Kiểm duyệt phim: Làm sao cho vừa lòng tất cả?

VHO- Những người quan tâm đến điện ảnh và giới nghề bày tỏ sự phấn khích khi mới đây, phim gắn mác 18+ Người tình đã vượt qua “cửa” kiểm duyệt sau bốn năm lận đận, và ấn định ngày ra mắt vào tháng 8 tới. Câu chuyện kiểm duyệt phim cho đến nay vẫn chưa bao giờ là xưa cũ và luôn thu hút nhiều ý kiến của những người làm điện ảnh.

Kiểm duyệt phim: Làm sao cho vừa lòng tất cả? - Anh 1

 Cảnh trong phim “Người tình”

 Ban đầu dự kiến công chiếu năm 2018 nhưng kế hoạch đã bị “phá sản” do không được xét duyệt. Sau nhiều nỗ lực sửa chữa và hoàn thiện, phía nhà sản xuất (NSX) vui mừng thông báo Người tình sẽ chính thức ra rạp vào 27.8.2021. Ê kíp sáng tạo bộ phim 18+ Kiều@ của Đỗ Thanh An cũng cho biết, cơ quan kiểm duyệt gần như không hề cắt bỏ những phân đoạn được cho là nhạy cảm, nhằm mục đích bảo toàn ý đồ của đạo diễn…

Có cần thiết phải qua khâu kiểm duyệt…

Chia sẻ về vấn đề này, nữ chính Minh Tú trong Người tình cho biết, cô xúc động khi bộ phim đầu tay đã được phép “lộ diện”. Đạo diễn Lưu Huỳnh cũng bày tỏ niềm vui: “Tôi rất mừng khi bộ phim được phát hành. Một hành trình dài, có lúc mệt mỏi nhưng cuối cùng thì đứa con tinh thần của tôi sẽ được ra mắt”. Đạo diễn cho biết thêm, để có giấy phép, anh phải cắt đi một số phân đoạn. “Dù vậy, bản cuối cùng này vẫn đảm bảo những gì tôi muốn chia sẻ với khán giả. Tôi hy vọng khán giả sẽ cảm nhận được thông điệp mà tôi gửi gắm vào phim”, anh nói. Người tình kể câu chuyện về nhà thiết kế thời trang Diễm Tình (Minh Tú), một phụ nữ thành đạt, giàu có nhưng bên trong mang nhiều ẩn ức và những góc khuất khi luôn dằn vặt và giằng xé về tình yêu giữa ba người đàn ông, gồm người chồng hiện tại (Hà Việt Dũng), bạn của chồng (Đức Hải) và người yêu thời sinh viên (Võ Thành Tâm)…

Trở lại câu chuyện kiểm duyệt phim, trước đó, tại hội thảo quốc tế bàn về việc phát triển điện ảnh Việt Nam, đạo diễn Quang Dũng đề nghị cần tiến tới bỏ kiểm duyệt để bảo vệ nguyên vẹn ý tưởng sáng tạo nghệ thuật của người làm phim… Không riêng đạo diễn Tiệc trăng máu, trong nhiều diễn đàn bàn về điện ảnh, các nhà làm phim cũng tranh luận rất sôi nổi quanh chủ đề này. Phần lớn cho rằng phim điện ảnh thiệt thòi hơn phim chiếu mạng khi nhà nước không áp dụng quy định bắt buộc phim phát hành trên internet phải trải qua kiểm duyệt trước khi trình chiếu; hoặc khi đã có quy định phân loại theo từng độ tuổi thì không nhất thiết phải qua khâu kiểm duyệt… Cũng tại diễn đàn nói trên, một chuyên gia lên tiếng, quy định yêu cầu thẩm định kịch bản nhiều lúc gây khó cho các nhà làm phim nước ngoài vì có trường hợp, khi họ đến Việt Nam, thấy bối cảnh thực tế rồi mới chỉnh sửa kịch bản cho phù hợp.

… hay vẫn giữ nguyên quy định?

Trong một lần trao đổi, NSX, đạo diễn Ngô Quang Hải có cái nhìn đa chiều hơn khi phân tích: “Suy nghĩ của tôi là nhà làm phim trước tiên phải là nhà văn hóa, đứng trên quan điểm dân tộc. Tôi cho rằng đam mê là một chuyện, còn hiểu biết lại là chuyện khác. Vì vậy, tôi nghĩ vẫn nên giữ nguyên quy định như hiện nay. Phim ảnh là loại hình truyền bá tư tưởng cực mạnh, tôi không tin các NSX, các đạo diễn của chúng ta có thể tự kiểm duyệt được, bởi các bạn không thể nào hiểu biết tường tận mọi quan điểm về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế… Ngay cả kiểm duyệt, có dễ dãi cho qua đi nữa cũng không thể qua khỏi an ninh mạng. Chúng ta cần nhìn nhận cởi mở hơn nhưng nếu không có cái nhìn tổng quát thì tự mình đi vào bụi rậm, bởi vì hậu quả xảy ra, chúng ta không lường hết được. Do vậy rất cần có một cơ quan nhà nước để kiểm duyệt”.

Đồng tình quan điểm này, NSX Dung Bình Dương cho rằng, Cục Điện ảnh nên quản lý việc sản xuất phim Việt Nam chặt chẽ hơn bằng cách xiết chặt khâu xét duyệt kịch bản trước khi cho bấm máy để tránh tình trạng nhiều NSX mới cứ nghĩ là đăng ký quyền tác giả kịch bản xong là được sản xuất phim, khi họ bỏ tiền ra sản xuất xong thì lại không được duyệt phổ biến hoặc khi đang phát hành lại bị dừng lại giống trường hợp phim Vợ Ba

Được biết, hiện nay Cục Điện ảnh chỉ thẩm định kịch bản với hai loại phim: Phim đặt hàng của nhà nước và phim hợp tác, liên doanh với nước ngoài trong thành phần làm phim có NSX, đạo diễn hoặc biên kịch là người nước ngoài. Còn lại các dự án phim khác thì Cục tôn trọng kịch bản, chỉ thẩm định và cấp phép khi phát hành phổ biến, nghĩa là Cục Điện ảnh chỉ kiểm soát đầu ra trước khi phát hành. Sắp tới đây sẽ hướng tới một bước nữa là chỉ hậu kiểm, nhưng nếu muốn hậu kiểm thì cần xây dựng những điều khoản cụ thể để các nhà làm phim biết mà thực hiện cho đúng… Tuy nhiên, với quy định hậu kiểm, nghĩa là từ khi xây dựng kịch bản đến phát hành không phải qua kiểm duyệt, nhưng đến khi công chiếu ở rạp, phim có vấn đề thì cơ quan thanh tra sẽ vào cuộc xử lý. Với quy định như vậy, một số NSX cũng băn khoăn sẽ có rủi ro, vì khi phim ra rạp mà có vấn đề thì phải tạm ngưng, trước mắt thiệt hại về kinh tế, sau là dư luận xã hội, do vậy mà nên đưa vào tiền kiểm (kiểm duyệt trước khi phát hành như hiện nay) cho an toàn.

Trên thực tế, quan điểm cho rằng do quy định của cơ quan quản lý còn “gò bó” dẫn đến phim Việt quá “nghiêm túc”, không thu hút khán giả có phần phiến diện, bởi lẽ bằng chứng là những “bom tấn” thắng lớn ở phòng vé thời gian qua như Bố già, Cua lại vợ bầu, Em chưa 18, Mắt biếc, Tiệc trăng máu, Hai Phượng… đều là những bộ phim khá “nghiêm túc”, không khai thác yếu tố nhạy cảm để câu khách theo cách hiểu nói trên. Do vậy, theo một NSX, không nên lúc nào cũng muốn “thoát rào”, quan trọng nhất là cách làm phim, là yếu tố nghệ thuật, nội dung sâu sắc, là thông điệp đi vào lòng khán giả…

 THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc