Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Nhân viên y tế lại bị hành hung: Lưu ý, phải đứng xa người nhà bệnh nhân... một sải tay!

Thứ Hai 25/11/2019 | 10:22 GMT+7

VHO- Trước sự việc một nhân viên điều dưỡng Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM bị người nhà bệnh nhân hành hung dẫn đến chấn thương nặng vùng hàm mặt, một lần nữa báo động tình trạng bạo hành nhân viên y tế. 

Tập huấn tự vệ cho nhân viên y tế là cần thiết để chống lại nạn bạo hành nhân viên y tế 

Theo báo cáo nhanh của Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, vào tối 16.11 một nhân viên điều dưỡng của bệnh viện đã bị người nhà bệnh nhân đánh khi đang làm việc tại kíp trực khoa Cấp cứu bệnh viện, dẫn đến bị chấn thương vùng hàm mặt phải nhập viện điều trị. 
Cụ thể người hành hung điều dưỡng khi đang làm nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân nói trên chính là cha ruột của bệnh nhân nhi 9 tháng tuổi được chẩn đoán bị bệnh hen suyễn và được điều trị tại phòng lưu bệnh để khí dung. Sau khí dung, bệnh nhân nhi nói trên khỏe hơn và được cho nằm vào giường trống để nghỉ ngơi. 
Tuy nhiên, sau đó có một bệnh nhân nhi khác mới vào trong tình trạng nặng hơn, nên điều dưỡng yêu cầu nhân viên đưa bệnh nhân nhi 9 tháng tuổi này sang khu vực ghế ngồi chờ để nhường giường bệnh cho bệnh nhân nặng hơn. Nhưng một lúc sau người đàn ông là cha của bệnh nhân 9 tháng tuổi này đã bước vào không đồng ý với yêu cầu của nhân viên điều dưỡng và bất ngờ đánh mạnh vào mặt nhân viên này, khiến chị bị choáng váng. 
Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, ngay sau khi sự việc xảy ra, bệnh viện đã mời công an đến giải quyết mới có thể lập lại trật tự tại khoa Cấp cứu. Đồng thời điều dưỡng bị đánh đã được đưa đến Bệnh viện Nhân dân 115 để cấp cứu và chẩn đoán là chấn thương vùng hàm mặt, nghi ảnh hưởng đến xương hàm nên cần theo dõi. Đồng thời, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cũng đã yêu cầu bệnh viện phải có văn bản gửi đến Công an quận 10 và các cơ quan chức năng có liên quan để yêu cầu điều tra khởi tố tội hành hung nhân viên y tế khi đang làm nhiệm vụ. 
Thực tế sự việc nhân viên y tế Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM bị hành hung không phải mới xảy ra mà trước đó đã có nhiều vụ việc xảy ra và tần suất bạo hành nhân viên y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh trên cảnước diễn ra ngày càng nhiều. Có những vụ hết sức nghiêm trọng. Đơn cử như chị Trần Thị Thanh Hải, Phó trưởng Trạm Y tế xã Hương Lâm, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) bị Hoàng Xuân Hải dùng dao chém nhiều nhát vào người, bị đa chấn thương nặng phải đi cấp cứu khi đang làm việc trong ca trực. Hay sự việc bác sĩ Trần Thanh Sơn, đang trong ca trực cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba đã bị người nhà bệnh nhân đánh bất tỉnh, chảy máu vùng mắt phải đi cấp cứu. 

 Nữ điều dưỡng bị hành hung tại bệnh viện Nhi đồng 1 TP (ảnh chụp camera) 

Có thể nói môi trường làm việc của nhân viên y tế được xếp vào nhóm nguy cơ dễ bị bạo hành. Trước tình hình trên, nhiều bệnh viện tại TP.HCM đã triển khai các quy trình khẩn cấp để chủ động ứng phó với các sự cố gây mất an ninh, trật tự trong bệnh viện. Cụ thể Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã triển khai chương trình “Code White” cùng với hệ thống báo động và camera. Còn Bệnh viện Nhân dân Gia Định triển khai chương trình “Code Grey”, đây là quy trình phản ứng khẩn cấp về sự cố an ninh trật tự bệnh viện. 
Theo ThS. BS Dương Công Minh, Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Công đoàn Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, nhiều năm qua vấn nạn bạo hành nhân viên y tế ngày càng leo thang, máu nhân viên y tế đã đổ, thậm chí có trường hợp đã tử vong… Vậy ai là người bảo vệ nhân viên ngành y ,và các biện pháp, chế tài bảo vệ ngành y hiện nay liệu có đủ mạnh, có hiệu quả? Nên trong khi chờ có biện pháp bảo vệ nhân viên y tế hiệu quảthì bản thân từng đơn vị y tế phải nỗ lực bảo vệ cho nhân viên y tế của đơn vị mình. 
Bởi trong giờ làm việc nhân viên y tế không biết “chạy” đi đâu. Họ chỉ có thể đứng tại chỗ giải thích và giải thích cho những đối tượng vốn dĩ không thể tập trung nghe được lời giải thích. Nhưng họ không hề biết hiểm họa vấn nạn bạo hành nhân viên y tế đang chờ bùng phát khi giọt nước tràn ly. Nhưng tiếc là họ không nhận ra để thoát thân khi còn kịp. Họ đứng quá gần những đối tượng nguy cơ, không biết giữ khoảng cách an toàn (phải hơn một sải tay). Họ thậm chí không biết kêu gọi sự hỗ trợ của đồng đội. 
Trước thực trạng trên Sở Y tế TP.HCM cho biết, trong tháng 12 tới Sở sẽ phối hợp với Công an thành phố tổ chức diễn tập phối hợp trong phát hiện, ngăn chặn các sự cố gây mất an ninh, trật tự tại bệnh viện. Sở Y tế cũng đã giới thiệu mô hình “Code grey” tại BV Nhân dân Gia Định, đây là quy trình phản ứng khẩn cấp về sự cố an ninh trật tự bệnh viện. Do đó đề nghị lãnh đạo các bệnh viện tổ chức nghiên cứu, học tập và triển khai thực hiện nhằm chủ động hơn nữa trong phát hiện, ngăn chặn các hành vi gây mất an ninh, trật tự trong bệnh viện và các hành vi hành hung nhân viên y tế. 


 NGUYỄN KHẢI 

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top