Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Không để mất điểm vì những cái không đáng

Thứ Tư 20/11/2019 | 11:32 GMT+7

VHO- Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam năm 2019 sẽ diễn ra vào ngày 9.12 tới tại Hà Nội, dự kiến có tới 3 trong tổng số 4 chuyên đề chuyên sâu bàn về việc “Tổ chức lại hoạt động quảng bá du lịch quốc gia để truyền cảm hứng cho du khách tới Việt Nam”; “Cải thiện trải nghiệm du khách trong chuẩn bị hành trình và lập kế hoạch tới Việt Nam”; “Cải thiện trải nghiệm điểm đến cho du khách” nhằm thúc đẩy sự phát triển bứt phá, bền vững, cải thiện năng lực cạnh tranh du lịch quốc gia.

 Nữ du khách Hàn Quốc bị cướp điện thoại ở TP.HCM

 Đây được coi là những tồn tại cần cải thiện ngay để nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam với các điểm đến khác trong khu vực.

Môi trường an toàn cho điểm đến

Số liệu điều tra chi tiêu của khách du lịch năm 2013 (kết quả điều tra gần nhất) do Tổng cục Thống kê báo cáo cho thấy, những ấn tượng tốt của khách quốc tế khi tới Việt Nam gồm những yếu tố chủ yếu như: hấp dẫn vì phong cảnh đẹp (chiếm 68,5%), thái độ thân thiện của người dân (chiếm 43,1%), chất lượng phục vụ trong du lịch (chiếm 38,9%) và giá cả hàng hóa rẻ (chiếm 23,9%). Trong khi đó, ấn tượng không tốt của khách quốc tế là mức độ an toàn khi tham gia giao thông (chiếm 39,1%); bị gian lận khi mua hàng hóa – dịch vụ (31,1%); bị hàng rong chèo kéo mua hàng (30,9%); thói quen xả rác bừa bãi của người dân (27,6%) và sản phẩm dịch vụ du lịch còn nghèo nàn (16,1%). Tức là, những ấn tượng xấu của du khách quốc tế đối với điểm đến Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào ý thức của người tham gia hoạt động du lịch và người dân. Đây là những thứ không cần tiền vẫn có thể thay đổi được, nhưng nếu không thay đổi lại có thể làm ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của điểm đến Việt Nam.

Nếu thực sự coi khách du lịch là chủ thể của hoạt động du lịch, phải tạo lập một môi trường du lịch an toàn cho điểm đến. Trong đó, có môi trường giao thông an toàn; khống chế nạn cướp giật đồ của khách du lịch, nạn hành hung khách du lịch; quản lý đám đông, ùn tắc và an toàn cho khách ở các điểm du lịch đông người; quản lý và kiểm soát chặt chẽ loại hình du lịch mạo hiểm; cải thiện hạ tầng giao thông tại các điểm tham quan thiên nhiên… Cách đây ít ngày, nữ du khách người Hàn Quốc trong khi đi bộ sang đường ở khu vực chợ Bến Thành (TP.HCM) đã bị cướp điện thoại ngay trên tay. Hành động chớp nhoáng của tên cướp khiến vị khách trên vô cùng bất ngờ, không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Đáng nói là tên cướp ăn mặc rất lịch sự, đi xe máy đẹp và cướp giữa ban ngày. Sau khi đoạn clip về sự việc trên đăng trên mạng xã hội, nhiều tài khoản bình luận và lên án gay gắt hành vi của tên cướp và cho rằng việc này đã làm xấu đi hình ảnh du lịch Việt Nam. Một độc giả bình luận: “Rất nhiều vụ việc cướp giật đã xảy ra với du khách quốc tế lẫn người dân tại khu vực trung tâm thành phố. Công an TP.HCM nên hoạt động tích cực, liên tục hơn chứ không phải chỉ hoạt động quyết liệt một thời gian rồi lại lắng xuống và cần có những biện pháp ngăn ngừa, trấn áp hiệu quả để tránh cho du khách quốc tế không liệt TP.HCM vào dạng chuyên bị cướp giật”.

Khởi động lại chiến dịch “Nụ cười Việt Nam”

Tạo lập môi trường thân thiện để tạo ấn tượng tốt cho khách du lịch đến Việt Nam ngay từ khi đến cửa khẩu nhập cảnh, là gợi ý từ cộng đồng doanh nghiệp du lịch. Trong đó, cần thiết nhất là nụ cười thân thiện của người làm du lịch. Rất nhiều khách du lịch phản ánh về việc từ nhân viên hải quan đến người làm du lịch ở Việt Nam quá ít cười, thậm chí “lạnh như băng”. Việc thiếu nụ cười ở điểm đến chắc chắn không thể truyền cảm hứng cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam được. Chiến dịch “Nụ cười Việt Nam” được Bộ VHTTDL đề ra tại Đề án cải thiện môi trường du lịch Việt Nam từ năm 2013 nhưng đến nay chiến dịch này không thu được kết quả như mong muốn. Đồng thời, nhiều ý kiến cho rằng cần thực hiện nghiêm Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch cho cộng đồng địa phương, doanh nghiệp và khách du lịch; khởi động lại Chiến dịch “Nụ cười Việt Nam”.

Cùng với đó, cần có chế tài xử phạt nạn bán hàng rong chèo kéo, ép khách mua hàng, lừa đảo khách, bán hàng quá giá niêm yết… nếu tái phạm vi phạm hành chính nhiều lần hoặc bắt chỗ này chạy chỗ kia thì cần truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, cần quy định công khai giá cả dịch vụ tại các điểm du lịch, yêu cầu niêm yết giá, bán đúng giá niêm yếu, xử phạt hành vi gian lận bán hàng và dịch vụ du lịch. Tổ chức điều tra về mức độ hài lòng của khách tại các điểm đến du lịch, từ đó đưa ra những điều chỉnh cho phù hợp. Phải tạo lập môi trường du lịch sạch để bảo vệ tính bền vững của môi trường thiên nhiên bằng việc quản lý vệ sinh môi trường ở các điểm du lịch (bảng quy định, bố trí đủ thùng rác, nhà vệ sinh công cộng, quét dọn rác thải…); quản lý các tác động tiêu cực của khách đến các điểm tham quan; phát triển du lịch sinh thái bền vững tại các khu vực bảo tồn để tăng giá trị và hỗ trợ cho việc bảo tồn; khuyến khích doanh nghiệp phát triển sản phẩm du lịch xanh; đưa ra bảng xếp hạng “điểm du lịch xanh - sạch - đẹp” để đánh giá các điểm đến.

Để có thể cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh các điểm đến, trở thành một sản phẩm thực sự, cần có chiến lược quản lý. Các ưu tiên để phát triển điểm đến cần có là: Thành lập tổ chức quản lý điểm đến đa thành phần; Xây dựng quy hoạch du lịch điểm đến; Phát triển sản phẩm du lịch; Quảng bá và xúc tiến điểm đến và đào tạo nâng cao năng lực nguồn nhân lực. Với những lợi thế về tài nguyên tự nhiên và tài nguyên văn hoá, cần tạo ra những sản phẩm du lịch sáng tạo chứ không phải chỉ “mài” tài nguyên và di sản ra để kiếm tiền. 

 NGUYỄN ANH

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top