Nhạc sĩ Thế Song không chỉ có Nơi đảo xa

VH- Ngày 24.5, nhạc sĩ Thế Song sẽ được gia đình và bạn bè đưa về nơi an nghỉ cuối cùng ở tuổi 85, sau một thời gian dài chiến đấu với bạo bệnh. Nhắc đến tên tuổi ông, công chúng luôn nhắc tới Nơi đảo xa- một ca khúc “tượng đài” về biển đảo. Nhưng trong gia tài ca khúc của ông còn có “tượng đài” khác, đó là Bài ca trên đỉnh Pò Hèn- khúc tráng ca về sự hy sinh thầm lặng trong cuộc chiến tranh biên giới.

Nhạc sĩ Thế Song không chỉ có Nơi đảo xa - Anh 1

 Ca sĩ Tùng Dương đến thăm và hát “Nơi đảo xa” khi nhạc sĩ Thế Song đang trên giường bệnh Ảnh: TTVH

 Gia tài âm nhạc của nhạc sĩ Thế Song lên tới gần 600 tác phẩm, ông viết rất nhiều đề tài, trong đó có cả ca khúc thiếu nhi như Em yêu mến anh bộ đội, Trồng hoa trên mộ liệt sĩ... Nhưng người ta luôn gọi ông một cách trìu mến, là nhạc sĩ của biển cả và những người lính đảo. Ngoài Nơi đảo xa, ông còn có Mênh mang Trường Sa, Tình em theo cánh sóng, Hát từ vùng gió xoáy, Ngôi nhà lính đảo, Sóng ru, Hòn mưa, Hoa hồng biển đảo... Lính đảo mê âm nhạc của ông vì nó vừa mạnh mẽ, khoáng đạt, lại rất đằm thắm, diết da. Nhiều người nghe nhạc ông đều tưởng rằng nó phải được viết bởi một người đã có rất nhiều trải nghiệm với cuộc sống nơi đầu sóng ngọn gió. Nhưng theo nhạc sĩ Thế Hiển, con trai út của nhạc sĩ Thế Song, Nơi đảo xa được viết sau chuyến công tác Quảng Ninh, thăm các chiến sĩ làm nhiệm vụ sửa chữa tàu cho Hải quân VN. Những cuộc chuyện trò ngắn ngủi với người lính biển đã mang đến cho tâm hồn nhạc sĩ thật nhiều cảm xúc và giai điệu của Nơi đảo xa đã được bật ra ngay khi nhạc sĩ đang trên đường từ Quảng Ninh trở về Hà Nội. Mãi sau này, khi Nơi đảo xa đã trở thành ca khúc nằm lòng của mỗi người lính đảo, nhạc sĩ Thế Song mới có dịp ra thăm Trường Sa. Biết ông là tác giả của Nơi đảo xa, những người lính đảo không giấu nổi sự phấn khích, đã công kênh từ điểm đậu cano vào bờ.

Được nghe rất nhiều câu chuyện thú vị về ông, nhưng mãi tới năm 2014, tôi mới được “gặp” nhạc sĩ Thế Song lần đầu tiên tại nhà riêng, vào lúc ông đã gần như mê man sau những cơn tai biến. Đó là một ngày tháng 6, thời điểm mà cả nước đang sôi sục vì những diễn biến tại Biển Đông, thời điểm mà Nơi đảo xa được hát nhiều hơn bao giờ hết, làm lay động nhiều trái tim hơn lúc nào hết. Hôm đó, bên giường bệnh của ông còn có ca sĩ Đăng Dương. “Chàng ngự lâm” của dòng nhạc đỏ cất giọng hào sảng để hát Nơi đảo xa tặng ông. Cơ thể nhạc sĩ Thế Song gần như bất động, nhưng gương mặt ông dường như thư thái, nhẹ nhõm hơn khi giai điệu thân thương đó được cất lên.

Cũng hôm đó, bên giường bệnh, lần đầu tiên tôi được nhạc sĩ Thế Hiển kể cho nghe câu chuyện về Bài ca trên đỉnh Pò Hèn. Đó là bài hát về nữ liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm, người nữ mậu dịch viên tuổi đôi mươi của cửa hàng thương nghiệp Pò Hèn (Móng Cái, Quảng Ninh) đã ngã xuống trên đỉnh Pò Hèn vào ngày 17.2.1979 sau khi chiến đấu anh dũng chống lại quân xâm lược Trung Quốc. Đỉnh Pò Hèn ngày 17.2.1979 đã trở thành một câu chuyện bi tráng của lịch sử, trở thành một nỗi ám ảnh khi nói về cuộc chiến tranh biên giới 1979.

Nhạc sĩ Thế Song cùng đoàn đi thực tế của Hội Nhạc sĩ VN có mặt ở Móng Cái chỉ vài tháng sau trận chiến đấu trên đỉnh Pò Hèn kết thúc. Câu chuyện bi tráng về tinh thần chiến đấu anh dũng của những người lính Biên phòng và đặc biệt là sự hy sinh của nữ mậu dịch viên Hoàng Thị Hồng Chiêm đã gây xúc động sâu sắc cho ông. Những giai điệu mang âm hưởng vùng Đông Bắc được nhạc sĩ Thế Song sử dụng một cách tài hoa, đã khiến Bài ca trên đỉnh Pò Hèn trở thành một tác phẩm mang tầm khái quát cho tinh thần chiến đấu anh dũng của người dân VN trong chiến tranh biên giới. Bài hát chỉ gọi tên Hoàng Thị Hồng Chiêm nhưng người ta có thể nghe thấy cả tâm hồn Đông Bắc, cả tinh thần quả cảm của người dân Đông Bắc trong từng nét nhạc. Với nhạc sĩ Thế Song, chuyến đi Đông Bắc đó là chuyến đi của cuộc đời, khi từ đó, ông đã có được hai tác phẩm đặc biệt: Nơi đảo xa Bài ca trên đỉnh Pò Hèn. Nhưng lại mang hai số phận dường như trái ngược, những lí do lịch sử đã khiến Bài ca trên đỉnh Pò Hèn trở thành một khúc tráng ca thầm lặng. Nhưng trong trái tim của nhạc sĩ Thế Song, người nhạc sĩ của hải đảo và biên giới, bài ca ấy vẫn sống động như đóa hoa “đua nở giữa mùa xuân chiến công”…

 THÚY HẰNG

Ý kiến bạn đọc