Người Việt ở châu Âu xuyên đêm xem kịch
VHO- Chuyến lưu diễn tại nhiều nước châu Âu của các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam đã kết thúc nhưng niềm vui, sự tự hào vẫn còn đọng lại trong những câu chuyện, lời kể của nghệ sĩ như Xuân Bắc, Lâm Tùng, Phú Đôn, Hồ Liên...
Họ “đem chuông đi đánh xứ người” thành công với hơn 20 ngày và bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.
Vở diễn “Nghêu, Sò, Ốc, Hến”
Nhận lời mời của Ban liên lạc Hội Người Việt Nam tại châu Âu, Nhà hát đã có 6 suất diễn và các chương trình giao lưu văn hóa văn nghệ phục vụ khán giả thuộc cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại Pháp, Đức, Séc và Hungari. NSƯT Xuân Bắc, Phó giám đốc Phụ trách Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết: “Khi mời Nhà hát Kịch Việt Nam sang biểu diễn ở châu Âu, anh Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Liên hiệp Hội Người Việt tại châu Âu có nói với chúng tôi rằng, chuyến lưu diễn sẽ rất khó khăn đấy. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn quyết tâm đi để tìm kiếm thị trường biểu diễn và cũng để thể hiện hình ảnh nghệ thuật chuyên nghiệp của một nhà hát kịch quốc gia”.
Thay vì các chương trình nghệ thuật tạp kĩ mà các đơn vị, các nhóm nghệ sĩ của Việt Nam thường chọn để diễn ở các nước châu Âu thì lần này, Nhà hát Kịch Việt Nam mang theo hành trang là hai vở diễn đó là Nghêu, Sò, Ốc, Hến và Ảo ảnh hạnh phúc. Nghệ sĩ Hồ Liên chia sẻ: “Có những suất diễn khán giả sau khi xem lặng đi rất lâu vì xúc động để rồi mãi họ mới chợt nhớ để vỗ tay rồi ào lên sân khấu tặng hoa, giao lưu với nghệ sĩ. Sau khi xem biểu diễn, rất nhiều Việt kiều đã mời nghệ sĩ chúng tôi về nhà để mời chiêu đãi tại nhà hàng của họ vì yêu quý, trân trọng, có những nơi như sau khi biểu diễn ở trung tâm tổ chức sự kiện tại thành phố Berlin, Ban tổ chức vui mừng quá mở tiệc liên hoan chiêu đãi nghệ sĩ thâu đêm...”.
Đoàn nghệ sĩ Nhà hát Kịch VN chụp ảnh kỷ niệm với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức
Có ai biết đằng sau sự thành công của 6 suất diễn trong lịch trình lưu diễn ở châu Âu của Nhà hát Kịch Việt Nam, Ban giám đốc và nghệ sĩ đã phải vô cùng vất vả trong việc kết nối các đơn vị tổ chức, các Mạnh Thường Quân để làm sao thực hiện được chuyến lưu diễn xuyên 4 quốc gia ở châu Âu lần này. Chỉ kể riêng việc di chuyển được 1,2 tấn đạo cụ sân khấu cho hai vở diễn khắp các thành phố là cả một vấn đề, chưa kể lo tiền ăn ở, đi lại cho hàng chục con người tham gia chuyến đi. Hoặc như 4 ngày liên tiếp thực hiện 4 suất diễn tại Cộng hòa Séc, các nghệ sĩ phải vừa đi lại hàng trăm cây số, vừa dựng sân khấu và biểu diễn. Diễn xong về đến chỗ nghỉ là 2 – 3 giờ sáng, sáng sớm hôm sau lại lên đường đến thành phố khác, thời gian để nghỉ ăn uống tử tế cũng không có. “Đi lại biểu diễn tuy mệt nhưng những tràng pháo tay và tình cảm của khán giả khiến nghệ sĩ chúng tôi không còn biết mệt nữa. Mặc dù lịch đi lại và biểu diễn dày đặc nhưng nghệ sĩ chúng tôi cũng có cơ hội để được tham dự các hoạt động văn hóa và thăm một số địa danh nổi tiếng của các nước bạn”, nghệ sĩ Hồ Liên chia sẻ.
NSƯT Xuân Bắc chia sẻ: “Người Việt ở châu Âu khi xem nghệ thuật họ thường kết hợp vừa xem, vừa ăn uống. Tôi đã phải kiên quyết trao đổi với Ban tổ chức ở từng nước để các buổi diễn của nhà hát chỉ có xem nghệ thuật. Ban tổ chức ở các nước đều tỏ ra vô cùng lo lắng trước sự “phá lệ” này của Nhà hát Kịch Việt Nam thế nhưng chính điều này đã giúp thay đổi tư duy và thói quen xem nghệ thuật của người Việt ở châu Âu”. Để chờ cho khán giả ăn uống xong xuôi, nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam mới bắt đầu diễn đó là lý do mà có những buổi diễn bắt đầu vào một giờ biểu diễn vô cùng đặc biệt, phá lệ khi bắt đầu vào 22h00 đêm và dĩ nhiên việc kết thúc vở sẽ vào 1 giờ sáng.
Nhiều khán giả đi hàng trăm cây số từ thành phố này sang thành phố khác để được xem kịch thì họ sẽ về nhà vào 3 - 4 giờ sáng. Bù lại, các vở diễn của Nhà hát Kịch Việt Nam đã mang đến cho khán giả Việt kiều những cái nhìn rất mới mẻ về sân khấu kịch đương đại của nước nhà trong giai đoạn hiện nay. Có những vị khán giả không kịp ăn tối và họ xem hết buổi biểu diễn quên cả đói vì bị cuốn theo sức hấp dẫn của vở diễn. Nghệ sĩ Phú Đôn cho biết: “Mỗi suất diễn của chúng tôi có trên 500 khán giả đến xem, có những điểm diễn khán giả lên tới 700 người, có cả trăm khán giả không có vé xin mua vé để vào đứng để xem. Đêm diễn ở Berlin (Đức) kết thúc vở có tới hơn 90% khán giả đòi được mua vé để xem tiếp một đêm nữa nhưng địa điểm đã có lịch cho đơn vị khác nên chúng tôi đành phải chia tay”.
Trong chuyến lưu diễn, các nghệ sĩ đoàn Nhà hát Kịch Việt Nam đã tạo nên những đêm diễn sôi động, hào hứng trong cộng đồng người Việt Nam tại các nước châu Âu. Đáng chú ý, vở Nghêu, Sò, Ốc, Hến đã được biểu diễn chào mừng diễn đàn “Người Việt có tầm ảnh hưởng toàn cầu” vừa diễn ra tại Pháp. Bên cạnh việc biểu diễn thì đoàn cũng đã có những buổi giao lưu với kiều bào và nói chuyện về sân khấu Việt Nam tại các nước.
Chia sẻ với Văn Hóa, NSƯT Xuân Bắc, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát cho rằng chuyến lưu diễn thành công ở các nước châu Âu giúp Nhà hát có thêm niềm tin và cơ sở để đầu tư vào thị trường biểu diễn mới này. Lâu nay, nghệ thuật Việt Nam ra nước ngoài biểu diễn đa phần là các loại hình sân khấu truyền thống và các chương trình ca múa nhạc, tạp kĩ, sự mạnh dạn đưa kịch đương đại ra nước ngoài của Nhà hát Kịch Việt Nam là một nỗ lực đáng ghi nhận.
THÚY HIỀN