu học hỏi, nâng cao kiến thức nghề cũng như kiến thức xã hội nói chung. Từng đi nước ngoài công tác cùng các nghệ sĩ nhiều đợt, nhưng Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam, ông Nguyễn Thế Vinh có phần chạnh lòng khi nhận ra có những nghệ sĩ lớn của chúng ta không hề tận dụng cơ hội để xem bạn đồng nghiệp trên thế giới đang diễn gì, có gì mới mẻ đang diễn ra trên sân khấu các nước. Đó là với những người may mắn có cơ hội ra nước ngoài. Còn với đa phần các nghệ sĩ khác, việc bỏ thời gian “làm ngoài” để thu nhập luôn là ưu tiên hàng đầu chứ không phải là cơ hội học hỏi từ các đêm diễn của đơn vị bạn. Lại càng khó khăn hơn nếu như các đơn vị nghệ thuật nước ngoài tới, phải bỏ tiền mua vé không hề rẻ chút nào trong mặt bằng hiện nay để thưởng thức các tác phẩm sân khấu. Ý thức học hỏi chưa cao, sự bằng lòng với cách diễn mang tính “cảm quan”, dựa vào “năng khiếu” là chính… vẫn là những lý do khiến cho các nghệ sĩ của chúng ta ít động lực học tập. Các nghệ sĩ lão thành mỗi khi mạn đàm về vấn đề này đều rất lo lắng khi các nghệ sĩ nước nhà thiếu thốn nhiều thông tin về tình hình sân khấu bên ngoài, chỉ quẩn quanh với những mảng miếng của các thế hệ đi trước từng tiếp thu từ sân khấu nước ngoài về… Thiếu thông tin, thiếu kênh liên lạc thường xuyên với sân khấu thế giới, sự sáng tạo của các nghệ sĩ VN thiếu đi động lực như cú“hích” cần thiết để đổi mới, để tiếp nguồn năng lượng mới cần thiết cho công tác sáng tạo nghệ thuật.

 Kịch “Lâu đài cát” của Nhà hát Kịch VN tham dự Liên hoan và Diễn đàn sân khấu Trung Quốc ASEAN 2016 đã nhận giải xuất sắc cho tác phẩm và giải tác giả xuất sắc cho tác giả


Việc giới thiệu sân khấu VN với thế giới vẫn dựa nhiều vào các đợt tổ chức ngày văn hóa Việt Nam tại các nước, nên mang nhiều màu sắc “ngoại giao” là chính. Và chủ yếu các thể loại sân khấu được đưa đi giới thiệu vẫn khai thác vốn cổ cha ông để lại như Rối nước, Tuồng, Chèo… ít có được những kịch chủng dễ hòa nhập hơn với các nước như Kịch nói. Đợt biểu diễn hoành tráng nhất gần đây là của Nhà hát  kịch Việt Nam mang Hăm lét đi biểu diễn ở Singapore, thì mơ ước được sang biểu diễn tiếp ở Anh, quê hương của kịch bản kinh điển này lại bị dừng lại không có thời hạn. Vì chỉ nhờ vào sự tài trợ của một doanh nhân, nên các kế hoạch lớn, tốn kém này quả khó thành hiện thực.
Bên cạnh những lý do đó còn có sự chưa thuận trong quy hoạch, trong chiến lược phát triển của sân khấu Việt Nam. Như đánh giá chung của lãnh đạo các đơn vị, hầu như những hoạt động giao lưu, hợp tác với sân khấu thế giới của chúng ta đều do sự năng động của các cá nhân, các đơn vị nghệ thuật với các mối quan hệ mang tính cá nhân. Vì vậy, sự thiếu quyết sách hợp lý trong hoạt động này là điều dễ hiểu.
Mọi sự giao lưu văn hóa trong thời đại hiện nay đều là hết sức cần thiết, khi mà những tác động của điều kiện vật chất, xã hội của mỗi nước đều có những tác động không nhỏ tới môi trường chung của một thế giới ngày càng trở nên gắn bó chặt chẽ hơn trong một tổng thể chung của xã hội hiện đại. Chiến lược phát triển của sân khấu nước nhà trong bối cảnh hiện nay không thể bỏ qua sự hoạch định khâu hợp tác với sân khấu thế giới.

Cao Ngọc

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top