Phim nhà nước và tư nhân sẽ cạnh tranh bình đẳng

VHO- Sau một mùa Tết “kém tươi”, hiện nhiều bộ phim đang tích cực chuẩn bị để bước vào “đường đua” mới, và điện ảnh Việt kỳ vọng một năm sẽ vượt qua thách thức để có những bứt phá.

Phim nhà nước và tư nhân sẽ cạnh tranh bình đẳng - Anh 1

 Thứ trưởng Tạ Quang Đông làm việc với Cục Điện ảnh về kế hoạch năm 2021

Phát biểu tại buổi làm việc với Cục Điện ảnh về kế hoạch công tác năm 2021, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông lưu ý, đây sẽ là năm mà bối cảnh hoạt động của ngành điện ảnh còn nhiều chướng ngại phía trước, đòi hỏi phải rất nỗ lực để về đích đúng hạn, đạt hiệu quả cao.

Đổi mới tạo bứt phá

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, năm 2021, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, kế hoạch công tác của Cục Điện ảnh được xây dựng với gần 30 nội dung, trong đó có nhiều nhiệm vụ quan trọng. Nhiều đợt phim kỷ niệm đã và tiếp tục được tổ chức như: Kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng 3.2 và mừng Xuân Tân Sửu; Kỷ niệm các ngày lễ lớn 30.4, 1.5, 7.5, 19.5; Kỷ niệm 76 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2.9; Tuần phim Kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22.12.1944 - 22.12.2021). Các Tuần phim quốc tế tại Việt Nam và Tuần phim Việt Nam tại các nước dự kiến sẽ diễn ra trong năm, khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt gồm: Tuần phim Ba Lan tại Việt Nam, Tuần phim Việt Nam tại Ba Lan, Tuần phim Việt Nam tại Hàn Quốc và khảo sát, học tập Luật Điện ảnh Hàn Quốc, Tuần phim Kazakhstan tại Việt Nam, Tuần phim Việt Nam tại Mỹ, Tuần phim Nga tại Việt Nam.

Ba bộ tiêu chí định mức sẽ được Cục tập trung xây dựng trong năm gồm: Xây dựng quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn, nội dung, quy trình và định mức kinh tế - kỹ thuật lưu trữ, bảo quản tư liệu, hình ảnh động quốc gia; Xây dựng quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn, nội dung, quy trình và định mức kinh tế - kỹ thuật sản xuất phim truyện điện ảnh, phim tài liệu, khoa học, phim hoạt hình; Xây dựng quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn, nội dung, quy trình và định mức kinh tế - kỹ thuật tổ chức phát hành - phổ biến, chiếu phim tại các địa phương phục vụ nhiệm vụ chính trị.

Cục trưởng Vi Kiến Thành cho biết, trong năm 2021, Cục Điện ảnh sẽ tổ chức nhiều hoạt động chuyên môn quan trọng. “Tích cực đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện Luật Điện ảnh (sửa đổi), dự kiến trình Chính phủ trong tháng 4 và trình Quốc hội vào tháng 10.2021; Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Điện ảnh (sửa đổi); chuẩn bị các công việc tổ chức Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII tại Thừa Thiên Huế vào tháng 10.2021 là những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong năm nay …”, ông Vi Kiến Thành cho biết.

Dự kiến trong tháng 9, Cục sẽ tổ chức cuộc thi kịch bản phim tài liệu với thời lượng 60 phút trở lên, kịch bản phim hoạt hình từ 90 phút trở lên. “Thế giới đã có nhiều phim tài liệu, hoạt hình thời lượng dài, nhưng Việt Nam chỉ chủ yếu sản xuất phim tài liệu 20-30 phút; phim hoạt hình cũng rất hạn hẹp về thời lượng, dẫn đến sự hạn hẹp về đề tài, chiều sâu khai thác và đối tượng hướng đến. Hai nội dung thi sáng tác kịch bản nói trên sẽ góp phần khắc phục những hạn chế đó…”, theo Cục trưởng Vi Kiến Thành.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông lưu ý, bối cảnh hoạt động của ngành đã có nhiều thay đổi, đặc biệt tốc độ phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã tác động mạnh mẽ đến nhiều khía cạnh hoạt động của ngành. Điều này đòi hỏi phải nhanh chóng đổi mới tư duy, giải pháp, chú trọng khai thác thế mạnh công nghệ để tạo sức sống, lan tỏa rộng lớn của điện ảnh đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội. Đơn cử, mô hình và cách thức tổ chức các Tuần phim phục vụ người dân ở các vùng miền cần phải thay đổi, không thể tiếp tục duy trì cách tổ chức của nhiều thập kỷ trước. Bối cảnh rộng mở của mạng Internet, phủ sóng truyền hình rộng rãi cần được khai thác, phối hợp để tạo sức lan tỏa rộng lớn hơn cho các Tuần phim. Lãnh đạo Bộ VHTTDL sẽ luôn tạo điều kiện ủng hộ trong quá trình Cục Điện ảnh hoàn thành nhiệm vụ.

Phim nhà nước và tư nhân sẽ cạnh tranh bình đẳng - Anh 2

 Lễ Bế mạc và trao giải Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXI năm 2019 tại Bà Rịa - Vũng Tàu Ảnh: MINH KHÁNH

Phim Nhà nước đặt hàng hướng đến khán giả

Theo Cục Điện ảnh, kịch bản ba bộ phim truyện Bình minh đỏ, Phượng cháy, Cơn giông đã được cấp kinh phí sản xuất trong năm 2021. “Đặt hàng phim sử dụng ngân sách nhà nước luôn là một nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về điện ảnh. Cục đang nghiên cứu, cân nhắc để tiếp tục triển khai một cách có hiệu quả nhất nhiệm vụ này”, theo ông Vi Kiến Thành.

Theo Luật Điện ảnh năm 2006 và sửa đổi năm 2009, với phim đặt hàng sử dụng ngân sách nhà nước, nhà sản xuất phim được chọn theo Luật Đấu thầu. Ông Vi Kiến Thành cho hay, ban soạn thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) không đưa ra hướng đấu thầu nữa mà theo hình thức đặt hàng. Nhiều nhà làm phim, đơn vị sản xuất phim nhận thấy đấu thầu trong điện ảnh sẽ gặp nhiều vướng mắc, không thực tế, bất cập. Trong sáng tạo mà căn cứ vào giá thành thấp thì không kiểm soát được, đặc biệt về chất lượng nghệ thuật.

Cục trưởng Vi Kiến Thành cũng chia sẻ, mặc dù Luật Điện ảnh cũ không “đóng” với hãng phim tư nhân, tuy nhiên như một luật bất thành văn, nhiều năm nay, hầu hết những dự án phim nhà nước đều được giao cho các hãng phim nhà nước. Tuy nhiên với Luật Điện ảnh (sửa đổi) thì các hãng phim cả nhà nước và tư nhân sẽ bình đẳng. Hiện nay, mỗi năm nhà nước cấp kinh phí tối đa cho 3 phim truyện điện ảnh. “Trong dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) có thay đổi về quan điểm sản xuất phim đặt hàng sử dụng ngân sách nhà nước. Luật Điện ảnh (cũ) chỉ quy định nhà nước đặt hàng phim có đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, thiếu nhi, văn hóa dân tộc, nên sau này cứ triển khai từ khâu thẩm định đến sản xuất xem có phải thuộc 4 đề tài được nêu trong Luật không. Dự luật mới đã bỏ điểm này, mà chỉ là sản xuất phim theo đề tài nhà nước yêu cầu trong từng thời kỳ”, ông Vi Kiến Thành cho biết.

Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm nhiều nội dung mới quan trọng, có tác động và sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của điện ảnh Việt Nam trong những năm tới. Thứ trưởng yêu cầu Cục Điện ảnh tiếp tục lắng nghe những ý kiến đóng góp, rà soát và hoàn thiện dự Luật. Về phim Nhà nước đặt hàng, Thứ trưởng đề nghị Cục Điện ảnh có thể làm đề án đặt hàng sản xuất phim sử dụng ngân sách giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó khẳng định vai trò quan trọng của các phim Nhà nước đặt hàng trong định hướng về chính trị, đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước; tôn vinh những danh nhân, anh hùng trong lịch sử dân tộc… Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng lưu ý, phim đặt hàng cũng cần có nhiều thay đổi, không chỉ hướng đến các hãng phim Nhà nước mà phải bình đẳng với các hãng tư nhân, với chất lượng nghệ thuật và mục tiêu phục vụ khán giả lên hàng đầu.

“Luật Điện ảnh (sửa đổi), mô hình và cách thức tổ chức các Tuần phim, Liên hoan phim Việt Nam, hay các hoạt động đặt hàng sản xuất phim… trong bối cảnh phát triển nhanh chóng, hiện đại như bây giờ đều cần nghiên cứu để có những đổi mới, sáng tạo, phù hợp bối cảnh phát triển trong nước và trên thế giới; đồng thời đáp ứng nhu cầu thưởng thức điện ảnh của nhân dân. Hy vọng năm 2021 sẽ là năm ngành điện ảnh vượt khó ngoạn mục, có những chuyển mình mạnh mẽ, hiện đại và bứt phá nhằm khẳng định uy tín và tầm ảnh hưởng của môn nghệ thuật thứ 7 đối với nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội…”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh. 

BẢO PHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc