Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Âm nhạc viết cho tác phẩm múa: Chưa có sự tương tác và kết nối

Thứ Tư 09/03/2022 | 11:01 GMT+7

VHO- Âm nhạc và múa là sự kết hợp hài hòa giữa nghe và nhìn, mang đến cho người xem sự thông hiểu và cảm xúc. Âm nhạc là linh hồn của múa, hòa quyện vào múa, cùng buồn, cùng vui với múa. Âm nhạc và múa không dùng ngôn từ nhưng vẫn truyền đạt được nội dung, tư tưởng, tình cảm mà tác giả cũng như tác phẩm muốn nói.

Tiết mục hát - múa “Tìm về vạt nắng” của Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Lai Châu tham gia Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2021 (đợt 1) Ảnh: ITN

 Thế nhưng thực tế cho thấy, việc đầu tư viết nhạc cho một tác phẩm múa hầu như chưa được các biên đạo cũng như giới nhạc sĩ quan tâm đúng mức.

Múa có được sức mạnh cảm xúc thông qua âm nhạc

Từ xa xưa, múa đã luôn gắn liền với âm nhạc trong cùng một dòng chảy, cùng hòa quyện với nhau để làm nên một thứ tiếng nói vượt qua mọi rào cản biên giới, ngôn ngữ. Âm nhạc dành cho múa là một không gian riêng không kém phần lộng lẫy, giàu có và phong phú. Nhạc tìm thấy ở múa một tình bạn thân thiết cũng như múa tìm thấy nhạc nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn để vượt qua mọi rào cản về không gian thời gian, để biểu hiện tiếng nói tâm hồn mình.

TS Phạm Thanh Giang, Trưởng khoa Âm nhạc Học viện Múa Việt Nam cho biết, âm nhạc luôn chắp cánh cho nhiều loại hình nghệ thuật và đặc biệt là với múa. Âm nhạc đóng vai trò quan trọng và cần thiết trong đời sống của con người nói chung và nghệ thuật múa nói riêng. Trong đó, vai trò giáo dục của âm nhạc chiếm một vị trí cốt lõi đối với ngành múa. Có thể khẳng định, âm nhạc đã và đang sát cánh với các loại hình nghệ thuật sân khấu trong đó có múa.

Trong một bài viết về mối tương quan giữa nghệ thuật âm nhạc và một số loại hình nghệ thuật khác, Thạc sĩ Dương Thanh Tùng, Trường Đại học Sài Gòn cho rằng, âm nhạc và múa có một sự tương đồng giữa tiết tấu và nội dung, cảm xúc phong phú của âm nhạc có thể đáp ứng tốt để đệm cho điệu múa, góp phần làm tăng thêm vẻ say đắm và nâng cao ý nghĩa cũng như giá trị của nghệ thuật múa. Như vậy, âm nhạc có được một sự diễn giải cụ thể thông qua điệu múa, và điệu múa có được sức mạnh cảm xúc thông qua âm nhạc.

Tuy nhiên, hiện nay việc đầu tư viết nhạc cho một tác phẩm múa ngày càng ít được các nhạc sĩ, biên đạo múa quan tâm. Bởi muốn viết được một tác phẩm âm nhạc phù hợp với từng tác phẩm múa, người nhạc sĩ hay biên đạo múa phải mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Để có chất liệu sáng tác, nghệ sĩ sáng tạo cần phải dày công thâm nhập thực tế để hiểu về phong tục tập quán, tinh thần và tín ngưỡng của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền.

Nhiều ý kiến cho rằng, sau lứa biên đạo Trần Ly Ly, Tuyết Minh, Nguyễn Hồng Phong, Tạ Thùy Chi thì chưa thấy một lớp biên đạo nào nổi lên có dấu ấn trong nghề. Nguyên nhân là do các biên đạo múa hiện nay chưa tìm được cách để thổi hồn vào bản sắc dân tộc Việt Nam. Dù rất nhiều biên đạo múa được đào tạo ở nước ngoài, nhưng những tinh hoa thế giới ấy phải được thể hiện qua các tác phẩm biểu diễn trên sân khấu và các tác phẩm đó phải phục vụ đất nước, con người Việt Nam. Đặc biệt, nếu muốn tác phẩm của mình được khán giả chấp nhận thì trong đó phải có hơi thở của dân tộc và hơi thở đó phải rất thân thuộc, cái thân thuộc ấy phải nằm ở bản sắc dân tộc và bản sắc dân tộc phải nằm chi tiết ở những thanh âm đồng hành cùng ngôn ngữ múa, những chuyển động cơ thể. Đó chính là âm nhạc.

Chưa có sự tương tác và kết nối giữa biên đạo múa và nhạc sĩ

Biên đạo múa Tuyết Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam cho rằng, hiện nay lực lượng nhạc sĩ thực sự hiểu múa, say sưa với nghệ thuật múa và sáng tác ra những tác phẩm âm nhạc cho múa còn lại rất ít. Ngày xưa, có rất nhiều những nhạc sĩ có tác phẩm chuyên về nhạc múa, có thể kể đến nhạc sĩ Xuân Hòa với các vở: Cánh chim và mặt trời, Đi hội mùa xuân, Lễ hội cầu mưa (dân tộc Khơ Mú)… Từ năm 2000-2006, có một số nhạc sĩ viết cho múa nổi lên và ghi được dấu ấn như: NSƯT Mạnh Tiến, nhạc sĩ Đức Trịnh, NSƯT Mạnh Tiến, Xuân Thuỷ, Hồ Trọng Tuấn. Còn gần đây thì chỉ có một, hai nhạc sĩ kết hợp được giữa dòng chảy âm nhạc và múa, trong đó có nhạc sĩ Minh Đức của Đoàn ca múa nhạc Sơn La.

“Đa số các nhạc sĩ ở thời điểm hiện nay thường sáng tác theo kiểu World Music kết hợp với các nhạc cụ dân tộc, nhưng kết cấu của một tác phẩm múa gồm hồi đoạn rõ ràng thì không có, đặc biệt là tính dân tộc ở trong một tác phẩm âm nhạc viết cho múa rất mờ nhạt, thiếu vắng những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Có lẽ nó cũng bắt nguồn từ việc nhạc sĩ và biên đạo múa chưa gặp được nhau về mặt ý tưởng và mong muốn…”, biên đạo múa Tuyết Minh cho biết.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam cũng chỉ ra những bất cập, tồn tại trong không ít các tác phẩm âm nhạc viết cho múa hiện nay, đó là với âm nhạc hiện đại, nhiều nhạc sĩ có một kho âm thanh nhờ mua bán và họ cứ nhào nặn, cắt ghép là thành tác phẩm của mình. Đối với người nghệ sĩ sáng tác, tác phẩm nghệ thuật là cả một sự kỳ công, suy nghĩ, trăn trở, đọc tài liệu, nghiên cứu sử sách, viết đi sửa lại, đi thực tế trải nghiệm cuộc sống, thiên nhiên, xã hội, con người. Nhưng hiện nay, đa phần nhạc sĩ không làm như vậy, vì mất thời gian và kinh phí đi lại.

Biên đạo múa Tuyết Minh cho rằng, để khắc phục tình trạng thiếu những sáng tác âm nhạc chất lượng cho múa thì điều đầu tiên là phải giải quyết được vấn đề về sự tương tác và kết nối giữa người biên đạo sáng tạo ra tác phẩm múa và nhạc sĩ. Bởi âm nhạc là linh hồn của múa. Từ mối quan hệ giữa âm nhạc và múa sẽ dẫn đến sự thành công và chất lượng nghệ thuật, tâm hồn và bản sắc dân tộc mà người biên đạo múa gửi gắm. Cho dù người biên đạo múa có là chủ thể trong sáng tạo, nhưng biên đạo múa là một nghề tổng hợp, mà đầu tiên là âm nhạc, sau đó mới đến trang phục, đạo cụ, thiết kế sân khấu. Nếu biên đạo múa có nhiều ý tưởng nhưng không gian âm nhạc không mang đến cảm xúc, thì người diễn viên, chủ thể để thể hiện tác phẩm trên sân khấu, không thể nào nhấn nhá vào giai điệu và những ngôn ngữ của dân tộc mà mình muốn thể hiện, do đó tính dân tộc của tác phẩm nghệ thuật múa sẽ bị mờ nhạt và không thuyết phục được khán giả.

Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam cũng đã có những kế hoạch kết hợp cùng Hội Nhạc sĩ Việt Nam cử các nhạc sĩ trẻ cùng đi thâm nhập với các biên đạo múa để tìm chất liệu sáng tác các tác phẩm âm nhạc dành cho múa dân tộc. Việc kết nối các khâu sáng tác trong tác phẩm múa như biên đạo, âm nhạc sẽ tạo nên các tác phẩm có giá trị nghệ thuật, giàu cảm xúc. Đặc biệt, tại các trường văn hóa nghệ thuật, nhất là nghệ thuật múa, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, các em phải được đào tạo một cách bài bản về kiến thức âm nhạc để sau ra trường sẽ có kinh nghiệm và nghiêm túc hơn trong lao động sáng tạo nghệ thuật.

 QUANG ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top