Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Học viện Âm nhạc Quốc gia và Học viện Múa Việt Nam “kêu trời": Dừng tuyển sinh trung cấp vì... Luật!

Thứ Hai 27/07/2020 | 10:30 GMT+7

VHO-  “Cứ theo luật mà làm” nên đã dẫn đến những xáo trộn trong hệ thống các trường văn hóa nghệ thuật khiến hàng loạt các cơ sở đào tạo năng khiếu rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, không biết xử lý ra sao khi mùa tuyển sinh đang kề cận.

 Nhiều thí sinh là học sinh hệ trung cấp của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã giành giải cao tại các cuộc thi nghệ thuật âm nhạc quốc tế Ảnh: H.V

Trước nguy cơ không được tiếp tục đào tạo hệ trung cấp, Học viện Múa Việt Nam và Học viện Âm nhạc Quốc gia đang kêu cứu...

Đến đây và xin nghe một lần

Vừa được nâng cấp lên bậc Đại học vào cuối năm 2019 Học viện Múa Việt Nam vừa phải nhận văn bản trong đó đề nghị dừng tuyển sinh năm 2020 đối với hai ngành đào tạo trình độ trung cấp là Nghệ thuật biểu diễn kịch múa và Nghệ thuật biểu diễn múa dân gian, dân tộc.

Trao đổi với Văn Hoá, quyền Giám đốc Học viện ông Trần Văn Hải lo lắng: “Trường CĐ Múa Việt Nam mới chính thức trở thành Học viện Múa Việt Nam từ cuối năm 2019. Hơn 60 năm qua, trường chủ yếu đào tạo trình độ trung cấp, CĐ, nay với quy định mới khiến chúng tôi rất hoang mang. Trên thực tế, gần 100 cán bộ, giảng viên, người lao động của Học viện đang tập trung cho công tác đào tạo mũi nhọn, chủ yếu là bậc trung cấp diễn viên múa với các hệ 3 năm; 4 năm; 5 năm và 6 năm, cung cấp nguồn nhân lực biểu diễn cho các đơn vị nghệ thuật và đáp ứng nhu cầu xã hội”. Học sinh tốt nghiệp hệ trung cấp ra công tác tại các đơn vị nghệ thuật, các nhà hát công lập khi tuổi đời còn rất trẻ (18 tuổi). Bởi vậy, quy trình đào tạo diễn viên múa bắt buộc phải uốn nắn, rèn luyện từ khi cơ thể của người học còn non trẻ để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của nghề nghiệp như độ mềm, độ dẻo, độ mở của khớp xương hông...

Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cũng đang trong tình thế tương tự. Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Học viện cho biết đã có văn bản báo cáo lãnh đạo Bộ VHTTDL về nhu cầu tất yếu phải đào tạo hệ trung cấp tại trường. Ông Lê Anh Tuấn khẳng định: “Hơn 60 năm nay, hệ Trung cấp vẫn tồn tại và là một phần tất yếu của Học viện. Bây giờ có quy định như vậy, chúng tôi như đứng giữa ngã ba, không biết đi đường nào. Nếu Học viện tiếp tục đào tạo trung cấp, CĐ thì là làm chui, nhưng không thể dừng lại vì đặc thù của đào tạo nghệ thuật là phải dạy từ nhỏ với một quá trình vô cùng gian khổ và chấp nhận sự đào thải cao. Hệ Trung cấp tuỳ theo từng loại hình âm nhạc nhưng cũng phải đào tạo từ 6 năm đến 9 năm. Chỉ cần nhìn vào 5 năm trở lại đây, số lượng hàng trăm giải thưởng âm nhạc lớn nhỏ mà học sinh hệ trung cấp của Học viện đạt được ở tầm khu vực và thế giới đã chứng minh việc đào tạo hệ này là hoàn toàn phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế hiện nay”.

Được biết, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cũng đang thực hiện Đề án đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đào tạo học sinh hệ Trung cấp cũng nằm trong đề án này. Việc tổ chức tuyển sinh, đào tạo và phải được sự công nhận của Nhà nước là điều đương nhiên đối với các đối tượng trong đề án đào tạo.

 Phải được tuyển chọn, đào tạo từ nhỏ mới có thể đáp ứng được các tiêu chí, tiêu chuẩn khắt khe của một diễn viên múa Ảnh: T.L

Cần có quy định đào tạo đặc thù

Luật Giáo dục nghề nghiệp cho phép các trường ĐH có thể đào tạo trung cấp, CĐ với điều kiện được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cấp phép. Tuy nhiên, kể từ khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH có hiệu lực, các cơ sở giáo dục ĐH không được đào tạo trình độ trung cấp, CĐ nữa. Với các trường đào tạo lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, “đứt” mất khâu đào tạo hệ trung cấp là cả một vấn đề nghiêm trọng, bởi nghệ thuật có đặc thù phải đào tạo từ bậc sơ cấp, dần tiến lên bậc trung cấp chuyên nghiệp, rồi tiếp tục học tới CĐ, ĐH, sau ĐH. “Giờ phân luồng, không học ĐH thì vào giáo dục nghề nghiệp là đúng, nhưng xếp “ông” trung cấp âm nhạc chuyên nghiệp từ 6-9 năm với một “ông” sửa điện lạnh học có vài tháng vào chung cùng nhóm là giáo dục nghề nghiệp thì rất không ổn. Trong tương lai, chúng tôi mong muốn phải có cơ chế riêng với hệ trung cấp tài năng, năng khiếu đặc thù”, Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia chia sẻ thêm.

Chiều 26.7, trao đổi với Văn Hóa, Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL) Lê Anh Tuấn cho biết, lãnh đạo Bộ đã nắm bắt rất rõ những bất cập trong quy định của Luật đối với đào tạo năng khiếu nghệ thuật. Năm 2017, với đề xuất của Bộ VHTTDL, Chính phủ đã chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành liên quan và thống nhất tiếp tục cho phép các cơ sở đào tạo VHNT được tổ chức tuyển sinh và đào tạo theo truyền thống. Vừa qua, khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học chính thức có hiệu lực, Bộ VHTTDL đã có nhiều cuộc làm việc và trao đổi bằng văn bản với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ,TB&XH), Bộ GD&ĐT để cùng bàn bạc, tháo gỡ những bất cập trong công tác đào tạo năng khiếu nghệ thuật cũng như những vấn đề mang tính đặc thù của lĩnh vực này. Trong thời gian sớm nhất, Bộ VHTTDL sẽ có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho phép các trường đào tạo VHNT được tiếp tục tuyển sinh hệ trung cấp, CĐ và duy trì mô hình đào tạo từ sơ cấp lên đến ĐH, sau đại học như đã và đang thực hiện”. Ông Tuấn cho biết thêm, ngay trong đầu tháng tới, các cơ quan của những Bộ, ngành có liên quan sẽ có buổi làm việc để lắng nghe ý kiến của cơ sở đào tạo và đề ra hướng giải quyết.

Đây không phải lần đầu, lĩnh vực đào tạo năng khiếu văn hóa, nghệ thuật đứng trước tình huống “tiến thoái lưỡng nan” vì xuất hiện độ chênh, độ vênh giữa quy định với hoạt động thực tiễn, đặc thù và cả sự khó hiểu của những người làm luật. Đã tới lúc cần có những quy định cụ thể mang tính đặc thù cho các cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật để có được hành lang pháp lý, nếu không, nguy cơ mất nguồn nhân lực và không bảo tồn được nghệ thuật sẽ tất yếu xảy ra, nhất là nghệ thuật truyền thống dân tộc. 

Giờ phân luồng, không học ĐH thì vào giáo dục nghề nghiệp là đúng, nhưng xếp “ông” trung cấp âm nhạc chuyên nghiệp từ 6-9 năm với một “ông” sửa điện lạnh học có vài tháng vào chung cùng nhóm là giáo dục nghề nghiệp thì rất không ổn. Trong tương lai, chúng tôi mong muốn phải có cơ chế riêng với hệ trung cấp tài năng, năng khiếu đặc thù.

(Ông LÊ ANH TUẤN, Giám đốc học viện Âm nhạc Quốc gia)

THÚY HIỀN

 

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top