Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Giải Biếm họa báo chí về đề tài văn hóa ứng xử: Giật mình với… sống ảo!

Thứ Sáu 11/01/2019 | 23:12 GMT+7

VHO- Lễ tổng kết, trao giải và triển lãm Giải Biếm họa báo chí Việt Nam- Cúp Rồng tre lần V đã được Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) tổ chức ngày 11.1 tại Hà Nội. Chủ đề “Ứng xử văn hóa; Xã hội văn minh” dường như đã “gãi”… đúng chỗ ngứa, khơi nguồn cảm hứng để các họa sĩ biếm sáng tạo nhiều tác phẩm thú vị, chất chứa tiếng cười sâu cay.

Giải nhất, tác phẩm “Chực chờ” của họa sĩ Lê Diệu Bang (bút danh Méo)

Sau 8 tháng phát động (từ 4- 12.2018), cuộc thi đã thu hút khoảng 400 tác phẩm dự thi. Có tới trên 30% số tranh dự thi đã chọn đề tài văn hóa ứng xử trên mạng xã hội. Đó chính là thực trạng phản ánh  chính xác nỗi lo lắng của toàn xã hội trong thời gian này.

Lối sống ảo đã xâm nhập vào từng người. Mặt trái của mạng xã hội đã được các họa sĩ biếm thể hiện bằng những hình ảnh trực quan, sống động, khiến người xem phải giật mình. Chuyện câu like, “ném đá”  trên facebook, chuyện tin đồn trên mạng xã hội ...  là câu chuyện được nhiều bức tranh đề cập đến.

Khai mạc triển lãm Giải Biếm họa báo chí Việt Nam- Cúp Rồng tre lần V

Nổi bật trong số 400 tranh dự thi, BTC và Hội đồng giám khảo đã trao 1 giải nhất, 2 giải nhì, 2 giải ba và 4 giải khuyến khích. Giải nhất thuộc về tác phẩm “Chực chờ” của họa sĩ Lê Diệu Bang (bút danh Méo). Trong tác phẩm này, họa sĩ Lê Diệu Bang đã xếp hình logo Facebook bằng những que diêm, bên cạnh đó, một người dùng đang “chực chờ” tung lên một thông tin “hot”. Người dùng ấy như một que diêm đang cháy có thể “kích nổ” cả mạng xã hội cũng đang trong trạng thái “chực chờ”. Nhận thức được sức ảnh hưởng của thông tin mình sắp đưa lên, và biết kiềm chế, biết nhận thức đúng/sai, tốt/xấu trước những “ngòi nổ” vừa xuất hiện, đó là lời khuyên cho cả hai phía đang rập rình “chực chờ”. Và đó cũng là một thái độ cần có của mỗi người khi đưa cũng như khi tiếp nhận các thông tin trên mạng xã hội.

Giải nhì, tác phẩm “Chung sức” của họa sĩ Đỗ Anh Dũng (DAD)

Hai giải nhì thuộc về tác phẩm “Chung sức” của họa sĩ Đỗ Anh Dũng (DAD) và “Khi đời tư cũng thành …món ăn nhanh” của họa sĩ Nguyễn Mạnh Tiến.

Theo họa sĩ Thành Chương, Cúp Rồng tre lần V đi sau Giải biếm họa chủ đề “Phòng, chống tham nhũng” của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, nên với tư cách giám khảo, ông đã rất lo lắng. “Đến tận khi bắt đầu vào chấm, tôi cũng không mong tìm được giải nhất hay các tranh xuất sắc. Nhưng thật bất ngờ là khi chấm qua mấy vòng, thấy tranh dự thi rất đa dạng, phong phú, có được tranh nhất rất xứng đáng…”, họa sĩ Thành Chương chia sẻ.

Giải nhì, tác phẩm “Khi đời tư cũng thành …món ăn nhanh” của họa sĩ Nguyễn Mạnh Tiến

Họa sĩ Thành  Chương cũng cho rằng, đề tài “Ứng xử văn hóa; Xã hội văn minh” rất phù hợp với bối cảnh hôm nay vì trong đời sống xã hội hiện tại, những  phản cảm, thiếu văn minh rất nhiều. Dùng ngòi bút để châm biếm, để lại những bài học là cách để thay đổi thực trạng này.

Họa sĩ Vi Kiến Thành (Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ VHTTDL) cho rằng, thông qua những cuộc thi như thế này đã thể hiện sự quan tâm của xã hội với nghệ thuật tranh biếm họa. Qua đó, đội ngũ sáng tác cũng như công chúng sẽ thấy được rằng biếm họa vẫn là một thể loại mang tính xung kích, tính thời sự và có khả năng phản biện xã hội. Trong bối cảnh xã hội còn nhiều vấn đề nóng thì đây chính là lúc tranh biếm họa lên tiếng, góp  tiếng nói xây dựng xã hội nhân văn hơn. Họa sĩ Vi Kiến Thành cũng nhận định giải đề tài “Ứng xử Văn hóa; Xã hội văn minh” được lựa chọn rất hợp thời. Văn hóa ứng xử vẫn là một điểm nóng mà các họa sĩ biếm thông qua  tác phẩm của mình để phản ánh và cảnh tỉnh xã hội.

Giải ba, tác phẩm "Dê đen và Dê trắng" của họa sĩ Trần Hải Nam (bút danh N9)

Họa sĩ Lý Trực Dũng, thành viên BGK, “kiến trúc sư” của Giải biếm họa báo chí Việt Nam chia sẻ, đề tài “Ứng xử văn hóa; Xã hội văn minh”  nghe thì dễ nhưng thực sự rất khó. Khác với biếm họa chống tham nhũng, giao thông, bảo vệ môi trường  thường cụ thể thì sự hài hước trong đề tài ứng xử văn hóa quả thật rất... khó “nhằn”.

Giải khuyến khích, tác phẩm "Lịch chăm mẹ ốm" của họa sĩ Nguyễn Đức Trí

Qua 400 tác phẩm dự thi, các tác giả sử dụng sức mạnh của biếm họa để phê phán những biểu hiện lệch lạc trong văn hóa ứng xử, cổ vũ những hành động văn hóa, văn minh trong các quan hệ ứng xử.

Triển lãm biếm họa báo chí Việt Nam lần thứ V diễn ra trong 2 ngày 12 và 13.1 tại Phố đi bộ Hồ Gươm (đoạn trước tòa nhà số 2 Lê Thái Tổ). Triển lãm trưng bày 60 tác phẩm tiêu biểu nhằm lan truyền thông điệp “Ứng xử văn hóa; Xã hội văn minh” tới cộng đồng.

NGÂN ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top