Người thân và đồng nghiệp tiễn biệt nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm

VHO-Chiều ngày 24.4, người thân và đông đảo đồng nghiệp đã tiễn biệt nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm tại Nhà tang lễ 125 Phùng Hưng (Hà Nội).

Lễ viếng nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm bắt đầu từ 14h30, lễ truy điệu diễn ra lúc 15h15 ngày 24.4 tại Nhà tang lễ 125 Phùng Hưng, Hà Nội; hoả táng tại Đài hoá thân Hoàn Vũ (Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội). Trước đó, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đột ngột qua đời chiều 20.4 tại nhà riêng, hưởng thọ 69 tuổi.

Người thân và đồng nghiệp tiễn biệt nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm - Anh 1

Ngay từ rất sớm nhiều đồng nghiệp đã có mặt tại Nhà tang lễ 125 Phùng Hưng để viếng nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm

Nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm sinh năm 1952 tại Hà Nội. Ông là con đầu lòng của nhạc sĩ Hoàng Giác. Nhiều bài thơ của Hoàng Nhuận Cầm được các bạn đọc trẻ tuổi, đặc biệt là học sinh, sinh viên yêu thích vì nó gắn với những kỷ niệm của tuổi trẻ, tình yêu với một giọng thơ trẻ trung, sôi nổi. Các tác phẩm tiêu biểu của ông như Chiếc lá đầu tiên, Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu, Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến, Viên xúc xắc mùa Thu,...

Người thân và đồng nghiệp tiễn biệt nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm - Anh 2

Tang lễ nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm

Hoàng Nhuận Cầm đoạt giải của Báo Văn nghệ năm 1972 - 1973 trong thời gian ông đang có mặt tại chiến trường Quảng Trị, trong chùm thơ đoạt giải có bài Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu. Sau tập thơ xuất bản năm 2008, Hoàng Nhuận Cầm không ra mắt tuyển tập mới. Ông từng nói: "Theo thời gian, tôi tự nhận thấy mình trầm tĩnh hơn, sâu sắc và thận trọng hơn khi công bố trước công chúng, dù chỉ là một bài thơ của mình. Nhưng dù trước đây hay sau này, tôi không muốn phụ lòng bạn đọc. Nếu không làm được hay hơn và mới hơn trước thì thà đừng in còn hơn".

Người thân và đồng nghiệp tiễn biệt nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm - Anh 3

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam  viếng nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: "Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm là một ví dụ xuất sắc cho nhà thơ đã hiến dâng tất cả những vẻ đẹp thơ ca, cũng như hiến dâng cả cuộc đời mình cho nền thơ ca dân tộc. Ông coi thơ ca như môt lẽ sống cao cả của mình. Đáng ghi nhận hơn cả, từ những năm tháng đẹp đẽ nhất của cuộc đời mình ông đã xung phong nhập ngũ, bước vào chiến tranh để bảo vệ cho nền độc lập của dân tộc. Cũng chính trong khói đạn của chiên tranh, thơ ca của ông đã vang lên những bài thơ rất đẹp, những bài thơ mang phng cách riêng của tầng lớp tri thức trẻ, của một thanh niên sẵn sàng hy sinh và tận hiến cho Tổ quốc".

Người thân và đồng nghiệp tiễn biệt nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm - Anh 4

Đông đảo văn nghệ sĩ tiễn biệt nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm

"Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm ra đi chỉ cách sau nhà thơ Nguyễn Huy Thiệp 1 tháng, đây là hai nhà văn, nhà thơ gạo cội của Hội Nhà văn Việt Nam. Đặc biệt, với sự ra đi của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã để lại sự tiếc thương vô hạn cho người ở lại... Ông ra đi vào thời điểm mà chúng ta thấy được trong ông vẫn tràn ngập cảm hứng sáng tác, năng lượng thi ca của ông vẫn dạt dào như  thuở 18 đôi mươi. Nhà thơ đã để lại những cột mốc quan trọng trong con đường thi ca cũng như trong những thành công của nền văn học Việt Nam", Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ.

Người thân và đồng nghiệp tiễn biệt nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm - Anh 5

Trong cuốn sổ tang, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn xúc động: "Vô cùng thương tiếc anh Hoàng Nhuận Cầm, người nghệ sĩ tài hoa, người anh đồng môn Khoa Ngữ Văn yêu quý"

Trong lĩnh vực biên kịch, Hoàng Nhuận Cầm được vinh danh "Biên kịch xuất sắc" tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 và Cánh diều vàng 2011 cho kịch bản phim Mùi cỏ cháy. Tác phẩm lấy cảm hứng từ nhật ký Mãi mãi tuổi 20 của Nguyễn Văn Thạc và hàng loạt nhật ký thời chiến của các liệt sĩ khác như Đặng Thùy Trâm, Vũ Xuân, Hoàng Thượng Lân, Hoàng Kim Giao, được ông thai nghén suốt sáu năm. Ông xây dựng bốn nhân vật chính Hoàng - Thành - Thăng - Long, trong đó nhân vật Hoàng yêu thơ, mơ mộng, hay xúc động, mang dáng dấp của chính nhà thơ.

Người thân và đồng nghiệp tiễn biệt nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm - Anh 6

Người thân và đồng nghiệp tiễn biệt nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm - Anh 7

Đạo diễn Hữu Mười dẫn đầu đoàn làm phim Mùi cỏ cháy từ biệt nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm 

Diễn viên Nguyễn Năng Tùng, người đóng vai Hoàng trong bộ phim Mùi cỏ cháy hồi tưởng lại: "Được gặp gỡ, có cơ hội làm việc cùng nhà thơ - nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm là niềm vinh dự, hạnh phúc đối với bản thân và con đường sự nghiệp của tôi. Ông là người truyền lửa cho tôi và cả những diễn viên khác trong phim, đặc biệt với vai trò là nhân vật Hoàng - Mang hình ảnh của ông thời trai trẻ. Trong bộ phim có phân cảnh nhân vật Hoàng đọc trước đơn vị bài thơ Viên xúc xắc mùa Thu và chính Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã tận tay trao tặng mình cuốn thơ ấy và giúp mình đọc những câu thơ của ông sao cho có hồn nhất, lay động trái tim người xem nhất". 

Người thân và đồng nghiệp tiễn biệt nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm - Anh 8

Nhà biên kịch, nhà báo Chu Thu Hằng, Tổng biên tập Báo Văn Hóa cùng Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã tới để tiễn đưa một người anh, một đồng nghiệp của mình

Người thân và đồng nghiệp tiễn biệt nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm - Anh 9

Sự ra đi đột ngột của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm để lại một niềm tiếc thương đối với bạn bè, đồng nghiệp...

Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam bày tỏ: "Sự ra đi đột ngột của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm để lại một niềm tiếc thương vô cùng sâu sắc và là một tổn thất vô cùng to lớn với nền Văn học Việt Nam, đối với làng thơ Việt Nam. Hoàng Nhuận Cầm là một nhà thơ tài danh, một nhà thơ - chiến sĩ thực thụ, một niềm say mê thơ ca đến thánh thiện rất đáng khâm phục...".

VŨ MỪNG - HÀN THỦY

Ý kiến bạn đọc