Chấn chỉnh, xử lý các cuộc thi nhan sắc vi phạm: Quyết liệt, kịp thời

VHO- Lợi dụng độ “mở” của Nghị định 144/2020/NÐ-CP, tình trạng thi chui, lạm dụng danh hiệu, mua bán giải... xảy ra ngày càng nhiều, khiến các cuộc thi người đẹp trở nên “tầm thường” trong mắt công chúng. Để chấn chỉnh hoạt động này, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ban hành các văn bản chỉ đạo, giao Cục Nghệ thuật biểu diễn triển khai rà soát quá trình thực hiện Nghị định 144 tại một số địa phương là “điểm nóng” trong hoạt động này, kịp thời yêu cầu xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật mang tính chất làm gương để trở thành bài học cho các công ty tổ chức sự kiện.

Chấn chỉnh, xử lý các cuộc thi nhan sắc vi phạm: Quyết liệt, kịp thời - Anh 1

Các địa phương cần tăng cường quản lý chặt chẽ số lượng, chất lượng các cuộc thi người đẹp, người mẫu trên địa bàn. Ảnh minh họa

 Kịp thời có những biện pháp xử lý phù hợp

Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Ly Ly cho rằng, do đây là thời điểm chuyển giao thẩm quyền quản lý nhà nước giữa Trung ương và địa phương nên giai đoạn đầu còn nhiều lúng túng. Cụ thể, các địa phương chưa áp dụng đầy đủ quy định về phân định thẩm quyền, chưa thực hiện chế độ báo cáo giữa cơ quan cấp trên với cơ quan cấp dưới và chế độ phối hợp, trao đổi thông tin trong hệ thống hành chính quốc gia. Việc này dẫn đến tình trạng không đồng bộ nội dung, chất lượng quản lý, gây ra một số bất cập như tranh chấp quyền, lợi ích; tốn kém chi phí thực hiện thủ tục hành chính.

Trước tình trạng trên, Bộ VHTTDL đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan, các Sở VHTTDL, các Sở VHTT rà soát, thẩm định chặt chẽ hồ sơ cấp giấy phép, cấp văn bản chấp thuận và chịu trách nhiệm về nội dung các cuộc thi, hoạt động nghệ thuật biểu diễn… Đối với các hoạt động phức tạp, nhạy cảm cần phát huy vai trò, xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Đồng thời, trong thời gian qua, Bộ VHTTDL đã giao Cục Nghệ thuật Biểu diễn tiến hành thực hiện kiểm tra việc thực thi quản lý Nhà nước về Nghệ thuật biểu diễn và văn học tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước.

Song song với đó, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ban hành Chỉ thị số 274/CT-BVHTTDL về tăng cường quản lý nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa, nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản, phục hồi, phát triển du lịch; trong đó, chỉ đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn kiểm tra, theo dõi việc tổ chức các cuộc thi người đẹp, người mẫu; quản lý chặt chẽ số lượng, chất lượng các cuộc thi trên địa bàn; tăng cường công tác phối hợp quản lý đối với sự kiện có quy mô lớn, có yếu tố nước ngoài, liên quan đến công tác dân tộc, bình đẳng giới, trẻ em, được tổ chức nhiều vòng ở nhiều địa phương. Đồng thời, thẩm định chặt chẽ hồ sơ, rà soát kỹ để bảo đảm tính thống nhất, phù hợp thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống của dân tộc; phù hợp với lứa tuổi, giới tính và điều kiện thực tiễn của địa phương trước khi tham mưu chấp thuận hoặc không chấp thuận tổ chức các cuộc thi người đẹp, người mẫu.

Ngoài ra, Bộ VHTTDL cũng yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, theo dõi sau khi cấp văn bản chấp thuận, kiên quyết dừng, thu hồi danh hiệu, giải thưởng, hủy kết quả cuộc thi trong trường hợp có vi phạm pháp luật… Điều này được dư luận đồng tình và đánh giá cao việc phân cấp quản lý nhà nước, giao quyền, trách nhiệm thực hiện.

Thẩm định chặt chẽ, kiên quyết xử lý khi có vi phạm

Thực tế, việc phân cấp thực hiện thủ tục hành chính cho cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương là hoàn toàn đúng đắn; giúp cơ quan Trung ương tập trung nguồn lực cho việc xây dựng, thể chế nhiệm vụ, giải pháp theo định hướng của Đảng và Chính phủ. Việc này cũng tạo thuận lợi trong quá trình quản lý, cấp các loại giấy tờ, văn bản cũng như kịp thời giải quyết, xử lý tình huống phát sinh, các vi phạm trên địa bàn quản lý, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như tiến trình hội nhập quốc tế.

Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Ly Ly cho biết, thời gian tới, Bộ VHTTDL yêu cầu các địa phương tiếp tục tăng cường kiểm tra, theo dõi việc tổ chức các cuộc thi người đẹp, người mẫu diễn ra nhiều vòng ở nhiều địa phương và ở những địa phương có nhiều cuộc thi; chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho các đơn vị, địa phương trong quá trình tổ chức hoạt động chuyên môn; thiết lập cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan có biện pháp xử lý phù hợp, kịp thời (triển khai giải pháp nghiệp vụ, kỹ thuật để gỡ bỏ, ngăn chặn…) đối với hoạt động biểu diễn nghệ thuật, cuộc thi người đẹp, người mẫu trên không gian mạng có vi phạm.

Mặt khác, các địa phương cần tăng cường quản lý chặt chẽ số lượng, chất lượng các cuộc thi người đẹp, người mẫu trên địa bàn; tăng cường công tác phối hợp trong quản lý đối với cuộc thi người đẹp, người mẫu có quy mô lớn, có yếu tố nước ngoài, liên quan đến công tác dân tộc, bình đẳng giới, trẻ em, được tổ chức nhiều vòng ở nhiều địa phương; thẩm định chặt chẽ hồ sơ (trong đó rà soát kỹ Đề án bảo đảm tính thống nhất, phù hợp thuần phong, mỹ tục của dân tộc, văn hóa truyền thống, phù hợp với lứa tuổi, giới tính và điều kiện thực tiễn của địa phương) trước khi tham mưu chấp thuận hoặc không chấp thuận tổ chức các cuộc thi người đẹp, người mẫu.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa, nhất là ở địa phương, nơi được cấp phép theo Nghị định 144 cần được đào tạo, hướng dẫn cụ thể để có hiểu biết đầy đủ hơn về những gì nên/không nên, được phép/không được phép trong các cuộc thi sắc đẹp; liên hệ với các cơ quan cấp trên hoặc liên quan, tham khảo ý kiến của giới chuyên gia lịch sử, văn hóa, từ đó có quyết định đúng đắn hơn. Ngoài ra, chúng ta cũng cần có những chế tài nghiêm khắc đối với các công ty tổ chức sự kiện đã có sai phạm, có những chương trình đào tạo, huấn luyện dành cho các người đẹp tham gia các cuộc thi cũng như các bên liên quan đến những cuộc thi này.

Bên cạnh quy định của pháp luật, bà Trần Ly Ly cho rằng, cần có những quy định “mềm” để bổ sung cho các khung pháp lý chính thức. Trước mắt, chúng ta phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và ý nghĩa của các cuộc thi sắc đẹp, tránh những ngộ nhận, hiểu lầm về giá trị các cuộc thi này. Giải pháp tiếp theo là tăng cường vận động những người đẹp cần phải có ý thức đúng đắn về trách nhiệm xã hội của mình để tránh tạo dư luận xấu. Đề cao những chuẩn mực về đạo đức, ứng xử để khuyến khích, thúc đẩy những giá trị tốt đẹp của con người nói chung và trong cộng đồng mạng nói riêng, hay những hướng dẫn để mọi cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động nghệ thuật, hoạt động xã hội ứng xử một cách tôn trọng nhau hơn. Cùng với đó là nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ văn hóa, đặc biệt là những người trực tiếp thực hiện công tác cấp phép, kiểm tra.

MINH HÀ

Ý kiến bạn đọc