Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Về nam thanh niên thăm bạn gái khiến 13 người bị cách ly:  "Nhiều thông tin không chính xác"

Thứ Hai 17/02/2020 | 11:10 GMT+7

VHO- Việc một thanh niên từ xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) tới thăm nhà bạn (huyện Tam Đường, Lai Châu) khiến cả gia đình cô gái này và một số người hàng xóm bị cách ly, đang gây xôn xao dư luận.

  Cần lên án hành vi kỳ thị người bệnh, người dân ở địa phương có người bệnh

Sau nhiều lần gọi điện, trưa qua 16.2 Nguyễn Văn Thuyết, người thanh niên sinh năm 1984, xã Sơn Lôi đến thăm bạn L.T.P ở bản Nà Pát, xã Bình Lư, huyện Tam Đường (Lai Châu) cũng chịu bắt máy và đồng ý trao đổi với phóng viên Văn Hóa về sự việc.

“Những thông tin đó là không chính xác”

Thuyết cho biết mình đang phải chịu rất nhiều áp lực từ những lời đồn thổi trong dư luận, rằng chính anh là người mang nguồn bệnh lây cho nhà bạn gái, trốn rào cách ly, phong tỏa để đến thăm nhà người yêu nhân dịp Valentine… Anh Thuyết khẳng định những thông tin trên là hoàn toàn không chính xác, đang làm ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc sau này của anh. Theo thanh niên này, L.T.H không phải là người yêu mà chỉ thân thiết như em gái và đã mời anh đến dự đám cưới vào ngày 14.2. 8h sáng ngày 13.2, Thuyết cùng một người bạn là L.T.P (chị gái L.T.H) bắt xe khách Ngân Hà đến huyện Tam Đường, và tới nhà L.T.P ở bản Nà Pát khoảng hơn 1h chiều cùng ngày.

Lúc đó gia đình P đang dựng rạp đám cưới và mời anh dùng cơm. Sau quãng đường xa và có uống rượu nên anh được gia đình bố trí đi ngủ, đến chiều tối các cơ quan chức năng của địa phương đến và yêu cầu anh cùng gia đình phải cách ly. Tuy nhiên anh Thuyết đã đề nghị được cách ly tại gia đình ở xã Sơn Lôi. “Đến giờ này tôi vẫn hoàn toàn khỏe mạnh và đang cách ly tự nguyện tại gia đình. Tôi cũng không vượt rào phong tỏa để đi khỏi xã Sơn Lôi vì tôi đi từ sáng ngày 13.2, lúc đó chưa có rào chắn. Tôi cũng nhiều tuổi rồi và hoàn toàn ý thức được hành động của mình”, anh Thuyết chia sẻ.

Cũng theo người thanh niên này, công việc chính của anh là lái xe cho một doanh nghiệp Hàn Quốc và có mở thêm quán hát karaoke. Mặc dù gia đình anh ở trong xã Sơn Lôi nhưng là khu vực di dân, cách trung tâm xã một khu đất trống và vùng trung tâm dịch 3-4 km. Được tuyên truyền về dịch bệnh Covid-19, và trong xã có người bệnh nên khi được giải thích anh đã đóng cửa quán karaoke trước khi đến Lai Châu 4 ngày. “Điều tôi ân hận nhất là đã làm ảnh hưởng đến đám cưới của em P. Tôi muốn gửi lời xin lỗi tới toàn thể người dân bản Nà Pát nói chung và gia đình em P. Hiện nay tôi đang bận công việc, nhưng 1-2 hôm nữa tôi sẽ thực hiện clip để thông báo về sức khỏe của tôi là hoàn toàn bình thường, không phải là nguồn lây bệnh cho ai để mọi người yên tâm”, Thuyết nói.

Cộng đồng ủng hộ người được cách ly chính là tham gia chống dịch tốt

Nhằm quản lý chặt chẽ công tác giám sát, cách ly người bệnh, ngày 15.2, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) có công văn gửi các bệnh viện và Sở Y tế các địa phương về việc chấn chỉnh công tác quản lý người bệnh nghi ngờ và người nhiễm Covid-19 tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Theo đó, các đơn vị nghiêm túc quản lý tất cả các người bệnh thuộc cả 3 nhóm trường hợp người bệnh xác định, người bệnh có thể, người bệnh nghi ngờ; cơ sở y tế cần phải kết hợp với chính quyền địa phương và cơ quan công an trên địa bàn để quản lý chặt chẽ người bệnh. Tuyệt đối không để người bệnh ra khỏi khu vực cách ly y tế khi chưa được phép xuất viện và sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm khi để người bệnh ra khỏi khu vực cách ly y tế.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng từng khẳng định vai trò quan trọng của công tác thực hiện cách ly tại cộng đồng trong phòng chống dịch bệnh, vận động mỗi người dân hiểu rõ tự cách ly là điều tối quan trọng nhằm mục tiêu dập dịch ngay và không tràn lan. “Trong phòng chống dịch bệnh, người dân tự cách ly là nêu cao trách nhiệm với bản thân và xã hội. Vượt qua những bất tiện, những khó khăn trong thời gian được cách ly chính là sự đóng góp quan trọng, là nghĩa cử cao đẹp của người cần được cách ly trong công tác chống dịch. Cộng đồng ủng hộ người được cách ly chính là tham gia chống dịch tốt. Lúc khó khăn, những nghĩa cử cao đẹp, điều tốt càng đáng quý và cần được nhân rộng. Nhiều điều tốt thành thói quen tốt, nhiều thói quen tốt xã hội văn minh lên, đẩy lùi cái xấu”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, do hiểu biết không đầy đủ và quá hoang mang lo sợ về dịch bệnh Covid-19, nhiều người đã có tư tưởng kỳ thị với người cách ly và người đến từ các địa phương có người bệnh, mặc định chung họ là những người đã bị bệnh. Một nhà nghỉ tại Hà Nội đã treo biển không đón tiếp người Vĩnh Phúc, hoặc một số người Vĩnh Phúc khi đến địa phương khác cũng lập tức bị cô lập, phân biệt đối xử. Hiện tượng này cũng xảy ra tại nhiều nước trên thế giới khiến các nhà lãnh đạo các quốc gia có người bệnh đã phải lên tiếng cho rằng, hành vi phân biệt đối xử có thể biến thành bạo lực, và sẽ mang lại sự hoảng loạn, trong khi chúng ta cần phải hỗ trợ nhau và đoàn kết.

Còn theo PGS.TS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, trách nhiệm của người nghi nhiễm bệnh là phải tuân thủ cách ly để tránh lây lan ra cộng đồng. Tuy nhiên, nếu cộng đồng kỳ thị người nghi ngờ, người bệnh, người dân vùng có dịch thì sẽ vô tình cản trở công tác phòng chống dịch, hạn chế công tác tự giác khai báo bệnh. “Kỳ thị người bệnh, kỳ thị vùng miền sẽ làm gia tăng bùng phát dịch mạnh hơn; vì vậy cần chung tay chia sẻ cùng với cộng đồng và đây cũng là trách nhiệm của chúng ta. Điều trị, ngăn chặn và cắt nguồn lây chính là biện pháp đề phòng cho chúng ta. Và cuối cùng là tình người, người bệnh cần sự thương yêu, chia sẻ, đoàn kết của những người xung quanh và cả cộng đồng”, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương bày tỏ. 

Thực hiện nghiêm việc cách ly người nghi nhiễm Covid-19

Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tăng cường kiểm soát đối với đối tượng cách ly bảo đảm theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Để thực hiện nghiêm việc cách ly người nghi nhiễm Covid-19, tránh việc tự ý rời khỏi nơi cách ly trái quy định về phòng, chống dịch, tại văn bản 1145/VPCP-KGVX, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tăng cường kiểm soát đối với đối tượng cách ly bảo đảm theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bộ LĐ,TB&XH chỉ đạo các địa phương kiên quyết rút Giấy phép lao động của công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc diện cách ly mà không thực hiện cách ly hoặc tự ý rời khỏi nơi cách ly. Bộ TT&TT đẩy mạnh việc đưa tin lên án những trường hợp không chấp hành các giải pháp của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, nhất là tự ý rời khỏi nơi cách ly.

P.V

THẢO LAM

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top