Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Danh lam đệ nhất trời Nam bị “thanh xuân hóa”

Thứ Hai 12/04/2021 | 12:00 GMT+7

VHO-  Chúng tôi tìm về di tích quốc gia chùa Đậu (xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín) sau khi những hình ảnh Tam quan của di tích được cạo màu rêu phong, sơn xanh rực rỡ… xuất hiện và tạo ra phản ứng của dư luận.

Cổng Tam quan vừa được quét sơn mới tinh, đánh bay rêu phong cổ kính

Thế nhưng, khi tận mắt chứng kiến quá trình “thanh xuân hóa” di tích đang diễn ra ở đây mới thấy màu sơn mới ấy chỉ là một phần của sự… choáng váng. Di tích được mệnh danh “danh lam đệ nhất trời Nam” này đã trở nên hoàn toàn lạ lẫm, biến dạng không gian, cảnh quan sau khi được tu bổ và “cấy” thêm những hạng mục công trình mới.

Vi phạm Luật Di sản văn hóa

Được khởi dựng từ thế kỷ XVII, chùa Đậu là một trong bốn ngôi chùa thờ tứ pháp (mây, mưa, sấm, chớp) lớn nhất miền Bắc. Bên cạnh hai pho tượng toàn thân (tượng cốt) của hai vị thiền sư Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường nổi danh trong và ngoài nước, chùa Đậu còn lưu giữ hệ thống di vật cùng các cấu kiện kiến trúc quý là hệ thống bia cổ và các mảng chạm gỗ tinh xảo. Đôi rồng đá ở bậc thềm nhà tiền đường được Bảo tàng Lịch sử quốc gia nhân bản phục chế để trưng bày trong sân vườn Bảo tàng ở Hà Nội.

Chùa được dựng xây với quy mô tổng thể rất lớn, kết cấu theo kiểu “nội công ngoại quốc”. Trong khuôn viên chùa có các công trình kiến trúc thờ tiền Phật, hậu thánh với Tam quan, nhà tả vu - hữu vu, tiền đường, Tam bảo, Nhà tổ... Trải qua thăng trầm của lịch sử, nhiều hạng mục của di tích bị xuống cấp nhưng vẫn bảo tồn, lưu giữ được nhiều lớp văn hóa, kiến trúc nghệ thuật có giá trị. Năm 1964, chùa Đậu đã được xếp hạng di tích quốc gia. Thế nhưng, với những gì đang diễn ra trong quá trình tu bổ tại di tích này đã khiến cho bất kỳ ai từng đến chùa Đậu, từng được chiêm ngưỡng những giá trị của di sản văn hóa quý giá của dân tộc này thực sự ngỡ ngàng pha lẫn ngạc nhiên đến kinh ngạc. Ngôi cổ tự trở nên lạ lẫm với “vóc dáng thanh xuân” và những công trình xây mới. Lối đi quen thuộc vào chùa đã bị bịt kín. Hồ lớn trước cổng Tam quan cũng được san ủi gần hết tạo thành một khoảng sân rộng mù mịt bụi. Tam quan, gác chuông là hình ảnh quen thuộc gợi nhớ đến di tích, điểm nhấn độc đáo của chùa Đậu thì nay đã bị đánh bay những lớp cổ kính rêu phong, những trầm mặc của năm tháng và thay vào đó là “lớp áo mới” sáng choang. Cán bộ Phòng VHTT huyện Thường Tín lý giải, “màu sơn xanh này vài năm nữa cũng sẽ cũ đi, lên rêu trở lại”!

 Công trình xây mới

Nhưng chuyện đáng nói lại không chỉ là màu sơn. Thực trạng di tích hiện giờ không thể còn nhận ra bóng dáng của ngôi cổ tự uy nghiêm, mái ngói nâu trầm phủ mầu thời gian với những đầu đao cong vút. Đang có không ít công trình mới được xây dựng tại di tích. Nhà chùa đã mở một lối đi mới. Thay vì đường vào chùa qua cổng Tam quan như trước đây thì nay mọi người phải xuyên qua khu sinh thái rộng, mới được kết nối với không gian xưa cũ của chùa. Đứng trước cổng Tam quan mới, chếch bên tay trái, cũng là lối đi vào là hồ nước rộng, có công trình “khổng lồ” được dựng kiên cố, theo sơ đồ tham quan chùa Đậu thì vị trí này là Tháp Quan Âm. Cũng theo sơ đồ, kế bên Tháp Quan Âm là Bảo tháp Mạn đà la, Thủy đình di lặc. Ba kiến trúc nổi bật này được kết nối bằng một cây cầu bê tông với hai điểm tiếp giáp tới khu vực được gọi là vườn thiền. Chưa hết, phía bên mạn trái của chùa, ngay sát lối vào nhà Tổ cũng xuất hiện một công trình mới có kết cấu khung thép, rộng hàng trăm mét được lợp ngói ta. Đó là giảng đường thuyết pháp.

Về những công trình vi phạm xây dựng trong khu vực bảo vệ di tích chùa Đậu, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trần Thế Cương vừa ký văn bản số 791/SVHTT-QLDT gửi UBND huyện Thường Tín. Văn bản của Sở cho biết, ngày 19.3.2021, đại diện BQL Di tích danh thắng Hà Nội tham gia cùng Hội đồng đánh giá di tích bao gồm các Phòng chuyên môn thuộc huyện Thường Tín cùng trụ trì chùa Đậu thực hiện việc đánh giá cấu kiện sau hạ giải hạng mục di tích chùa Đậu. Công tác kiểm tra cho thấy, khu sân vườn bên phải đường vào chùa đã làm đường vào di tích và có biển chỉ dẫn khu vực bãi để xe; đường vào phía trước hạng mục Tam quan, gác chuông phía trước Tam bảo đã bị quây tôn bịt kín lối đi cũ, khu vực phía trước chùa. Đặc biệt, vị trí lối đi phía sau bên trái khu vực nhà Tổ có xây dựng thêm một hạng mục cổng quy mô khá lớn. Khu vực phía sau hành lang gần với am thờ bên trái Tam bảo có xây một công trình, kết cấu cột tôn cuốn tròn, vì kèo sắt, mái lợp ngói tây. Việc làm này có dấu hiệu vi phạm quy định của Luật Di sản văn hóa cũng như các quy định hiện hành của pháp luật và thành phố Hà Nội.

 Công trình trong quần thể tháp được xây mới

Sở VHTT Hà Nội đề nghị UBND huyện Thường Tín chỉ đạo các phòng, ban liên quan, UBND xã Nguyễn Trãi khẩn trương rà soát, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về di tích lịch sử văn hóa, báo cáo Sở trước ngày 15.4 để Sở tổng hợp báo cáo UBND thành phố và Bộ VHTTDL theo quy định.

Lại đau vì “sự đã rồi”?

Bài học từ việc tu bổ tùy tiện, làm biến dạng di tích, xâm phạm nghiêm trọng di sản ở nhiều địa phương vẫn còn nguyên giá trị. Với di tích chùa Đậu, khi ngôi cổ tự đang bị bủa vây bởi những công trình mới, không gian, cảnh quan kiến trúc của di tích đang bị phá vỡ thì câu hỏi đặt ra là, sau báo cáo về những sai phạm tại đây, việc xử lý sẽ như thế nào và liệu có tiếp tục là “sự đã rồi”?

Những cấu kiện gỗ sau khi hạ giải không được bảo vệ

Nhớ lại khoảng đầu năm 2013, chùa Đậu từng phải kêu cứu bởi tình trạng xuống cấp và nhiều cơ quan báo chí khi ấy cũng đã vào cuộc phản ánh thực trạng này. Tường bao lở loét nham nhở, nhà tả vu và đặc biệt là gác chuông xiêu vẹo, dột nát đến mức phải cảnh báo người dân không lại gần. Năm 2014, dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Đậu đã được trình lên các đơn vị chức năng thẩm định . Công văn thẩm định thiết kế bản vẽ thi công dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Đậu của Cục Di sản văn hóa gửi Sở VHTTDL Hà Nội (ngày 18.6.2014) nêu rõ, thỏa thuận Thiết kế bản vẽ thi công dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Đậu với nội dung tu bổ các hạng mục: Tam quan, gác chuông, Tả vu, Trụ biểu, Cổng phụ, tường bao phía trước. Cục Di sản văn hóa lưu ý, tu bổ nguyên trạng hai trụ biểu; các bản vẽ trang trí trên cấu kiện gỗ và mái của Tam quan, gác chuông còn sơ sài, cần chỉnh sửa cho chính xác với hiện trạng tại công trình…

Phía trước tiền đường ngổn ngang các cấu kiện gỗ hạ giải cho hạng mục tu bổ nhà hữu mạc

Dù đã được cơ quan chức năng lưu ý việc tu bổ nguyên trạng, thế nhưng hiện nay, với những gì đang diễn ra thì ký ức về một di tích cấp quốc gia cổ kính, thâm trầm chỉ còn là hoài niệm. Việc tu bổ lại một lần nữa “thổi bay” lớp rêu phong hàng trăm năm, “cải lão hoàn đồng” cho tháp chuông và đương nhiên, với lớp sơn xanh bóng nhoáng đang phủ lên di tích thì những hình chạm khắc cũng không có được hồn cốt, vẻ uy nghiêm ngày trước. Lý giải việc đắp phù điêu, chạm khắc là do thợ thủ công làm nên cũng có người thợ khéo, người thợ vụng, chuyên viên Phòng VHTT huyện cho rằng khó đòi hỏi giống y hệt nguyên bản lúc trước. Câu chuyện ở chùa Đậu lại khiến chúng tôi nhớ đến việc PGS Trần Lâm Biền đã nhiều lần nhấn mạnh, tu bổ, tôn tạo dù chỉ là một phần hay toàn bộ di tích đều cần sự nghiên cứu nghiêm túc về khoa học, lịch sử chứ không thể dựa trên sự tùy tiện. Không tu bổ thì xuống cấp, hỏng nát, nhưng tu bổ không đúng thì còn mất hoàn toàn.

Theo ghi nhận, hiện tại, việc tu bổ tại di tích quốc gia chùa Đậu vẫn đang tiếp tục được thực hiện. Biển báo công trình phía dưới Tam quan, gác chuông cho biết hạng mục công trình nhà hữu mạc được khởi công từ ngày 4.3.2021 và dự kiến hoàn thành vào 22.6.2021. Trong sân, từ khu vực Tam quan, gác chuông tới nhà Tiền đường đang ngổn ngang những cấu kiện gỗ cũ được hạ giải, bên cạnh là những cấu kiện gỗ mới đang được đục chạm, mới tinh. Trong quá trình này, chùa vẫn mở cửa đón khách vào lễ bái, thực hiện các nghi lễ tâm linh, tín ngưỡng. Không ít vị khách sau nhiều năm quay trở lại chùa Đậu đã không khỏi ngạc nhiên vì “chùa mới quá, không thể nhận ra!”… 

Không thể cứ mãi để xảy ra “sự đã rồi”...

Di tích chùa Đậu là di sản quốc gia, đặc biệt giá trị. Trải qua nhiều đợt trùng tu nhưng di tích vẫn giữ được những giá trị văn hóa, kiến trúc, lịch sử vô giá. Vì vậy, bất cứ một hành vi tu bổ nào được thực hiện tùy tiện, không đúng nguyên tắc và quy định pháp luật đều không thể chấp nhận và phải xử lý nghiêm khắc. Vì vậy, chính quyền địa phương phải nhanh chóng làm rõ về công tác tu bổ đang diễn ra tại di tích. Nếu có vi phạm thì căn cứ trên mức độ vi phạm để đưa ra hình thức xử lý, khẳng định trách nhiệm thuộc về ai.

Đối với những công trình đang tiến hành xây dựng nếu không có phép thì phải lập tức đình chỉ; công trình vi phạm phá vỡ nghiêm trọng cảnh quan di tích, đặc biệt ở khu vực 1 thì phải tiến hành tháo dỡ. Theo phân cấp quản lý di tích của TP Hà Nội, trách nhiệm quản lý đối với chùa Đậu thuộc về UBND huyện Thường Tín, xã Nguyễn Trãi và Ban Bảo vệ di tích ở cơ sở, trụ trì nhà chùa. Trước đây tại di tích này cũng đã từng xảy ra những sai phạm trong quản lý, tu bổ, được cơ quan chức năng nhắc nhở. Trong trường hợp này, cần khẩn trương kiểm tra các thủ tục pháp lý, hồ sơ liên quan, trên cơ sở đó kiến nghị, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định pháp luật. Không thể cứ mãi để xảy ra “sự đã rồi”…

(Ông TRƯƠNG MINH TIẾN, Ủy viên BCH Hội Di sản văn hóa Việt Nam)

 

 … Đặc biệt, vị trí lối đi phía sau bên trái khu vực nhà Tổ có xây dựng thêm một hạng mục cổng quy mô khá lớn. Khu vực phía sau hành lang gần với am thờ bên trái Tam bảo có xây một công trình, kết cấu cột tôn cuốn tròn, vì kèo sắt, mái lợp ngói tây. Việc làm này có dấu hiệu vi phạm quy định của Luật Di sản văn hóa cũng như các quy định hiện hành của pháp luật và thành phố Hà Nội.

(Văn bản của Sở VHTT Hà Nội)

 NGÂN ANH

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top