Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Kỷ niệm 115 năm ngày sinh danh hoạ Mai Trung Thứ (10.11.1906-10.11.2021): Họa sĩ Việt tài hoa tỏa sáng trên đất Pháp

Thứ Hai 08/11/2021 | 11:00 GMT+7

VHO- Mới đây, những người làm văn hóa nghệ thuật Việt Nam vui mừng đón nhận tin bức tranh sơn dầu khổ lớn Chân dung Madam Phương (Portrait de Mademoiselle Phuong) của danh họa Mai Trung Thứ đã giao dịch thành công tại Nhà đấu giá Sotheby’s Hong Kong với số tiền nhiều hơn gần 3 lần so với dự tính ban đầu. Đây là bức tranh đã và đang là “quán quân” về giá trên thị trường thế giới đối với một tác phẩm hội họa gốc Việt (3,1 triệu USD).

 

 

 Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phái đoàn Việt Nam dự mít tinh do kiều bào tổ chức tại Cung Muytuyalitê (Palais des Mutualités), Paris, ngày 15.7.1946 (ảnh tư liệu)

Thành danh từ những năm 1930 ở Việt Nam, tên tuổi và những tác phẩm của Mai Trung Thứ gắn với “lứa quả ngọt” đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Họa sĩ Lê Phổ, bạn đồng niên, đồng khóa, sống và hoạt động nghệ thuật ở Pháp từng nói: “Người vẽ đẹp nhất ở khóa chúng tôi, đó là họa sĩ Mai Trung Thứ”.

Người con Việt tài hoa và hết lòng với Tổ quốc

Sáu năm làm giáo viên dạy họa ở ngôi trường Quốc học ở Huế, họa sĩ Mai Trung Thứ đã cho ra đời nhiều tác phẩm tranh lụa tạo dấu ấn gắn với tên tuổi của một tài năng hội họa đất Việt. Từ năm 1931, những bức tranh vẽ bằng bột màu trên lụa của Mai Trung Thứ được triển lãm và dần khẳng định ở nhiều quốc gia Âu, Mỹ. Định cư ở Pháp năm 1937, thật lạ, xa quê hương, nghề chính là hội họa, dù chỉ làm phim và nhiếp ảnh nghiệp dư, song với tài năng và sự đam mê của mình, nhiều hoạt động của Mai Trung Thứ đã ghi dấu ấn sâu sắc trong việc quảng bá tinh hoa văn hóa Việt Nam ở nhiều lĩnh vực: Hội họa, điện ảnh, âm nhạc… Tên tác giả MAI THU được ký dưới những bức tranh đẹp, in đậm ở cuối các bộ phim do Hãng phim Tân Việt (Paris) sản xuất, và âm thanh tiếng đàn bầu do Mai Trung Thứ biểu diễn trong Đĩa nhạc cổtruyền Việt Nam (Musique du Viet-nam) đã được nhận Giải thưởng Hàn lâm viện Đĩa hát Pháp năm 1960 (Grand Prix de l’Academie du Disque Français 1960) của nhạc sĩ Trần Văn Khê…

Ở nước Pháp, tin về Cách mạng tháng Tám thành công đã làm nức lòng cộng đồng kiều bào Việt, trong đó có Mai Trung Thứ. Nhưng liền sau đó, với dã tâm trở lại thống trị Đông Dương, ngày 23.9.1945, quân Pháp nổ súng tấn công các trụ sở chính quyền nhân dân ở Sài Gòn. Cùng với đó, các thế lực đế quốc cấu kết xâm phạm thô bạo nền độc lập của nước Việt non trẻ. Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương “Hòa để tiến” nhằm duy trì hòa bình và ổn định nên đã ký với Pháp Hiệp định Sơ bộ ngày 6.3.1946, mở ra thời kỳ hòa hoãn, đàm phán giữa Việt Nam và Pháp. Từ đó, theo những thỏa thuận đã công bố, ngày 25.4.1946, Phái đoàn Quốc hội Việt Nam thăm hữu nghị Quốc hội Pháp đến Paris.

Ở Pháp, họa sĩ Mai Trung Thứ tham gia nhóm trí thức Việt tập hợp chữ ký tuyên bố: Phản đối mọi âm mưu để chia xé lãnh thổ, vi phạm chủ quyền nước Việt Nam của chính quyền Pháp. Biết có một số phóng viên đi cùng trong Phái đoàn Quốc hội, Mai Trung Thứ đã chủ động ghi lại những hình ảnh đời sống và không khí hoạt động của cộng đồng kiều bào chuẩn bị đón Phái đoàn. Là Giám đốc hãng phim Tân Việt do chính ông thành lập ở Paris, Mai Trung Thứ đã cặm cụi vác máy quay phim đi các tỉnh có nhiều người Việt Nam sinh sống lấy tư liệu và dựng bộ phim tài liệu: Sức sống của 25.000 dân Việt Nam trên đất Pháp, sau đó giao cho Phái đoàn Quốc hội đem về tuyên truyền phục vụ đồng bào trong nước. Trước khi bàn giao, Mai Trung Thứ cẩn trọng mời một số thành viên trong Phái đoàn đến “kiểm duyệt”.

Bản gốc Nhật ký hoạt động của Phái đoàn Quốc hội Việt Nam sang Pháp hiện lưu tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia viết: “Chiều qua (tức ngày 2.5.1946 - BT), anh Mai Thứ quay lại cho xem cuốn phim chụp về mọi sự hoạt động của Việt kiều. Phim rất khá. Nếu đem về nước được thì là một tài liệu quý và đồng bào ta trong nước sẽ hoan nghênh”. Ngày 9.5.1946, Nhật ký ghi tiếp: “16 giờ: Phái đoàn mời Việt kiều dự tiệc trà. Có anh Mai Trung Thứ đến chiếu phim về đời sống của đồng bào ở Pháp và cuộc đón tiếp Phái đoàn ở Ba Lê. Rất đông kiều bào đến dự trong gian phòng chật hẹp của Hotel du Louvre. Giữa không khí thân mật hữu nghị của buổi gặp mặt giữa Phái đoàn Quốc hội với bạn bè trí thức Pháp do giáo sư J. Cuirie, Giám đốc của Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp, chủ nhân giải Nobel Hóa học 1935 chủ trì, trong vòng tay đông đảo bạn bè quốc tế, họa sĩ Mai Trung Thứ đã độc tấu đàn bầu với sự tài hoa, trau chuốt, ẩn sâu trong tiếng đàn là tiếng lòng người nghệ sĩ gửi gắm với quê hương đã làm lay động khán phòng lúc đó”.

Ngày 31.5.1946, nhận lời mời của Chính phủ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường chính thức thăm Cộng hòa Pháp. Khởi hành từ Hà Nội cùng một lúc còn có Phái đoàn Việt Nam do Phó Trưởng ban Thường vụ Quốc hội Phạm Văn Đồng dẫn đầu, dự Hội nghị Việt - Pháp tại Fontainebleau. Biết đoàn không có phóng viên đi cùng, họa sĩ Mai Trung Thứ đã chủ động thu xếp chuẩn bị sẵn sàng mọi thiết bị quay phim, chụp ảnh để phục vụ các hoạt động của hai Phái đoàn trong hơn ba tháng ở Pháp. Ngày 12.6.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng chân tại vùng Biaritz. Báo Độc lập số 176, ngày 19.6.1946 đưa tin: “Có ông Mai Trung Thứ, một họa sĩ Việt Nam nổi danh ở Ba Lê quay nhiều phim ảnh khi Hồ Chủ tịch ở Biaritz”.

Trong chín mươi chín ngày trên đất Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hơn 400 cuộc tiếp xúc, gặp gỡ với các thành viên Chính phủ của Thủ tướng Pháp G.Bidault, các chính khách, lãnh đạo các tổ chức, đoàn thể, phong trào, các nhà khoa học, nhà hoạt động trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, các tổ chức quốc tế ở Paris và đông đảo kiều bào. Những hoạt động chính của Phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị Fontainebleau, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, họp báo… đặc biệt là hai cuộc mít tinh của kiều bào ta tổ chức chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phái đoàn Việt Nam, buổi lễ Kỷ niệm ngày Quốc khánh đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tổ chức tại Paris đều được họa sĩ Mai Trung Thứ ghi hình, chụp ảnh. Hàng trăm ảnh tư liệu và bộ phim tài liệu dài 40 phút với tên gọi Hồ Chủ tịch và Phái đoàn Việt Nam tại Pháp đã được chuyển về giới thiệu và công chiếu rộng rãi trong nước, thu hút được sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân. Ngày 18.9.1946, cùng với bác sĩ Lê Văn Cưu và Đại úy thủy binh Pháp Phạm Ngọc Xuân, họa sĩ Mai Trung Thứ là những người Việt Nam ở Pháp cuối cùng lưu luyến chia tay Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phái đoàn về nước.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các thành viên đoàn tùy tùng và đại biểu kiều bào Việt Nam tại Biarit, ngày 13.6.1946. (Trong ảnh, họa sĩ Mai Trung Thứ đeo kính đen đứng đối diện nói chuyện với Người) (ảnh tư liệu)

Trở về trong lòng Đất Mẹ

Sau 40 năm xa quê hương, họa sĩ Mai Trung Thứ mới có dịp trở về thăm quê hương. Những người cùng về kể rằng: Lúc đặt chân xuống sân bay Gia Lâm, ông đã bật khóc vì xúc động. Tháng 2.2019, sau hơn 80 năm xa Tổ quốc, gần 40 năm rời cõi tạm, từ Pháp, theo tâm nguyện được ông dặn lại, hồn cốt của người họa sĩ tài năng Mai Trung Thứ đã về với Đất Mẹ. Thành phố Hải Phòng - quê hương của ông là địa phương đầu tiên đặt tên Mai Trung Thứ cho một con đường.

Năm 1974, Nhà báo Hồng Hà (báo Nhân Dân) sang Pháp làm phim Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh khi trở về Hà Nội cho biết: Họa sĩ Mai Trung Thứ gặp đoàn làm phim Việt Nam ở Paris và ông đã đồng ý chuyển toàn bộ 80kg phim nhựa 35 ly và 11 đĩa nhựa ghi âm những phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp ông đã làm và lưu giữ; cùng đó là những thước phim tư liệu về sự kiện Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2.9.1945 tại Hà Nội mà ông đã có được từ năm 1945 để đưa trở lại Việt Nam. Tất cả đều là những tư liệu lịch sử văn hóa quý giá, có một không hai.

Hiện tại, từ ngày 7.7.2021 đến 2.1.2022, tại bảo tàng Ursulines de Mâcon (TP Mâcon, miền Trung nước Pháp - nơi họa sĩ Mai Trung Thứ đã từng có thời gian sống và làm việc những năm 1940), lần đầu tiên một cuộc triển lãm tranh quy mô lớn của ông với 140 tác phẩm được tổ chức, có tên gọi Mai Thứ - Tiếng vọng từ một Việt Nam trong mơ (Mai Thu - Écho d’un Vietnam rêvé). Trước đó, từ 21.6.2021, cuộc triển lãm “bên lề” đã giới thiệu 30 bức tranh sao từ bản gốc các tác phẩm được trưng bày ở tiền sảnh Nhà ga Lyon, một đầu mối giao thông quan trọng và là cửa ngõ chính đi đến thành phố Macon từ Paris. Đây chính là cách tưởng niệm và làm tỏa sáng những giá trị văn hóa nghệ thuật mà Mai Trung Thứ đã tạo ra và để lại tất cả cho Tổ quốc, nhân loại đúng vào năm ông tròn 115 tuổi. 

 Mai Trung Thứ đã ghi dấu ấn sâu sắc trong việc quảng bá tinh hoa văn hóa Việt Nam ở nhiều lĩnh vực: Hội họa, điện ảnh, âm nhạc… Tên tác giả MAI THU được ký dưới những bức tranh đẹp, in đậm ở cuối các bộ phim do Hãng phim Tân Việt (Paris) sản xuất, và âm thanh tiếng đàn bầu do Mai Trung Thứ biểu diễn trong Đĩa nhạc cổtruyền Việt Nam (Musique du Viet-nam) đã được nhận Giải thưởng Hàn lâm viện Đĩa hát Pháp năm 1960 (Grand Prix de l’Academie du Disque Français 1960) của nhạc sĩ Trần Văn Khê…

 

 NGUYỄN KHÁNH ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top