Nặng như... vương miện hoa hậu
VHO- Hai nàng hậu H’Hen Niê và Nguyễn Thúc Thùy Tiên luôn có chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng, không chỉ vì đăng quang hoặc lọt top cao từ các cuộc thi uy tín, mà trên hết là những giá trị mà họ đóng góp cho cộng đồng. Qua đó để thấy, “đấu trường nhan sắc” không hề xấu, thế nhưng việc “ra ngõ là gặp hoa hậu” như hiện nay vô hình trung đã khiến khán giả có cái nhìn không mấy thiện cảm về danh hiệu này.
Hoa hậu H’Hen Niê luôn truyền cảm hứng tích cực cho các bạn trẻ về lối sống cũng như sự nỗ lực vươn lên
Đoạt vương miện đã khó, nhưng làm hoa hậu còn khó hơn nhiều!
Chỉ trong chưa đầy 10 ngày đăng quang Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023, quán quân Huỳnh Trần Ý Nhi đã phải hai lần lên tiếng xin lỗi, cùng với đó, đơn vị quản lý cũng công khai thừa nhận sai sót. Trước những phát ngôn được xem là không xứng tầm hoa hậu của cô, cộng đồng có những lý do chính đáng để phản ứng. Có thể Ý Nhi còn quá trẻ để có suy nghĩ và phát ngôn chín chắn, cũng có thể cô đang bị “lóa mắt” bởi ánh hào quang, thậm chí ảo tưởng về giá trị của bản thân…, dù hiểu theo cách nào thì phát ngôn kém tinh tế của tân hoa hậu cũng đã vô tình thổi bùng lên những tranh cãi, sự nghi ngại và đánh đồng về giá trị thực của các cuộc thi nhan sắc hiện nay.
Trước những ồn ào liên tiếp diễn ra, làn sóng chỉ trích Ý Nhi ngày càng mạnh mẽ, thậm chí đang có xu hướng trở thành “bạo lực mạng”. Rõ ràng, việc một hoa hậu đăng quang, ngoài sự công nhận của Ban giám khảo, thì đánh giá của khán giả cũng quan trọng không kém. Trong nhiều hội nhóm “anti-fan”, các tài khoản liên tục đăng tải các bài viết chỉ trích nhất cử nhất động và soi kỹ đến từng “chân tơ kẽ tóc” của tân hoa hậu, còn phần bình luận là hàng loạt ý kiến chê bai, mỉa móc, thóa mạ đến cực đoan; và không chỉ “còm” trong các hội nhóm, “anti-fan” còn tràn vào trang chủ Miss World Vietnam để đòi truất vương miện của tân hoa hậu.
Theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long, “bản thân Huỳnh Trần Ý Nhi không phải một người kỳ cựu, hoạt động có thâm niên trong showbiz, cô ấy chỉ mới đăng quang và trước đó cũng chưa có kinh nghiệm gì, thế nên vai trò của công ty quản lý, cụ thể là ê kíp truyền thông là rất quan trọng. Những điều xảy ra đã chứng minh rằng ê kíp của Ý Nhi chưa thực sự nhanh nhạy trong việc hỗ trợ phát ngôn, dự phòng rủi ro và kiểm soát truyền thông cho tân hoa hậu sau đăng quang”.
Rõ ràng, ngôi vị cao nhất của một cuộc thi hoa hậu là sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của một cô gái trẻ. Nhưng đứng vững trên ngôi cao và được công chúng công nhận lại là chuyện khác. Vì thế, khi đã giành được vương miện, hoa hậu cần phải hiểu được trách nhiệm của bản thân để sao cho xứng đáng với danh hiệu cao quý này. Một điển hình đúng nghĩa và đúng hướng nhất phải kể đến là nàng hậu H’Hen Niê, khi cô luôn cố gắng hết mình với những đóng góp, truyền cảm hứng cho xã hội, cho cộng đồng và buôn làng mình... Quá khứ, hiện tại và trong tương lai, H’Hen Niê chắc chắn vẫn là hình ảnh lan tỏa những điều tốt đẹp và vì thế tên tuổi của cô cho đến giờ vẫn luôn “sạch sẽ”. Đoạt vương miện đã khó, nhưng phải làm hoa hậu cả đời thực sự khó gấp trăm ngàn lần!
Cần mạnh tay với những cuộc thi kém chất lượng
Không thể phủ nhận giá trị mà các cuộc thi hoa hậu mang lại, khi những cái tên như H’Hen Niê, Nguyễn Thúc Thùy Tiên, Phương Khánh… được hô vang trên các đấu trường nhan sắc quốc tế. Thế nhưng, sự “bùng nổ” các cuộc thi sắc đẹp cũng gây ra một số mặt trái nan giải. Thực tế cho thấy, nhiều cuộc thi đang diễn ra với tên gọi chồng chéo, khó phân biệt; người đẹp này vừa đăng quang, người đẹp khác đã sẵn sàng chạm tay vào vương miện. Nhiều cuộc thi không khác nào một dự án thương mại, được quảng bá bởi những mỹ từ “kêu hơn chuông”: Hoạt động từ thiện nhân đạo, bảo vệ môi trường, đóng góp cho cộng đồng, tôn vinh nét đẹp phụ nữ Việt... Nhưng hậu trao danh hiệu, những hoạt động này gần như bỏ ngỏ khi không có sự giám sát nào, thậm chí BTC các cuộc thi còn “đem con bỏ chợ”.
Trước thực trạng các cuộc thi người đẹp, người mẫu được tổ chức với số lượng lớn, có dấu hiệu lệch chuẩn, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã ký ban hành Chỉ thị số 274/ CT-BVHTTDL về tăng cường quản lý nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa, nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục hồi và phát triển du lịch, trong đó có việc siết chặt và xử lý những cuộc thi hoa hậu sai phạm, kém chất lượng, mua bán giải… Lãnh đạo Bộ VHTTDL yêu cầu Sở Văn hóa các tỉnh, thành phố quản lý chặt chẽ số lượng và chất lượng các cuộc thi, tăng cường công tác phối hợp quản lý đối với cuộc thi có quy mô lớn, có yếu tố nước ngoài, thẩm định chặt chẽ hồ sơ (rà soát kỹ bảo đảm tính thống nhất, phù hợp thuần phong mỹ tục của dân tộc, văn hóa truyền thống, phù hợp lứa tuổi, giới tính...) trước khi tham mưu chấp thuận hoặc không chấp thuận tổ chức các cuộc thi người đẹp, người mẫu; tăng cường kiểm tra, theo dõi sau khi cấp văn bản chấp thuận, kiên quyết dừng cuộc thi người đẹp, người mẫu, chỉ đạo việc thu hồi danh hiệu, giải thưởng, hủy kết quả cuộc thi trong trường hợp có vi phạm pháp luật.
Bà Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn nhận định, việc phân cấp thực hiện thủ tục hành chính cho cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương là hoàn toàn phù hợp: “Từ việc không hạn chế dẫn tới lạm phát các cuộc thi nhan sắc, thì Chỉ thị số 274/CT-BVHTTDL đã nêu rõ vai trò người “gác cổng”, là đơn vị cấp giấy chứng nhận bản quyền cần phải kỹ lưỡng, rà soát chặt chẽ và cẩn trọng nhằm ngăn chặn những tồn đọng không đáng có”. Đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết thêm, ngay sau khi Chỉ thị được ban hành, Cục đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ VHTTDL, tổ chức đoàn kiểm tra tại một số địa phương là “điểm nóng” của các cuộc thi. Thông qua công tác kiểm tra, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng trên là bởi chưa có sự liên kết thông tin, phối hợp quản lý giữa các địa phương. Đặc biệt, có hiện tượng dễ dãi trong công tác thẩm định hồ sơ, thực hiện thủ tục hành chính, cấp văn bản chấp thuận nhiều cuộc thi cho một cá nhân, doanh nghiệp. Qua đó, các địa phương cần phải nâng cao trình độ chuyên môn, khả năng thẩm định và phối hợp nhịp nhàng giữa các khâu để bảo đảm thời hạn cấp thủ tục chấp thuận tổ chức biểu diễn.
Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tại địa phương cũng phải tích cực hơn nữa trong công tác hậu kiểm để xử lý các vấn đề vi phạm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Song song, cần nâng cao trách nhiệm của BTC các cuộc thi người đẹp, để xảy ra lùm xùm, trách cá nhân một thì phải trách BTC mười. Bởi nếu BTC chỉn chu, nghiêm túc trong quá trình tuyển chọn, huấn luyện và đào tạo, cũng như có cách thức hợp lý đồng hành cùng các thí sinh cả trong và sau cuộc thi thì sẽ hạn chế được tối đa những câu chuyện đáng tiếc. Như trường hợp của Ý Nhi, phát ngôn “vạ miệng” rõ ràng có thể ngăn chặn ngay từ đầu, thay vì lên sóng rồi mới “xin lỗi”. Không ít người đặt câu hỏi: Phải chăng ê kíp truyền thông đã “cố ý” để rồi “vô tình”? Đấy là những bài học cần được suy ngẫm trong công tác tổ chức các cuộc thi nhan sắc thời gian tới. Việc giữ gìn hình ảnh không chỉ trong nhiệm kỳ mà còn cần kéo dài suốt cuộc đời cô gái mang trên đầu chiếc vương miện. Qua đó, công chúng sẽ có cái nhìn thiện cảm hơn với danh xưng hoa hậu, cũng như hạn chế mục đích thực dụng, ảo vọng của người tham gia.
Ai đó đã từng nói: Muốn đội vương miện, phải chịu được sức nặng của nó, để thấy được lằn ranh mỏng manh giữa “giấc mơ” và “ác mộng”. Chỉ khi nào các người đẹp hội tụ đủ các yếu tố “tâm, đức, tài, sắc” và chuẩn bị kỹ càng cho việc nhập cuộc, thì mới có thể trở thành biểu tượng truyền cảm hứng cho một lối sống đẹp, một tâm hồn đẹp và một nhân cách đẹp. Và khi đó, chiếc vương miện mới thực sự tỏa sáng đúng với giá trị của nó. Bởi lẽ, vương miện của cuộc thi không chỉ là trang sức mà còn gắn liền với trách nhiệm lớn lao của người đăng quang.
Trước thực trạng các cuộc thi người đẹp, người mẫu được tổ chức với số lượng lớn, có dấu hiệu lệch chuẩn, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã ký ban hành Chỉ thị số 274/CT-BVHTTDL về tăng cường quản lý nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa, nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục hồi và phát triển du lịch, trong đó có việc siết chặt và xử lý những cuộc thi hoa hậu sai phạm, kém chất lượng, mua bán giải… Lãnh đạo Bộ VHTTDL yêu cầu Sở Văn hóa các tỉnh, thành phố quản lý chặt chẽ số lượng và chất lượng các cuộc thi, tăng cường công tác phối hợp quản lý đối với cuộc thi có quy mô lớn, có yếu tố nước ngoài, thẩm định chặt chẽ hồ sơ (rà soát kỹ bảo đảm tính thống nhất, phù hợp thuần phong mỹ tục của dân tộc, văn hóa truyền thống, phù hợp lứa tuổi, giới tính...) trước khi tham mưu chấp thuận hoặc không chấp thuận tổ chức các cuộc thi người đẹp, người mẫu; tăng cường kiểm tra, theo dõi sau khi cấp văn bản chấp thuận, kiên quyết dừng cuộc thi người đẹp, người mẫu, chỉ đạo việc thu hồi danh hiệu, giải thưởng, hủy kết quả cuộc thi trong trường hợp có vi phạm pháp luật. |
BÁ TRƯỜNG