Nhà hát Lớn rộng cửa đón các đơn vị nghệ thuật: Sân khấu dân tộc được tôn vinh tại Nhà hát Lớn

Nhà hát Lớn rộng cửa đón các đơn vị nghệ thuật: Sân khấu dân tộc được tôn vinh tại Nhà hát Lớn

VH- “Quan họ Bắc Ninh nghe cũng hay đấy chứ nhỉ”, “Cải lương mà hấp dẫn như Cung phi Điểm Bích thì phải đi xem đều thôi”... những lời nhận xét hồn nhiên nhưng cũng rất chân tình của nhiều vị khán giả lớn tuổi cũng như của nhiều bạn trẻ khi xem tại Nhà hát Lớn trong hai đêm 3.5 và 4.5 đã phần nào cho thấy nếu hay và biết cách làm thì nghệ thuật dân tộc vẫn đến và chinh phục được trái tim của người xem đương đại.

Sau Về miền quan họ và Cung phi Điểm Bích là một loạt những chương trình hay, hấp dẫn được tuyển chọn từ các nhà hát được coi là đầu đàn của từng loại hình nghệ thuật. Nhà hát Múa rối VN với hai chương trình Aladanh và cây đèn thần (tối 6.5), Tôn Ngộ Không 3 lần đánh Bạch Cốt Tinh (tối 7.5), Nhà hát Tuồng VN với Nữ tướng Đào Tam Xuân (13.5), Hồ Quý Ly (26.5), Nhà hát Chèo Nam Định với Không phải là vụ án (23.5), Nhà hát Chèo Hà Nội với Vương nữ Mê Linh (27.5), Nhà hát Chèo VN với hai chương trình Súy Vân (24.5) và Dây tràng hạt diệu kỳ (28.5), Nhà hát NT Ca kịch Huế với hai chương trình Vụ án Lệ Chi Viên và Dòng sông đỏ (tháng 6).
NSND Ngọc Bình, Giám đốc Nhà hát NT Ca kịch Huế chia sẻ: “Chúng tôi rất vinh dự khi được lựa chọn vào đợt biểu diễn tôn vinh nghệ thuật truyền thống. Vì vậy anh em nghệ sĩ của nhà hát đều ý thức được trách nhiệm rất lớn của mình là đoàn địa phương ra trung tâm thủ đô Hà Nội phải làm sao các chương trình phải thật sự hiệu quả, thật sự được dàn dựng trau chuốt, kỹ lưỡng”.
Chủ trương biểu diễn các chương trình nghệ thuật chất lượng cao tại Nhà hát Lớn mới được Bộ VHTTDL khởi xướng từ tháng 8.2016 và đến nay mới chỉ khoảng 20 chương trình được biểu diễn. Chính vì vậy mà ngay cả những người thực hiện chương trình vẫn còn nhiều bỡ ngỡ. Có lúc, có đơn vị chưa thực sự “vào cuộc” để tạo nên một sự thống nhất cao trong sự phối hợp giữa ban tổ chức với các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật. Ngay như việc đáp ứng các thông tin, ảnh tư liệu giới thiệu cho bộ phận truyền thông quảng cáo và in vé xem cũng có phần chậm trễ. Thấy rõ bộ phận làm công tác truyền thông của các nhà hát và các đơn vị còn non yếu, chưa thích ứng nhanh và đáp ứng yêu cầu truyền thông thời sự cho ban tổ chức cũng như báo chí. Đây là một trong những lý do khiến khâu quảng bá truyền thông cho các chương trình, cụ thể là chuỗi chương trình biểu diễn trong tháng 5 này tại Nhà hát Lớn vẫn chậm. Nhiều người dân thủ đô và ngay cả những người trong giới làm nghệ thuật cũng chưa được biết đến những thông tin cụ thể.

Nhà hát Lớn rộng cửa đón các đơn vị nghệ thuật: Sân khấu dân tộc được tôn vinh tại Nhà hát Lớn - Anh 1

Các liền anh liền chị Quan họ

Nhà hát Lớn rộng cửa đón các đơn vị nghệ thuật: Sân khấu dân tộc được tôn vinh tại Nhà hát Lớn - Anh 2

 Vở cải lương "Cung phi Điểm Bích"


Một trong những băn khoăn và lo lắng lớn nhất từ phía ban quản lý Nhà hát Lớn chính là việc bán vé cho các chương trình. Mặc dù đã có chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VHTTDL, Cục Nghệ thuật biểu diễn là các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật biểu diễn không thể đứng ngoài cuộc và phó mặc công tác bán vé, doanh thu ở Nhà hát Lớn mà cần phải chủ động tích cực vào cuộc. Thế nhưng chủ trương này vẫn chưa được thực hiện, lác đác chỉ có một vài chương trình như Hừng đông, Aladanh và cây đèn thần, Tôn Ngộ Không 3 lần đánh Bạch Cốt Tinh được các nhà hát chủ động bán được hơn 100 vé cho mỗi chương trình.
Trao đổi với Báo Văn Hóa, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội cho biết: “Tôi cho rằng các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật và đặc biệt là bộ phận truyền thông cần phải có sự quyết liệt hơn nữa cùng với ban tổ chức để tạo nên sự thay đổi thực sự về việc chủ trương bán vé doanh thu, đây chính là yếu tố quan trọng để Nhà hát Lớn đỏ đèn và tác phẩm đến được đúng với những đối tượng khán giả cần xem nghệ thuật khi chính họ là người bỏ tiền ra tự mua vé xem và thụ hưởng. Phải bắt đầu ngay từ việc chuẩn bị các tư liệu sớm để chúng tôi có thể in vé và số ghế xem sớm, đẩy thời gian bán vé sớm hơn hàng tháng mới có thể kêu gọi được các nhà tài trợ cũng như có nhiều khán giả đến mua vé. Bộ VHTTDL chủ trương cho các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật bán được bao nhiêu vé thì có quyền giữ lại số tiền đó để chi tiêu bồi dưỡng cho nghệ sĩ và tái đầu tư cho các chương trình. Chưa kể các cá nhân nào bán được vé sẽ được trích 20% tiền hoa hồng từ bán vé”.

Nhà hát Lớn rộng cửa đón các đơn vị nghệ thuật: Sân khấu dân tộc được tôn vinh tại Nhà hát Lớn - Anh 3


Khán giả hào hứng cổ vũ chương trình của Nhà hát Dân ca Quan họ


Giá vé xem các chương trình nghệ thuật truyền thống trong tháng 5 đã được hạ giá thấp so với mặt bằng các chương trình nghệ thuật được tổ chức tại Nhà hát Lớn, từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng vậy mà số lượng vé vẫn chưa nhiều. Nhìn nhận về vấn đề này, NSƯT Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo VN chia sẻ: “Hiện nay chúng tôi mới triển khai bán chưa được 100 vé. Cũng chưa nói trước được vì chương trình của nhà hát sẽ diễn vào cuối tháng 5. Giá vé đã hạ nhưng so với giá vé diễn ở rạp Kim Mã vẫn có độ chênh. Quả thực là chúng tôi vẫn chưa thực sự hòa nhập với chủ trương này nên việc bán vé vẫn còn rất bỡ ngỡ chưa đạt hiệu quả cao”. NSƯT Triệu Trung Kiên, Phó giám đốc Nhà hát Cải lương VN cho biết: “Hiện nay khán giả và người hâm mộ vẫn chưa biết lịch diễn cụ thể của từng đêm diễn tại Nhà hát Lớn. Việc tổ chức không thường xuyên và theo từng chuyên đề cũng là một khó khăn khiến Nhà hát Lớn chưa thực sự là điểm dừng chân của nhiều khán giả thủ đô. Tôi cho rằng ban tổ chức cần tính toán để làm sao có một lịch diễn cố định hằng tuần, hằng tháng trong năm thì nghệ sĩ cũng như khán giả có thể tiện bề theo dõi hơn. Việc lựa chọn các chương trình biểu diễn tại Nhà hát Lớn cũng cần đề cao hơn việc giới thiệu những tác phẩm nghệ thuật mới có chất lượng để tạo nên sức hấp dẫn, thời sự hơn cho các chương trình”. Bà Ngô Thanh Thủy, Giám đốc Nhà hát Múa rối VN và lãnh đạo một số nhà hát khác tỏ ý băn khoăn về việc các nhà hát bán được bao nhiêu vé thì sẽ được “hưởng” số tiền bán vé chi trả cho anh chị em nghệ sĩ tham gia biểu diễn, tập luyện và phục vụ chương trình, rất cần có một cơ chế hoạt động quy định cụ thể cũng như việc chi trả phần trăm hoa hồng cụ thể cho cá nhân hoặc đơn vị hợp tác tổ chức biểu diễn.
Còn rất nhiều băn khoăn, bỡ ngỡ khi các đơn vị nghệ thuật “vào cuộc” theo chủ trương biểu diễn tại Nhà hát Lớn của Bộ VHTTDL, vạn sự khởi đầu nan có đi mới có đến, có làm thì mới gỡ được những băn khoăn, khó khăn phải đối diện. Vấn đề là chủ trương đã có, cờ đến tay thì phải phất, không nói ra nhưng nếu không biết nắm bắt cơ hội để tôn vinh nghệ thuật và thương hiệu của đơn vị mình là một điều rất thiệt thòi cho các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật cũng như cá nhân nghệ sĩ. 


Thúy Hiền

Ý kiến bạn đọc