Tái hiện toà Tu Di Thích Ca sơ sinh thời Lý

VHO- Sau sản phẩm phỏng dựng kiến trúc chùa Một Cột thời Lý vào cuối năm 2020, dự án Sen Heritage vừa tiếp tục cho ra mắt phỏng dựng Đài đền và Tu Di toà Thích Ca sơ sinh thời Lý.

Tái hiện toà Tu Di Thích Ca sơ sinh thời Lý - Anh 1

 Hình ảnh tượng Tu Di Thích Ca sơ sinh thời Lý trong không gian chùa Phật Tích

Nghiên cứu về hình ảnh tượng Đức Thích Ca sơ sinh tọa trên cột đá chạm búp sen rồng cuốn thời nhà Lý vừa được hoàn thành với giả thuyết tác phẩm này từng đặt tại ao rồng chùa Phật Tích (Bắc Ninh) cách đây hơn 9 thế kỷ. Các phiên bản hiện vật Tu Di tòa Thích Ca sơ sinh được trưng bày trong không gian lễ Phật đản tại chùa Quán Sứ và chùa Phật Tích vào Tuần lễ Phật đản PL.2565. Công trình phỏng dựng Tu Di tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý được công bố với các sản phẩm: Bản chế tác trên đá, bản vẽ 2D concept, bản vẽ 3D trụ đá, bản AR Tu Di đài Thích Ca sơ sinh, bản mockup của Tu Di đài, bản phỏng dựng thực tế ảo 3D- VR3D-VR Thích Ca sơ sinh dựa theo phong cách mỹ thuật thời Lý.

Theo đó, bản phỏng dựng này lấy cảm hứng từ những hiện vật khảo cổ kết nối với công nghệ thực tế ảo 3D- VR3D-VR để đưa ra những phác thảo mô phỏng các di sản văn hóa thời Lý. Thông qua bản phỏng dựng, người xem sử dụng kính công nghệ thực tế ảo có thể nhìn thấy toàn bộ tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý ở chùa Diên Hựu. Phỏng dựng dựa trên việc nghiên cứu các hiện vật khảo cổ như trụ đá Bách Thảo, chân đá chùa Phật Tích, đỉnh hoa sen tại Bảo tàng Bắc Ninh… Trong đó, trụ đá Bách Thảo (Ngọc Hà, Hà Nội) đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Còn trụ đá tại chùa Phật Tích (Bắc Ninh) đã mất, nhưng hiện còn ảnh chụp từ thời Pháp. Tuy nhiên, cả hai hiện vật này đều đã bị mất phần tượng, gãy phần chân và phần ngọn.

Tái hiện toà Tu Di Thích Ca sơ sinh thời Lý - Anh 2

Trước đây, nhiều học giả đã đi tìm các cách lý giải hiện vật và phục dựng nhưng chưa có kết quả. Theo Sen Heritage, đây là hai tòa bệ dùng để đặt tượng Thích Ca sơ sinh vào thời Lý. Trụ đá Bách Thảo phía dưới tạc cửu sơn bát hải, biểu tượng của một tiểu vũ trụ. Phần thân trụ được tạc hình hai con rồng thời Lý cuốn quanh, nhưng phần phía trên đã mất phần đầu và phần tay trước của đôi rồng. Trong khi đó, ảnh chụp trụ đá Phật Tích bị mất phần chân và thân, nhưng lại còn phần đầu rồng và tòa sen phía trên. Kết hợp hai tư liệu này, Sen Heritage đã tiến hành phục dựng lại toàn bộ cấu trúc của tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý với cấu trúc gồm 3 phần: phần chân trụ, gồm một phiến đá 6 cạnh, giật 3 cấp; thân trụ gồm đồ án cửu sơn bát hải, song long hiến châu và tòa sen; phần ở trên cùng là tượng Thích Ca sơ sinh.

Nhóm nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết phỏng dựng gắn với nghi lễ tắm Phật trong lễ Phật đản sinh xuất hiện tại các di chỉ Phật giáo. Theo PGS.TS Trần Trọng Dương, đại diện dự án Sen Heritage, từ quá trình khảo cứu, tiếp cận các “mảnh vỡ” lịch sử, nguồn sử liệu, kinh điển Phật giáo đã đưa ra một số nhận thức mới xung quanh hiện vật phỏng dựng Tu Di tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý, rộng ra là nghi lễ tắm Phật trong văn hóa Phật giáo. Cụ thể, theo PGS Trần Trọng Dương, ở góc độ sử liệu chữ viết cho thấy thời Lý đã có lễ tắm Phật ở các chùa hoàng gia như chùa Diên Hựu. Đây cũng là hoạt động thường xuyên, không chỉ được thực hiện vào ngày Phật đản sinh 8.4 âm lịch mà còn vào mùng 1 và 15 hằng tháng. Trong khi đó, ở góc độ sử liệu hiện vật, Tu Di đài với hình tượng song long là hình tượng đặc trưng của thời Lý cùng với hệ thống trang trí cửu sơn bát hải, biểu tượng cho 9 núi 8 biển trong thế giới quan Phật giáo và hoa sen. Đây là hiện vật song long phún thủy không theo mô-típ Cửu long phún thủy như ở nghệ thuật Đôn Hoàng, cũng không theo mô-típ Thánh mẫu Ma Da sinh hạ Đức Phật trong vườn cây theo nghệ thuật Phật giáo Nam Á…

“Việc phục dựng lại hiện vật tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý sẽ gắn liền với việc phục dựng lại lễ tắm Phật ở tầm quốc gia, trong không gian cụ thể là chùa Diên Hựu, sẽ góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa Đại Việt thời Lý, cũng như văn hóa Phật giáo đến với xã hội ngày nay”, theo PGS Trần Trọng Dương. 

TÙNG AN

Ý kiến bạn đọc