“Thảm họa” mang tên sách giả, sách lậu (Bài 2): Sách giả - hậu quả thật

VHO- Với tính chất ngày càng tinh vi, phức tạp, sách giả, sách lậu ngang nhiên “tác oai, tác quái” trên thị trường xuất bản và gây ra nhiều câu chuyện “trái khoáy” khiến cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động xuất bản chân chính chịu thiệt hại nặng nề. Tác giả, chủ sở hữu tác phẩm không thu được phí tác quyền; thị trường trở nên bất ổn do cạnh tranh thiếu lành mạnh; cùng với đó là loạt nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của văn hóa đọc…

“Thảm họa” mang tên sách giả, sách lậu (Bài 2): Sách giả - hậu quả thật - Anh 1

 Sách “Muôn kiếp nhân sinh” bị làm giả với chất lượng in ấn kém

 “Ngáng đường” phát triển văn hóa đọc

Theo ThS Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam, tình trạng in lậu, làm giả xuất bản phẩm và gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành đang trở thành “vấn nạn” gây nhức nhối cho xã hội, tác động xấu đến hoạt động xuất bản và tiếp cận tri thức của người dân. Nhiều NXB trên cả nước đã phải lên tiếng “kêu cứu” vì tình trạng xuất bản phẩm in lậu tràn lan trên thị trường. Trong khi lợi nhuận mang lại vô cùng lớn thì chế tài xử lý vi phạm về sách lậu, sách giả còn thiếu và yếu, không đủ sức răn đe. Mức xử phạt cũng chưa thật sự khiến các đối tượng vi phạm e ngại, chưa ngăn chặn được diễn biến phức tạp của hoạt động này trong phạm vi cả nước.

Hệ lụy là các NXB, công ty phát hành phải chịu thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, làm thất thu ngân sách nhà nước và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển văn hóa đọc. Chưa kể uy tín các tác giả bị ảnh hưởng; công sức nhọc nhằn và trí tuệ của bao người bị cướp trắng…

Cũng theo ThS Nguyễn Hữu Giới, người viết là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề từ vấn nạn sách giả, sách lậu. Cụ thể, tác giả được hưởng tiền bản quyền từ số sách bán được, nếu sách lậu, sách giả lan tràn, khó kiểm soát như hiện nay thì công ty hay NXB giữ bản quyền cuốn sách đó phải đối mặt với câu chuyện không bán được sách. Như vậy, tiền tác quyền giảm đi đáng kể, làm cho tác giả nản lòng, họ sẽ không viết sách nữa. Lúc này, tình trạng khan hiếm sách xảy ra, bạn đọc cũng bị “bó hẹp” trong lựa chọn đầu sách. Văn hóa đọc đứng trước nguy cơ bị chững lại trong chặng đường phát triển, thậm chí là thụt lùi.

TS Vũ Thùy Dương, Trưởng khoa Xuất bản (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) bức xúc: “Sách lậu, sách giả bị sao chụp mờ, chữ nhòe, đứt nét… Thậm chí do sản xuất cẩu thả, sách giả, sách lậu còn có nhiều lỗi sai nghiêm trọng về mặt kiến thức. Đến sách mà còn sai thì bạn đọc biết tìm kiếm nguồn thông tin ở đâu?”.

Đồng quan điểm, TS Hà Thanh Vân (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho hay: Việt Nam đã gia nhập Hiệp ước WIPO về quyền tác giả, tham gia Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật và Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp. Làm sách giả, sách lậu là sự vi phạm trắng trợn, đi ngược lại với những quy ước văn minh, tiến bộ về quyền sở hữu trí tuệ của con người, cũng là hành vi đi ngược lại với văn hóa đọc.

Nguy hiểm hơn, TS Hà Thanh Vân nhận định, công chúng đọc những loại sách giả suốt một thời gian dài sẽ quen dần, về lâu về dài sẽ tự hạ thấp nhu cầu thẩm mỹ, nhu cầu thưởng thức nội dung của bản thân; làm ảnh hưởng đến trình độ kiến thức của chính mình, kéo văn hóa đọc đi xuống.

Trách nhiệm của toàn xã hội

TS Vũ Dương Thúy Ngà, nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) cho biết, “cuộc chiến” chống sách giả, sách lậu đã được triển khai và có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Cuối năm 2022, đường dây nóng xử lý sách giả, sách lậu đã được thành lập và trực 24/24h. Tuy nhiên việc xử lý, ngăn chặn vẫn còn nhiều bất cập. Thẳng thắn nhìn nhận, những đoàn kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa chặt chẽ và thường xuyên, thậm chí, không loại trừ khả năng có sự “móc ngoặc” giữa những kẻ làm sách giả, sách lậu và một bộ phận cán bộ quản lý thị trường.

Bên cạnh đó, nhận thức của độc giả cũng là một trong những nguyên nhân khiến cuộc chiến này chưa thể ngã ngũ với phần thắng thuộc về những người làm công tác xuất bản chân chính. ThS Phạm Văn Phê, Khoa Xuất bản - Phát hành (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) chỉ rõ: “Việc đẩy lùi vấn nạn sách lậu, sách giả không phải công việc trong ngày một, ngày hai và cũng không phải của một cơ quan nào cụ thể, mà là quá trình lâu dài với sự chung tay của toàn xã hội. Chỉ khi độc giả ý thức được rằng mua xuất bản phẩm thật là bảo vệ lợi ích của bản thân, thì khi đó nạn sách giả mới được đẩy lùi. Mỗi độc giả chân chính cần tẩy chay sách giả, sách lậu bằng việc không mua bán, trao đổi, tuyên truyền sách giả và tìm mua sách ở những địa chỉ tin cậy, có uy tín”.

Trở lại với câu chuyện chế tài xử phạt, TS Vũ Dương Thúy Ngà khẳng định, mức xử phạt hiện nay quá nhẹ, không đủ sức răn đe, do đó cần hoàn thiện thể chế càng sớm, càng tốt. Bộ TT&TT cần rà soát lại hành lang pháp lý; nghiên cứu sửa đổi thêm một số nội dung trong Luật Xuất bản. Ngoài ra, các chế tài được đưa ra phải cụ thể, bao quát được toàn bộ hành vi vi phạm đối với cả phương thức xuất bản truyền thống, trên môi trường số; tăng nặng hơn nữa mức xử phạt và có nhiều hình phạt bổ sung. Đặc biệt, đã đến lúc phải xử lý nghiêm một số vụ để làm án điểm…

Song song với đó, câu chuyện nâng cao ý thức của người tiêu dùng cũng được TS Hà Thanh Vân đưa ra: “Khó nhất ở đây là vấn đề nhận thức của người tiêu dùng đối với việc làm sách giả, sách lậu. Do vậy, phải đặt yếu tố giáo dục, nâng cao nhận thức của mọi người lên hàng đầu. Các phương tiện truyền thông, báo chí cần tăng cường tuyên truyền về những tiêu cực của sách giả; có những bài viết nhằm nâng cao nhận thức của độc giả về sở hữu trí tuệ, bản quyền tác phẩm; hướng dẫn bạn đọc phân biệt sách thật, sách giả và những hệ lụy mà chúng mang lại. Đặc biệt, cơ quan chức năng nên công khai những cuộc tiêu hủy sách giả, sách lậu trên phương tiện thông tin đại chúng để mang lại hiệu quả về tính giáo dục trực quan”. 

 Việc sử dụng sách giả, sách lậu tạo thành thói quen tiêu dùng không tốt đối với thị trường kinh doanh xuất bản phẩm, tác động xấu đến định hướng phát triển văn hóa đọc cũng như văn hóa tiêu dùng của người dân. Mặt khác, việc bạn đọc sử dụng xuất bản phẩm lậu, xuất bản phẩm giả đã tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật; tác động xấu đến người sử dụng, đặc biệt là đối với trẻ em. Một số cuốn sách giả, sách lậu không được biên tập, thẩm định nội dung, vi phạm các quy định của pháp luật đã tác động tiêu cực đến việc tiếp nhận thông tin, tri thức và niềm tin của độc giả.

(Ông NGUYỄN NGỌC BẢO, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản - In và Phát hành - Bộ TT&TT)

THANH NGỌC - ĐÌNH TOÁN

(Còn tiếp)  

Ý kiến bạn đọc