Những tác phẩm nghệ thuật từ… phế thải
VHO-Khuôn viên Nhà Triển lãm TP.HCM trong ngày cuối tuần vừa qua thật sinh động với hàng loạt sản phẩm hữu dụng và tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ thuộc nhiều lĩnh vực được trưng bày tại đây. Điều độc đáo bởi đó là những tác phẩm được tạo ra từ rác thải ở các nhà máy.
Nghệ sĩ và công nhân sáng tạo trong nhà máy
Qua bàn tay của các nghệ sĩ và quy trình công nghiệp, những vật dụng tưởng chừng như bỏ đi, lại được hồi sinh.
Mở ra tiềm năng
Triển lãm là kết quả của dự án mang tên “Manufacturing Creativity” hay “Sản xuất sáng tạo” với sự hợp tác giữa UNESCO, Đại học Sydney (Úc) với những người thực hành sáng tạo và các đơn vị sản xuất tại Việt Nam. “Sản xuất sáng tạo” là cơ hội để các nghệ sĩ và nhà thiết kế trong việc thực hành với những nguyên vật liệu và quy trình mới nhằm mở rộng tiềm năng đổi mới cho các doanh nghiệp - tạo ra sản phẩm từ vật liệu rác thải của chính nhà máy, cải thiện phúc lợi cho người lao động, truyền được nguồn hứng khởi làm việc cho công nhân và các nghệ sĩ. Trong dự án này, các hoạt động sáng tạo chủ yếu diễn ra bên trong nhà máy.
Tiến sĩ Jane Gavan, trưởng dự án đến từ Đại học Sydney, đồng thời bà cũng là đại diện về học thuật của Trung tâm Sydney - Đông Nam Á tại trường, nói rằng: “Nhiều ý kiến cho rằng không thể đưa hoạt động sáng tạo vào các nhà máy được, vì điều đó khó nhận được sự hợp tác từ phía nhà máy. Tuy nhiên, họ đã đánh giá mức độ thấp sự cởi mở trong việc tạo điều kiện cho những cải tiến mới. Trước khi UNESCO tham gia hỗ trợ cho dự án nghiên cứu của chúng tôi, ở Việt Nam có rất ít nghệ sĩ và nhà thiết kế hợp tác với các đơn vị sản xuất. “Sản suất sáng tạo” mong muốn mang lại những cơ hội thực hành mới cho những người sáng tạo, mở ra tiềm năng đối với các công ty và quan trọng hơn hết là giảm chất thải trong các nhà máy, bảo vệ môi trường”.
Theo đại diện dự án, các hoạt động hợp tác đã được hình thành từ TP.HCM, Hà Nội và TP Biên Hòa (Đồng Nai), với các đơn vị sản xuất là gốm sứ và mây đan Nature Craft, gạo Nam Bình, Cty giày Lập Phương, Nhựa Hami, Nội thất Noi Pallet, Nhựa Fullin, Triac Composites. Tham gia dự án là các nghệ sĩ và nhà thiết kế hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, tại Hà Nội và TP.HCM. Đó là nhà điêu khắc Lê Giang, nghệ sĩ Richard Streimatter-Tran, nghệ sĩ Lại Diệu Hà, các nhà thiết kế công nghiệp Ngô Thị Thu Trang, Giang Văn Khiết, Nguyễn Huy Biền, nhà thiết kế thời trang Lương Thị Minh Hoa và nhiếp ảnh gia Đào Hà.
Các tác phẩm nghệ thuật trưng bày tại Nhà Triển lãm TP.HCM
Sáng tạo và công nghiệp văn hoá
Trước đó, vào năm 2016, tiến sĩ Jane Gavan kết hợp với Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM thực hiện chương trình thí điểm, mang tên Factories as Studios, một dự án sử dụng rác thải công nghiệp từ 6 nhà máy để tạo nên các sản phẩm tái chế mới.
Tiến sĩ Jane Gavan chia sẻ: “Bản thân tôi là một họa sĩ, tôi cảm thấy nghệ thuật có thể sáng tạo ở khắp mọi nơi, ngay cả trong nhà máy và ngay cả đối với chất liệu là rác thải. Chính vì thế tôi bắt tay vào thực hiện dự án này. Rất may mắn là tôi đón nhận sự hợp tác rất tích cực từ phía các nhà máy, các nghệ sĩ được hỗ trợ tích cực từ phía nhà máy và công nhân”.
“Tôi rất thích làm việc với các công nhân trong nhà máy. Sau một thời gian ngắn, họ bắt đầu có những ý tưởng và đề xuất mới. Tôi cảm nhận được sự hào hứng và phấn khởi của họ khi có tôi cùng làm việc. Việc rác thải được loại bỏ hằng ngày trong nhà máy khiến chúng tôi rất hài lòng”, Richard Streimatter-Tran, nghệ sĩ làm việc với Triac Composites ở TP.HCM cho biết. Đại diện công ty Nhựa Hami nói rằng: “Chúng tôi không hề biết là giữa nghệ sĩ và công nhân lại có nhiều điểm chung như vậy. Nghệ sĩ cũng tìm kiếm cách giải quyết vấn đề như chúng tôi. Tất cả chúng tôi đều rất say mê các nguyên vật liệu và quá trình tạo ra sản phẩm”.
UNESCO thực hiện các chương trình bảo tồn và phát triển văn hóa và sáng tạo tại Việt Nam. Trong những năm gần đây, bên cạnh các chương trình chính về di sản, tổ chức này cũng triển khai nhiều hoạt động gắn kết nghệ thuật và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề phát triển bền vững như môi trường và rác thải, bình đẳng giới hay phát triển đô thị.
“Dự án này đóng góp tích cực cho chương trình của chúng tôi về sáng tạo và công nghiệp văn hóa. Dự án khơi gợi những câu hỏi quan trọng về khả năng mới trong việc lồng ghép di sản văn hóa và sáng tạo vào các hoạt động phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay”, bà Phạm Hường, Trưởng ban Văn hóa Văn phòng UNESCO Hà Nội đánh giá.
THÙY TRANG