Những xúc cảm từ nhân chứng và hiện vật lịch sử

VH- Nhân kỷ niệm 45 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không (18.12.1972 – 18.12.2017), Triển lãm chuyên đề “Bản hùng ca Điện Biên Phủ trên không” do Bảo tàng Lịch sử Quân sự VN phối hợp với Bảo tàng Công an (Bộ Công an) đã khai mạc chiều 18.12 tại Hà Nội.

Gần 300 tài liệu, hiện vật tiêu biểu được trưng bày như những thước phim quay chậm, đưa người xem trở về quá khứ, chứng kiến cuộc đấu trí căng thẳng, quyết liệt của Đảng, quân và dân Việt Nam với âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ trong cuộc tập kích bằng máy bay chiến lược B52 vào Hà Nội, Hải Phòng.

Ở đó, hình ảnh nội các của Tổng thống Mỹ Richard Nixon đang bàn kế hoạch sử dụng máy bay ném bom chiến lược B52 đánh vào Hà Nội - Hải Phòng được trưng bày khá dày cùng với sơ đồ, bản đồ các mục tiêu mà máy bay B52 của Mỹ đánh phá thủ đô Hà Nội trong cuộc tập kích, tháng 12.1972. Đối lập với các hình ảnh, tư liệu này là quang cảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân báo cáo phương án tác chiến đánh máy bay B52 của Mỹ, các công tác chuẩn bị, kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng Tư lệnh, của Quân chủng Phòng không-Không quân và các lực lượng sẵn sàng tác chiến.

Những xúc cảm từ nhân chứng và hiện vật lịch sử - Anh 1

Những xúc cảm từ nhân chứng và hiện vật lịch sử - Anh 2

 Các đại biểu tham quan triển lãm “Bản hùng ca Điện Biên Phủ trên không”

Cuộc đối đầu lịch sử này còn được tái hiện bằng rất nhiều hình ảnh, hiện vật gắn với những thời khắc mang tính quyết định. Đó là các câu chuyện quanh hình ảnh kíp trắc thủ Tiểu đoàn 82 Trung đoàn 238, đơn vị đã bắn rơi B52 tại Quân khu 4, trao đổi kinh nghiệm quyết tâm đánh thắng B52 trong mọi tình huống, là Tiểu đoàn 77 trung đoàn 257 cơ động chiến đấu bảo vệ Hà Nội, tháng 12.1972, Sơ đồ trận đánh B52 của Ban Tham mưu Trung đoàn 256 cao xạ, Quân khu Việt Bắc sử dụng chỉ huy chiến đấu từ ngày 19 đến ngày 26.12.1972, tài liệu cách đánh B52…

Đi khắp các phòng triển lãm, ông Trần Ngọc Lam, nguyên xã đội trưởng của đơn vị Pháo Phòng không dân quân Mễ Trì, Hà Nội bồi hồi chia sẻ những hiện vật rất đỗi thân quen của triển lãm khiến ông nhớ lại những người đồng đội đã cùng kề vai, sát cánh chiến đấu. 12 ngày đêm máy bay Mỹ đánh phá là 12 ngày đêm căng thẳng, không có thời gian để ngủ, ai mệt quá chỉ có thể ngủ ngồi. Trận địa pháo có 100m2 mà hứng đến 8 quả bom, trong đó có 2 quả bom tấn. Phương tiện chiến đấu là súng 12ly7, mũ rơm, áo rơm nhưng không người nào quản ngại khó khăn, gian khổ, vẫn luôn xác định sống, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Cả đơn vị có 11 người thì 6 người đã hy sinh. 45 năm đã trôi qua, dù đồng đội người còn, kẻ mất, ông vẫn luôn tự hào rằng mình và đồng đội đã làm trọn nghĩa vụ với đất nước, quê hương.

Ngắm lại cuốn sổ nhật ký bay đã ố vàng do chính mình ghi chép từ gần nửa thế kỷ trước, Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân, người đầu tiên bắn hạ máy bay B52 bằng máy bay trên không và trở về an toàn xúc động cho biết: “Riêng tôi khi xem lại những hiện vật, những trận mà mình đã tham gia trong cuộc chiến tranh thì cảm thấy rất bồi hồi, xúc động và thấy rằng những chiến công của quân và dân ta là cực kỳ oanh liệt, cực kỳ là lớn lao và rất may mắn là mình được tham gia trong đó. Tôi luôn luôn suy nghĩ rằng có những trưng bày triển lãm như thế này để các thế hệ trẻ ngày nay nhìn nhận đánh giá và học tập được những gì mà các thế hệ trước đã làm, để các thế hệ sau này tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang đó”.

Minh Hoa

 

 

Ý kiến bạn đọc