Đừng tung hô, lăng xê nữa...
VHO- Còn nhớ trong một phiên chất vấn tại kỳ họp của Quốc hội khóa XI, một đại biểu đã đặt câu hỏi trực diện với “tư lệnh” ngành Văn hóa - Thông tin (nay là VHTTDL) rằng hiện nay nhiều ca sĩ lên sâu khấu hát thì ít, ăn mặc hở hang lại nhiều, đôi khi xem mà cảm thấy xấu hổ. Những chương trình như thế còn được phát sóng trên truyền hình mà thiếu đi sự kiểm duyệt, biên tập. Cần phải có biện pháp chấn chỉnh tình trạng này vì nó vừa vi phạm thuần phong mỹ tục, vừa ảnh hưởng đến lớp trẻ?
“Tư lệnh” ngành lúc đó là ông Phạm Quang Nghị trả lời cũng trực diện không kém bằng cách nêu lên một thực tế khó lòng phủ nhận: Những ca sĩ “ăn mặc thiếu vải” lên sân khấu biểu diễn lại còn hát “nhép”, nhảy nhót quay cuồng “bốc lửa”, khán giả ở dưới không những không la ó, phản đối mà cứ vỗ tay tán thưởng rần rần. Ông nói thêm, vậy nên, ở góc độ là khán giả, người thưởng thức nghệ thuật cũng cần thể hiện thái độ rõ ràng, rằng nếu thấy nghệ sĩ, ca sĩ nào đó lấy sự hở hang trang phục biểu diễn nhằm che đi chất lượng nghệ thuật của mình thì cần phải phản đối, thậm chí đồng loạt đòi tẩy chay không cho xuất hiện trước công chúng hoặc trên sóng truyền hình. Công chúng phản ứng như vậy chắc rằng nghệ sĩ, ca sĩ đó sẽ không còn “đất sống”.
Một khía cạnh khác, một bộ phận báo chí, truyền thông không lên tiếng phê phán mà còn có những bài PR “ca tụng”, tung hô. Công chúng và báo chí truyền thông cần có thái độ nghiêm khắc với nghệ sĩ thì tin rằng sẽ hạn chế được những hiện tượng lệch chuẩn như thế...
Nhắc lại câu chuyện từ hơn chục năm trước để thấy rằng, nghệ sĩ “giấy” đã xuất hiện từ lâu và cho đến tận thời điểm này nó càng vươn vòi, “vùng vẫy” trên những nền tảng công nghệ, thậm chí một số báo chí, truyền thông “tát nước theo mưa” để tung hô. Có một nhà quản lý về nghệ thuật biểu diễn đã nói với người viết, một thực tế diễn ra đã lâu là nhiều phóng viên vô tình hay hữu ý gọi một ai đó là nghệ sĩ một cách hết sức dễ dàng mà không gợn lên chút suy nghĩ. Hát được một bài cũng gọi là nghệ sĩ. Sáng tác được một bài cũng là nghệ sĩ. Sắm được vai phụ nào đó trong phim truyền hình cũng gọi là nghệ sĩ. Viết như thế không chuẩn, bởi nghệ sĩ thực thụ là cả một quá trình rèn luyện, phấn đấu chứ không dễ.
“Ở chừng mực nào đó, một số nhỏ báo chí, truyền thông đã “tiếp tay” lăng xê có chủ đích cho nghệ sĩ kiểu này nên nhiều nghệ sĩ gạo gội, đã được Nhà nước tôn vinh bằng những danh hiệu cảm thấy rất chạnh lòng. Vì thế báo chí, truyền thông cũng nên nhìn nhận lại mình”, nhà quản lý trên nói.
Trong số báo này Văn Hóa cũng đã ghi nhận, tiếp nhận ý kiến của nhiều nghệ sĩ đã thành danh bằng sự nỗ lực, cống hiến không ngừng nghỉ của mình trên một số lĩnh vực, rằng không ít tờ báo, truyền thông cũng có phần trách nhiệm lớn vì đã tung hô quá đà cho kiểu nghệ sĩ “giấy” này và diễn ra trong một thời gian dài. Những nghệ sĩ đó cũng đã dẫn ra một loạt bài dạng PR như thế mà người viết không tiện dẫn ra ở đây vì nó hiện vẫn đang đầy rẫy trên Internet. Bởi thế, trong bối cảnh như hiện nay báo chí, truyền thông hãy cùng góp tay “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu” nhằm ngăn chặn tình trạng “quảng danh” nghệ sĩ rởm.
NGUYỄN THANH SƯƠNG