Kết nối âm nhạc với cộng đồng: Có hẹn với Sài Gòn

VHO- “Hãy đến bến sông hẹn hò, rồi cùng thưởng thức tình ca…” là lời mời mọc trên Fanpage của ê kíp thực hiện Dự án âm nhạc đường phố với tên gọi Có hẹn với Sài Gòn đang diễn ra tại TP.HCM.

Kết nối âm nhạc với cộng đồng: Có hẹn với Sài Gòn - Anh 1

“Có hẹn với Sài Gòn” vừa là sân chơi cho nghệ sĩ sau mùa dịch khó khăn, vừa là món quà tinh thần gửi đến người dân TP và du khách

Dự án với mong muốn có thể đưa âm nhạc chuyên nghiệp ra đường phố phục vụ đông đảo khán giả, qua đó, góp thêm điểm hẹn văn hóa cho người dân và du khách.

Điểm dừng chân cuối tuần

Có hẹn với Sài Gòn diễn ra từ 17-19h thứ Bảy hằng tuần, tại ga tàu thủy Bạch Đằng - Sai­gon Waterbus trên đường Tôn Đức Thắng, Q.1, TP.HCM, biểu diễn không thu phí. Trong 3 số vừa qua, phần lớn khán giả đến xem là du khách tham gia trải nghiệm du lịch trên sông, học sinh, sinh viên và các gia đình. Chương trình vừa khởi động chưa lâu nhưng đã tạo được sức lan tỏa và càng có ý nghĩa trong thời điểm mở cửa hoàn toàn du lịch Việt Nam vào ngày 15.3 tới đây, hứa hẹn là điểm dừng chân thú vị mỗi cuối tuần tại khu vực trung tâm TP.

Nghệ sĩ piano Nguyễn Long An, người khởi xướng Dự án chia sẻ, nghệ thuật đường phố là phần không thể tách khỏi đời sống văn hóa nghệ thuật của một quốc gia, nhất là đô thị sôi động, có đông đảo du khách và là cầu nối giao lưu nhiều nền văn hóa như TP.HCM. Thông qua đây, các nghệ sĩ sẽ mang những thông điệp ý nghĩa truyền tải đến công chúng và bạn bè quốc tế, để biết về một Việt Nam đa dạng văn hóa, mến khách, nghĩa tình… Tên dự án Có hẹn với Sài Gòn là đúc kết từ nhiều câu nói đã trở thành trào lưu thời gian qua, cũng như một cách truyền cảm hứng cho nhau trong mùa dịch. Theo đó, trong giai đoạn giãn cách, các hoạt động phải dừng lại, mọi người đều mong thành phố nhanh chóng qua cơn khó khăn, bình thường trở lại, vì thế mà luôn nói với nhau “Sài Gòn ơi khỏe nhé!”, “Sài Gòn ơi sẽ qua thôi, rồi chúng ta sẽ lại hẹn hò!”… “Chắt lọc những cảm xúc này, chúng tôi đã đặt tên cho Dự án như một lời hẹn ước gặp gỡ, tâm tình qua những sản phẩm âm nhạc được đầu tư chỉn chu của một ê kíp hết mình vì nghệ thuật”, nghệ sĩ Long An bày tỏ. Anh cho biết thêm, sắp tới đây Việt Nam sẽ đón các đoàn khách quốc tế, không có gì hay bằng việc “chiêu đãi” những món ăn tinh thần ý nghĩa để du khách có thêm không gian văn hóa, thưởng thức đời sống sinh hoạt của chúng ta.

Theo các nghệ sĩ, hình ảnh “Trên bến dưới thuyền” cũng là một nét đặc sắc của vùng đất phương Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, do đó, không gian biểu diễn của Dự án được chọn là bến Bạch Đằng, để khi người dân và du khách đến đây, họ sẽ được thưởng thức trọn vẹn âm hưởng sông nước hằng trăm năm của người Sài Gòn.

Nghệ sĩ và khán giả truyền năng lượng cho nhau

Tham gia biểu diễn cuối tuần qua, trong chủ đề Khi người đàn ông hát, ca sĩ Phil Nguyễn hào hứng chia sẻ: Khi biết được ý nghĩa của Dự án, mình cùng một số anh chị em nghệ sĩ đề nghị tham gia và thật sự vui mừng khi được tạo cơ hội biểu diễn. Qua đây, nghệ sĩ và khán giả có thể truyền năng lượng cho nhau, giúp cuộc sống bớt căng thẳng sau những ngày làm việc mệt mỏi. Mình rất hy vọng Dự án sẽ mở thêm nhiều địa điểm để các nghệ sĩ được phục vụ nhiều hơn. “Cảm giác biểu diễn ở đây làm cho mình hồi hộp và háo hức vô cùng, muốn hát mãi không thôi. Chương trình vừa là sân chơi cho nghệ sĩ sau mùa dịch khó khăn, vừa là món quà tinh thần gửi đến cho tất cả người dân Sài Gòn”, nam ca sĩ Mojo Bi đến từ ban nhạc UNLOCK bày tỏ.

Trong khi đó, để góp mặt trong chương trình, ca sĩ Pinko Hoàng Chiến đã không ngại bay từ Hà Nội vào TP.HCM để tham gia. “Những khán giả ở đây rất đáng yêu. Chiến rất hạnh phúc khi được biểu diễn ở một không gian thơ mộng, khoáng đãng này và xin hứa sẽ cùng các nghệ sĩ Hà Nội bay vào thường xuyên để hát cho quý vị nghe”, ca sĩ Pinko Hoàng Chiến tâm tình. Còn nghệ sĩ Long An thì cho biết: “Hiện Dự án đang đón nhận sự ủng hộ mạnh mẽ từ giới ca nhạc sĩ. Thông qua Fanpage của chương trình cũng như lời đề nghị của mình với cộng đồng chơi nghệ thuật, thì đã có hơn 400 đơn cũng như là lời đề nghị được tham gia, trong đó có cả những người đã từng thi đạt giải Vàng The Voice của Mỹ, họ đi qua Việt Nam tham gia những dự án ngắn hạn, và rất muốn được chơi nhạc cùng mọi người…”.

Theo ê kíp, nghệ sĩ tham gia biểu diễn tại chương trình là những người giảng viên, học viên của các trường âm nhạc, nhạc viện, các ca sĩ, ban nhạc trẻ chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp… Đây là dự án dài hạn và không chỉ dừng lại ở thể loại âm nhạc đương đại, sôi động mà cũng sẽ hướng tới trình diễn các loại hình nghệ thuật dân gian khác. Chị Hoàng Thùy Linh, Giám đốc nghệ thuật dự án chia sẻ thêm, mục đích chương trình là xây dựng một cộng đồng những người nghệ sĩ chơi âm nhạc đường phố bằng tất cả giá trị chất lượng chuyên môn, hướng đến những điều tốt đẹp dành cho cộng đồng, có kiểm soát về mặt hình ảnh và nội dung. Chương trình được dàn dựng một cách tự nhiên nhất, gần gũi với khán giả để đúng với “chất” âm nhạc đường phố, làm tốt cho mục tiêu quảng bá văn hóa - du lịch và truyền cảm hứng, năng lượng cho mọi người.

Có hẹn với Sài Gòn là thông điệp của những người nghệ sĩ, lúc này coi Sài Gòn không chỉ là một mảnh đất, mà là thực thể sống, một người bạn, một “người tình” của mình, để hẹn hò với nhau, mang lại những điều tốt đẹp nhất cho nhau. Đây cũng là cơ hội để chúng tôi đáp trả tấm chân tình cho vùng đất đầy nhân văn và luôn rộng mở với tất cả mọi người”, Linh chia sẻ.

Có thể nói, Có hẹn với Sài Gòn không chỉ đáp ứng được nhu cầu thưởng thức âm nhạc của đông đảo người dân, mà còn là một niềm tự hào của những nghệ sĩ tham dự, khi họ được hết mình cống hiến, phục vụ khán giả. 

KIỀU GIANG

 

Ý kiến bạn đọc