Tuyên chiến với ca từ nhảm nhí, phản cảm

VH- Để hạn chế tối đa các sản phẩm âm nhạc kém chất lượng, nội dung không phù hợp, trong thời gian tới đây sẽ có những quy định pháp lý bám sát và phù hợp với sự vận động của đời sống âm nhạc VN? Đây cũng là một trong những vấn đề mà nhiều đại biểu quan tâm tại Hội thảo chuyên đề Hoạt động sáng tác lưu hành tác phẩm nghệ thuật ca múa nhạc trong thời kỳ hội nhập, phát triển hiện nay vào ngày 31.10 tại Hà Nội. Hội thảo do Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên chủ trì.

Cần đổi mới và chấn chỉnh gấp thị trường âm nhạc

Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên đã thẳng thắn thừa nhận các văn bản quy phạm pháp luật về nghệ thuật biểu diễn hiện nay đã bộc lộ rất nhiều bất cập với những quy định đã bị lạc hậu. Tới đây sẽ phải có sự sửa đổi, thậm chí nếu cần cần thiết sẽ xây dựng Nghị định mới, tiến tới ra đời Luật Nghệ thuật biểu diễn.

Tại Hội thảo, nhiều đại diện của các Sở VHTTDL, Hội nghề nghiệp, các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật và các nhà tổ chức biểu diễn... đã dẫn ra nhiều vấn đề tiêu cực nảy sinh trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật hiện nay mà việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật chưa giải quyết được căn nguyên.

Chương trình có giá trị nghệ thuật thấp, tạo những tiếng cười rẻ tiền; Ca sĩ sử dụng trang phục phản cảm, phát ngôn không phù hợp; Quản lý các sản phẩm ca múa nhạc phổ biến trên các phương tiện kỹ thuật số, mạng internet chưa ngăn chặn được những sản phẩm xấu, kém chất lượng... Tất cả những bất cập của hoạt động biểu diễn nghệ thuật đã gây nhiều bức xúc trong dư luận, đồng thời tác động không nhỏ tới nhận thức và thị hiếu về nghệ thuật của nhiều tầng lớp nhân dân.

Tuyên chiến với ca từ nhảm nhí, phản cảm - Anh 1

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên chủ trì Hội thảo

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết hiện nay vẫn có những tác phẩm được sáng tác, phổ biến ra công chúng nhưng không có chất lượng nghệ thuật, nội dung ca từ nhảm nhí, ví dụ như đã có rất nhiều phản ánh về clip bài hát có tên gọi Phiếu bé ngoan, Tan ka ka, Give it to me, Em không hối tiếc hay gần đây nổi lên sản phẩm Như cái lò... có ca từ nhảm nhí, hình ảnh trang phục phản cảm nhưng trong thực tế vẫn được các nhà sản xuất, người biểu diễn và các trang âm nhạc trực tuyến cho phổ biến, lưu hành để người nghe, xem có thể tự do truyền tải. Hiện nay cơ quan quản lý nhà nước cũng gặp khó khăn với những sản phẩm ca múa nhạc thông qua các sản phẩm ca múa nhạc lưu hành, phổ biến trên các phương tiện kỹ thuật số, mạng internet bởi việc quản lý chưa có sự phân định rõ ràng, không chỉ thuộc trách nhiệm của ngành văn hóa. Ông Nguyễn Văn Trực, Trưởng phòng quản lý nghệ thuật thuộc Sở VHTT Hà Nội cho rằng thị trường âm nhạc hiện nay đang xuất hiện xu hướng sáng tác ca khúc nhạc trẻ viết lời trên nền tiết tấu theo phong cách Rap, Hip hop “đọc” nhiều hơn “hát” với những ca từ hời hợt, nội dung lan man, thậm chí ngây ngô, gây khó hiểu cho người nghe. Hay như xu hướng sáng tác ca khúc về tình yêu đôi lứa nhưng nội dung thiên về sự đau khổ, mất niềm tin... Nhiều tác phẩm nghệ thuật mới sáng tác được phổ biến, phát hành bản ghi âm, ghi hình tràn lan trên mạng internet mà không thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc sân khấu. Sự phát triển của công nghệ thông tin, phương tiện kỹ thuật đã kéo theo một trào lưu sáng tác mới như nhạc sàn, nhạc chế, nhạc chuông, nhạc chờ... dựa trên công nghệ, máy móc chứ không phải sản phẩm làm ra bằng trái tim, khối óc và bằng xúc cảm nghệ thuật. Điều này đã vô tình gián tiếp tạo ra những tác phẩm âm nhạc giật gân, lời lẽ thô tục, thiếu tính văn học.

Chấn chỉnh hoạt động biểu diễn phải có chế tài đủ mạnh

Một trong những nguyên nhân mà các đại biểu dẫn ra chính là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện nay chưa theo kịp với hoạt động nghệ thuật đang diễn ra sôi động, phức tạp trong thực tiễn; vẫn còn tồn tại các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định; Thông tư sửa đổi; bổ sung Thông tư gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Đại diện Thanh tra Bộ VHTTDL cho rằng cần phải hoàn thiện pháp luật để tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang trước hết cần xây dựng Luật Biểu diễn nghệ thuật. Đồng thời, điều chỉnh và bổ sung chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực này. Việc cấp phép biểu diễn và lưu hành các ấn phẩm băng đĩa ca nhạc vẫn được tiến hành một cách đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng vấn đề mà dư luận đặt ra chính là làm sao tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm với các hành vi sai phạm nhằm đảo bảo các chương trình nghệ thuật được thực hiện đúng quy định pháp luật, phù hợp với đạo đức, thuần phong mỹ tục, văn hóa VN.

Vì sao những sản phẩm dị thường về hình thức, vay mượn về ý tưởng, nhàn nhạt về tính cách âm nhạc, lẫn lộn về khái niệm bản sắc dân tộc... mà vẫn có hiệu ứng mạnh trên mạng xã hội, vẫn làm giới trẻ thích thú chỉ nhờ vào hình ảnh bắt mắt, đánh trúng thị hiếu, hợp sở thích và cách lý giải đời, cách hiểu đời của một bộ phận giới trẻ? Đặt ra câu hỏi này, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu dẫn ra hiện tượng đã và đang gây bão trên mạng là ca khúc Lạc trôi của Sơn Tùng. Ca khúc này có tới trên 131 triệu lượt nghe trên ZingMP3. Còn trên Youtube MV Lạc Trôi có hơn 100 triệu view sau 2 tháng xuất hiện, sau 10 tháng đạt gần 160 triệu view. Từ cách phục trang, cách sử dụng nhạc cụ dân tộc kết hợp âm thanh điện tử future bass với phong cách hòa âm mới được coi là thời thượng... đã khiến MV này đạt kỷ lục về view.

Tuyên chiến với ca từ nhảm nhí, phản cảm - Anh 2

 Dù còn nhiều tranh cãi về chất lượng sản phẩm “Lạc Trôi” của ca sĩ Sơn Tùng, nhưng đều không thể phủ nhận là cho đến nay chưa có bài hát nào cùng thời điểm lại cán được mốc lượt nghe và lượng view “khủng” như vậy

“Chẳng cần đến giải pháp cực đoan, vì âm nhạc kể cả chính thống cũng như giải trí mà không có giá trị đích thực thì trước sau cũng bị đào thải! Thay vì chỉ trích dòng nhạc trẻ, chê bôi ca khúc như của Sơn Tùng thì tốt hơn hết là tìm mọi cách làm ra những món ăn tinh thần ngon lành hấp dẫn cho người hưởng thụ. Cách loại trừ hữu hiệu những sản phẩm và xu hướng “có vấn đề” vẫn là đầu tư thích đáng, khích lệ kịp thời những người sáng tạo để những tác phẩm giá trị và những chương trình thực sự hay có điều kiện đi vào đời sống xã hội”, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu nhận định.

Mọi biện pháp quản lý nhà nước, mọi văn bản luật đều đi tới mục đích cao nhất là thúc đẩy những sáng tạo đích thực trong hoạt động sáng tác và biểu diễn nghệ thuật. Hội thảo Hoạt động sáng tác lưu hành tác phẩm nghệ thuật ca múa nhạc trong thời kỳ hội nhập, phát triển hiện nay là cuộc hội thảo thứ 3 của Bộ VHTTDL để tham khảo các ý kiến làm căn cứ sửa đổi hoặc xây dựng Nghị định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Trong kết luận, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên cho biết ban soạn thảo, tổ biên tập sẽ tập hợp gấp và đầy đủ các ý kiến để tìm cách xây dựng văn bản mới cho phù hợp với thời kỳ mới cũng như tốc độ phát triển của hoạt động biểu diễn nghệ thuật hiện nay. Đó cũng là cách tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sáng tạo, biểu diễn nghệ thuật, đồng thời cũng đưa ra chế tài đủ mạnh để chấn chỉnh những lệch lạc trong xu hướng sáng tác cũng như tổ chức biểu diễn nghệ thuật hiện nay. 

Thúy Hiền

Ý kiến bạn đọc