Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Tám tháng, ba trẻ trong gia đình ở Hà Nội bị tử vong vì bệnh Whitmore?: Chưa có bằng chứng cho thấy bệnh Whitmore lây từ người sang người

Thứ Tư 20/11/2019 | 11:44 GMT+7

VHO- Vụ việc ba bé trong một gia đình (từ 2 – 6 tuổi) tử vong trong vòng tám tháng, trong đó, hai bé được khẳng định mắc bệnh Whitmore đang gây hoang mang dư luận tại địa phương. Trước tình hình này, các chuyên gia dịch tễ học đã khẳng định, chưa có bằng chứng khoa học chứng minh bệnh Whitmore lây từ người sang người.

Một bệnh nhân mắc Whitmore được điều trị thành công tại Bệnh viện Bạch Mai

Bên lề hội nghị Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân và triển khai các nhiệm vụ y tế trọng tâm cuối năm 2019 (do Bộ Y tế tổ chức ngày 18.11), ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội (CDC) cho biết,  việc hai cháu bé bị bệnh và tử vong vì bệnh Whitmore cách nhau trong thời gian ngắn, cùng một thời điểm, địa điểm là đáng được lưu tâm; nhưng chưa có gì khẳng định hai cháu này lây bệnh cho nhau. “Chúng tôi đã và đang phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, các viện, Cục liên quan để tiến hành điều tra kỹ lưỡng các yếu tố dịch tễ cũng như nghiên cứu và tìm hiểu sâu hơn. Theo kết quả điều tra dịch tễ ban đầu thì chưa có gì đặc biệt, gia đình của hai bé đều khỏe mạnh, bố mẹ đi làm ở công ty ở Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội. Tại trường học và hàng xóm xung quanh cũng không có trường hợp mắc bệnh tương tự. Chúng tôi vẫn đang theo dõi sát tình hình diễn biến của bệnh để có khuyến cáo kịp thời cho người dân" – ông Cảm nói.

Cũng theo Giám đốc CDC Hà Nội, Whitmore là bệnh lưu hành hàng trăm năm nay ở thế giới cũng như Việt Nam, bệnh chưa có bằng chứng cho thấy lây từ người sang người mà do những vi khuẩn tồn tại trong đất và xâm nhập vào cơ thể qua vết thương hở, hoặc tiếp xúc trực tiếp, sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm. Do đó, để phòng tránh, cơ bản nhất là vệ sinh cá nhân, có dụng cụ bảo hộ khi tiếp xúc đât, nước ô nhiễm. “Khi có biểu hiện sốt cần đến khám tại các cơ sở y tế để điều trị kịp thời, hạn chế tử vong. Đặc biệt người dân cũng không nên quá hoang mang vì bệnh không gây thành dịch, số mắc ít. Vi khuẩn gây bệnh Whitmore tồn tại ở nhiều nơi, không khu trú ở một điểm nào và không phải trường hợp nào cũng lây bệnh sang người, người có bệnh lý nền có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường”, ông Nguyễn Nhật Cảm nhấn mạnh.

Trước đó, trong một gia đình tại xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), ba chị em đã tử vong (chị cả bị nhiễm trùng huyết tử vong tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, hai trẻ mắc bệnh Whitmore tử vong tại Bệnh viện Nhi Trung ương) trong vòng tám tháng dù không được kết luận giống nhau nhưng đều có các triệu chứng giống nhau. Các chuyên gia cho biết, bệnh cảnh lâm sàng Whitmore đa dạng nên bệnh nhân thường bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết…  PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ, với một hộ gia đình như vậy, chúng ta xem xét đặc tính những người trong gia đình đó. Chúng tôi lo ngại các cháu có tình trạng suy giảm miễn dịch hay không. Với cháu gần đây nhất, chúng tôi đã kiểm tra các miễn dịch dịch thể, miễn dịch tế bào, kể cả chức năng của bạch cầu thì đều trong giới hạn bình thường, còn với xét nghiệm sâu hơn thì chưa có điều kiện thực hiện. “Vấn đề nữa là thói quen sinh hoạt, cách thức cháu bị xây xước, việc vệ sinh vết xây xước như thế nào. Thực tế vi khuẩn này có xung quanh chúng ta, ở môi trường bùn đất, sẵn sàng tấn công chúng ta. Vì vậy để phòng bệnh, người dân cần biết cách vệ sinh, rửa tay bằng xà phòng, ăn chín uống sôi, tắm nước sạch”, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương nói.

Phòng bệnh mùa Đông – Xuân

Bộ Y tế khuyến cáo, nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống, dịch bệnh dễ dàng bùng phát và lây lan rộng.

Tại hội nghị “Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa Đông-Xuân và triển khai các nhiệm vụ y tế trọng tâm cuối năm 2019” , TS Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, mùa Đông – Xuân là thời điểm thuận lợi cho nhiều dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh, phát triển, đặc biệt là cúm, sởi, ho gà, liên cầu lợn, tiêu chảy cấp, cúm gia cầm, sốt xuất huyết, tay chân miệng, bạch hầu, rubella… Riêng bệnh sốt xuất huyết, tính đến thời điểm này cả nước đã có hơn 250.000 trường hợp mắc, trong đó 49 người tử vong.

Nguyên nhân bệnh truyền nhiễm gia tăng trong mùa Đông-Xuân vì đây là thời điểm mùa lễ hội, thường tập trung đông người, gia tăng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm từ gia cầm; thời tiết ẩm ướt kéo dài; mật độ đi lại gia tăng nên có nguy cơ xâm nhập các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; tỷ lệ tiêm chủng thấp khiến nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại các vùng sâu, vùng xa. “Vì vậy, nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp, dịch bệnh dễ dàng bùng phát và lây lan rộng”, TS Đặng Quang Tấn nhấn mạnh.

Mục tiêu của ngành Y tế là chủ động kiểm soát tốt dịch bệnh, không để bùng phát dịch bệnh trong mùa Đông-Xuân và mùa lễ hội. Nhiều giải pháp được đưa ra giám sát chặt, hiệu quả các dịch bệnh truyền nhiễm, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các bệnh dịch nguy hiểm, ổ dịch tại cộng đồng; tập trung truyền thông phòng chống các bệnh truyền nhiễm; nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, đảm bảo tiêm đủ mũi, đúng lịch với các bệnh, đặc biệt là với bệnh sởi, rubella, ho gà, bạch hầu, đồng thời tổ chức tiêm vét, tiêm bổ sung nhằm đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt ít nhất 95%...

QUỲNH HOA

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top