Nâng cao văn hóa ứng xử của nghệ sĩ (Bài 2): Không thế thì không phải là nghệ sĩ (!?)
VHO- Không thể để một bộ phận những người mang danh nghệ sĩ ngang nhiên vi phạm chuẩn mực đạo đức; không chấp nhận thỏa hiệp với cái xấu, đi ngược lại trách nhiệm mang đến cho xã hội những giá trị chân - thiện - mỹ..., ngay sau khi đăng tải bài Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng (số báo 3864, ngày 10.4.2023), Văn Hóa đã nhận được rất nhiều ý kiến đồng tình, đặc biệt, một số nghệ sĩ đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm và cả những bức xúc đối với hiện tượng lệch chuẩn của đồng nghiệp.
Rapper Đen Vâu khóa MV “Trời hôm nay nhiều mây cực!” để chia buồn với các nạn nhân trong vụ máy bay trực thăng rơi tại Hạ Long vừa qua
Không vì vài cái tên mà phủ nhận sự đóng góp của cả giới nghệ thuật
NSƯT Quang Hiệp (Nhà hát Chèo Hà Nội) trăn trở: “Những nghệ sĩ chân chính sẽ cảm thấy đau khi vô tình đọc một comment hay lời nhận xét đánh đồng từ khán giả theo kiểu “cá mè một lứa”: Không như thế này thì không phải là nghệ sĩ (!?). Tuy nhiên, rất buồn là đang có không ít những “con sâu bỏ rầu nồi canh”, làm méo mó, biến dạng hình ảnh nghệ sĩ. Họ đã tự biến mình thành trò hề trong mắt công chúng và đồng nghiệp. Chúng tôi chỉ mong mọi người không vì một vài cái tên như vậy mà phủ nhận sự đóng góp và nỗ lực của cả một lực lượng đông đảo những người làm nghệ thuật”.
Một nghệ sĩ ở TP.HCM xin không nêu tên bức xúc: “Thật nực cười khi có những gương mặt nghệ sĩ trẻ vừa xuất hiện trong một vài chương trình đã tự vỗ ngực xưng danh, "hạ mục vô nhân". Họ lộng ngôn, xấc xược, ứng xử bồng bột, gây phản cảm… làm xấu đi hình ảnh người làm nghệ thuật trong mắt khán giả”.
Một nghệ sĩ khác cũng tâm tư: “Sau hàng loạt lùm xùm của Hoài Linh, Hiền Hồ… và gần đây là Trấn Thành, Đàm Vĩnh Hưng, giờ tôi ra đường nhiều khán giả đã nhìn tôi bằng cặp mắt khác, không còn tôn trọng như trước. Tôi nói đây như một lời cảnh tỉnh để nhiều người thấy điều họ làm, cách họ hành xử là chưa chuẩn mực. Các bạn cần nghĩ lại và nhận ra cái sai để chấn chỉnh bản thân. Trong bầu trời nghệ thuật, xưa nay có rất nhiều tên tuổi lớn được khán giả tôn vinh, nhưng chưa bao giờ họ tự cho mình là “minh tinh”, lúc nào cũng từ tốn, chừng mực và luôn có ý thức trau dồi bản thân hằng ngày”.
Tại Hội thảo “Văn hóa ứng xử của nghệ sĩ với công chúng” do Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức cách đây chưa lâu, rất nhiều văn nghệ sĩ đã mạnh mẽ lên án hành vi lệch chuẩn của chính những người trong giới. Một số ý kiến thắc mắc: Tại sao có Hội đồng xét tặng danh hiệu từ cấp cơ sở mà lại không có Hội đồng kỷ luật cũng từ cấp cơ sở để hướng dẫn, kiểm tra, giám sát đạo đức nghề nghiệp đối với văn nghệ sĩ? Có ý kiến đề nghị, cần mạnh tay xử lý sai phạm để “thanh lọc” những người mang danh là “nghệ sĩ” ra khỏi giới!
Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội, NSND Nguyễn Hoàng Tuấn bày tỏ: “Bộ VHTTDL ban hành và triển khai Quy tắc ứng xử cho những người hoạt động nghệ thuật rất kịp thời, bởi thực tế đã xảy ra hàng loạt những vấn đề bất cập trong ứng xử của nghệ sĩ với công chúng như: Một số người mắc bệnh “ngôi sao”, sa vào tâm lý ảo tưởng, cho mình là nhất, cố tạo phong cách sang chảnh, sành điệu, ăn chơi sa đọa, có những biểu hiện hành vi thiếu ý thức, thậm chí là vi phạm pháp luật; rồi cả những vụ việc gây ồn ào liên quan đến câu chuyện quyên góp, làm từ thiện, quảng cáo sản phẩm sai mục đích… Đã tới lúc chúng ta phải mạnh mẽ lên án để gìn giữ hình ảnh những người làm nghệ thuật chân chính trong mắt công chúng”.
Ca sĩ Hiền Hồ bị tẩy chay sau khi vướng lùm xùm quan hệ với người đã lập gia đình
Có lẽ chưa bao giờ, văn hóa ứng xử của người công chúng trên mạng xã hội lại “bát nháo” như hiện nay; trong khi đó, nghệ sĩ là những người làm văn hóa, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật, lan tỏa những điều tốt đẹp, nhân văn tới công chúng. Lời nói, ngôn ngữ vốn là “cái vỏ vật chất của tư duy” nên hiện tượng “lệch chuẩn” trong văn hóa ứng xử của một số văn nghệ sĩ là một cảnh báo cho thấy nhận thức, đạo đức và lối sống của họ đang rất báo động!
Lên tiếng về vấn đề này, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội NSND Trần Quốc Chiêm nhận định: “Những phát ngôn, chiêu trò quảng cáo quá đà các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đúng sự thật... hay đăng tải những bài viết có nội dung thiếu khoa học, chưa được kiểm chứng về cách phòng, chống dịch Covid-19; thậm chí quảng bá, kêu gọi công chúng đầu tư tiền ảo... đã gây cản trở rất lớn đến việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với nhân dân, đồng thời, còn tiềm ẩn những hành vi phạm pháp”.
Trong bối cảnh kinh tế thị trường cạnh tranh gay gắt, đặc biệt khi thị trường giải trí sôi động như hiện nay, các nghệ sĩ luôn phải cố gắng xây dựng thương hiệu và phát triển khán giả. Điều này dẫn đến việc họ làm đủ mọi chiêu trò nhằm câu kéo sự quan tâm của truyền thông, dư luận... Sự lộn xộn này được tiếp thêm sức mạnh bởi những lời tung hô trên mạng xã hội, tạo ra những vầng hào quang giả dối. Nghệ sĩ có sức ảnh hưởng tới cộng đồng và xã hội thông qua tác phẩm, vì vậy, việc sử dụng danh xưng không phù hợp có thể gây ra hậu quả tiêu cực cũng như ảnh hưởng đến tinh thần và nhận thức của khán giả. Đây có thể xem như hành động tự tay hất đổ uy tín và thương hiệu của mình. (PGS.TS BÙI HOÀI SƠN, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) |
Xin đừng là những ánh hào quang giả dối...
Trong lĩnh vực nghệ thuật, không ít danh xưng gắn liền với các nghệ sĩ như “Kỳ nữ” Kim Cương, “Cải lương chi bảo” Bạch Tuyết, “Ông hoàng nhạc Hồ Quảng” Vũ Linh... là do khán giả và đồng nghiệp yêu mến dành tặng cho họ. Các nghệ sĩ này luôn cố gắng rèn luyện, nỗ lực hoàn thiện bản thân để danh xưng ấy thật sự xứng đáng. Trao đổi với Văn Hóa, một nghệ sĩ bày tỏ: “Thế hệ tôi và những người đi trước rất trân trọng nghề, không bao giờ dám vỗ ngực xưng là “ông nọ bà kia”. Gần đây, thấy một số bạn trẻ tự phong mình “là vua, là chúa”, tôi cảm thấy rất buồn. Phải chăng, họ được khán giả ưu ái mà trở nên giàu có quá mức, đến khi có nhiều tiền họ lại quá tự tin đến nỗi thành ra ngông cuồng, mất kiểm soát, không coi ai ra gì. Sự nổi tiếng của người nghệ sĩ phải gắn liền với lối sống, cách hành xử chuẩn mực thì danh tiếng đó mới có giá trị bền lâu…”.
Mới đây nhất, dư luận đánh giá cao cách hành xử của rapper Đen Vâu khi anh nhanh chóng khóa MV Trời hôm nay nhiều mây cực! để chia buồn với các nạn nhân trong vụ máy bay trực thăng rơi tại Hạ Long. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là cách ứng xử văn minh của nam ca sĩ khi không lợi dụng sự cố này theo cách tiêu cực. MV Trời hôm nay nhiều mây cực! đã từng giữ vị trí top 1 trending YouTube, được coi là “soán ngôi vương” của Rap Việt. Trong bối cảnh nghệ sĩ thường xuyên bị chỉ trích vì những chiêu trò câu view lố lăng, phản cảm, hành động của Đen Vâu thực sự nhân văn và nhận được nhiều lời khen ngợi từ cộng đồng.
Có thể nói, để giữ được hình ảnh và sự yêu mến của khán giả, thì ý thức và bản lĩnh của nghệ sĩ là yếu tố quan trọng nhất. Đối với những người nổi tiếng, được công chúng quan tâm vừa là vinh dự, nhưng cũng vừa là trách nhiệm lớn lao. Một phát ngôn chuẩn, một hành động đẹp có thể mang lại năng lượng tích cực cho cộng đồng, đồng thời giúp hình ảnh, tên tuổi, thậm chí cơ hội kiếm tiền của người nghệ sĩ trở nên rộng mở. Nhưng cũng chỉ cần một phát ngôn, một hành vi phản cảm là họ sẽ lập tức rơi vào thảm họa, thậm chí đánh mất tất cả. Không phải không có lý khi công chúng đã nhiều lần lên tiếng đề nghị các cơ quan quản lý phải có hình thức “phong sát”, cấm sóng đối với những nghệ sĩ có lối ứng xử đi ngược lại những chuẩn mực đạo đức xã hội.
Những phát ngôn, chiêu trò quảng cáo quá đà các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đúng sự thật... hay đăng tải những bài viết có nội dung thiếu khoa học, chưa được kiểm chứng về cách phòng, chống dịch Covid-19; thậm chí quảng bá, kêu gọi công chúng đầu tư tiền ảo... đã gây cản trở rất lớn đến việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với nhân dân, đồng thời, còn tiềm ẩn những hành vi phạm pháp. (NSND TRẦN QUỐC CHIÊM, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội ) |
Kỳ 3: Hình thức xử lý đối với những nghệ sĩ vi phạm
THÚY HIỀN - THÙY TRANG