Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Tám tháng, ba trẻ trong gia đình ở Hà Nội bị tử vong vì bệnh Whitmore?:“Sao lại có chuyện khủng khiếp này hả trời”

Thứ Hai 18/11/2019 | 11:01 GMT+7

VHO- Cách đây hai ngày, bé T.Q.H (sinh tháng 4.2018) đã qua đời tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Chỉ trong vòng tám tháng, bé là trẻ thứ ba trong một gia đình tử vong với cùng một biểu hiện giống nhau là nhiễm vi khuẩn gây bệnh Whitmore.

 Bé T.Q.H là con thứ ba của anh T.V.C (32 tuổi) và chị T.T.N.Q (26 tuổi) trú tại xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Theo người nhà anh C, sau khi bé H qua đời tại Bệnh viện Nhi Trung ương, gia đình đã đưa về nhà và lo hậu sự ngay trong ngày 16.11. Sự ra đi của bé mới được 18 tháng tuổi bụ bẫm, còn chưa cai sữa mẹ là nỗi đau đớn tột cùng của anh C và chị Q khi trước đó, bé đầu tiên đã mất trong tháng 4, bé thứ hai mất tháng 10 vừa qua. “Chỉ trong vòng 8 tháng, gia đình em tôi mất liền ba cháu, đều đi bệnh viện mà không trở về, đều có những biểu hiện giống nhau”, người họ hàng chia sẻ.

 Người thân, hàng xóm chia buồn với gia đình anh T.V.C

Ba đứa trẻ đi viện và không trở về

Theo báo cáo ngày 12.11 của Trung tâm Y tế Sóc Sơn, bé gái đầu tiên là T.Q.T (sinh năm 2012, học sinh lớp 1) đã tử vong tại Bệnh viện Xanh Pôn. Trước đó, bé bị sốt ngày 6.4.2019 và gia đình tự mua thuốc điều trị. Đến chiều tối ngày 8.4.2019, gia đình đưa trẻ đến Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn. Tình trạng bé ngày càng nặng lên và 2h sáng ngày 9.4.2019, bé được chuyển đến Khoa Cấp cứu của Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn. Tại đây, bé T.Q.T được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết hoại tử đường ruột. Đến 7h ngày 9.4.2019 bé tử vong.

Bé trai thứ hai là T.C.V (sinh năm 2014) xuất hiện sốt 38,50C, kèm theo đau bụng vào ngày 27.10.2019 và không điều trị gì. Đến 5h sáng ngày 28.10.2019, bệnh nhi được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám và điều trị. Đến 21h ngày 31.10.2019 bé T.C.V tử vong tại Bệnh viện với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn huyết. Bệnh nhi được lấy mẫu máu xét nghiệm ngày 30.10.2019 đến ngày 1.11.2019 có kết quả dương tính với vi khuẩn Burkholderiapseudomallei (gây ra bệnh Whitmore).

Bé trai thứ ba kể trên có biểu hiện sốt 38,50C trong ngày 10.11, đến 9h ngày 11.11, gia đình đưa bé đến Trung tâm Y tế xã Bắc Sơn, sau đó được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn lúc 11h cùng ngày. Nhận thấy tình trạng nguy hiểm của bệnh nhi, các bác sĩ đã tiếp tục chuyển bé đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Theo bác cháu bé, đến ngày thứ tư bé T.Q.H có kết quả xét nghiệm máu dương tính với vi khuẩn Burkholderiapseudomallei. Bác sĩ đã tăng thuốc kháng sinh liều cao, nhưng sau đó thông báo là thuốc không đáp ứng để diệt vi khuẩn và chỉ định lọc máu. “Cháu ra đi khi đang lọc máu, anh trai của cháu cũng trong tình trạng tương tự”, người nhà bệnh nhi chia sẻ.

Cũng theo báo của của Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn, cả ba bé đều khỏe mạnh, không có tiền sử bệnh tật. Gia đình có bảy người, ngoài ba bé còn có ông bà nội và bố mẹ bệnh nhi. Nhưng hiện nay, qua điều tra gia đình và các hộ xung quanh không phát hiện thêm trường hợp có biểu hiện tương tự. “Bệnh lây truyền qua đường tiếp xúc trực tiếp với vết thương hở, số ít có thể lây qua đường hô hấp, tiêu hóa, bệnh có thể lây từ người sang người nhưng rất hiếm. Do vậy, các yếu tố nguy cơ bùng phát lây lan thành dịch tại đây không cao”, báo cáo nêu rõ.

Hiện nay, gia đình anh C và chị Q không chỉ chịu nỗi đau mất ba người con chỉ trong thời gian ngắn, mà còn phải nhận sự nghi kỵ của hàng xóm về một bệnh dịch, trẻ con không được đến gần… Một người nhà của anh C gào thét với chúng tôi: “Tại sao lại có chuyện khủng khiếp này hả trời ơi”.

Whitmore, căn bệnh đang bị “lãng quên”?

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nếu như trước đây 5-10 năm mới có 20 ca mắc Whitmore, thì từ đầu năm 2019 đến nay tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới đã ghi nhận tới 20 ca mắc căn bệnh nguy hiểm này. Trong đó riêng tháng 8 ghi nhận 12 ca whitmore nặng được chuyển đến chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ (bốn ca đã tử vong).

Cũng theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, bệnh cảnh lâm sàng Whitmore đa dạng phức tạp, bệnh nhân được nhập viện từ chuyên khoa khác nhau như hô hấp, cơ-xương-khớp, nội tiết, da liễu, ngoại khoa... Do bệnh cảnh lâm sàng đa dạng nên bệnh nhân thường bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu…

Tuy nhiên, ngay cả khi được khẳng định chẩn đoán bệnh Whitmore, việc điều trị cũng hết sức khó khăn vì phải dùng kháng sinh (thường là nhóm ceftazidime hoặc carbapenem, cotrimoxazole) tấn công liều cao (6-8g Ceftazidim/ngày truyền tĩnh mạch) kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 đến 6 tháng nữa. Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe suy kiệt dần và vẫn có thể tử vong dù đã được chẩn đoán đúng. Việc theo dõi điều trị bệnh kéo dài, lại tốn kém nên không ít bệnh nhân đã bỏ cuộc. Đây cũng là một trong là những nguyên nhân dẫn đến thất bại trong điều trị và tỷ lệ tử vong do Whitmore còn cao, lên tới 40%.

Gần đây các ca bệnh được báo cáo có xu hướng gia tăng, cao điểm của các ca bệnh thường xảy ra vào mùa mưa tập trung từ tháng 7-11. Các bác sĩ khuyến cáo, những người làm việc tiếp xúc nhiều môi trường đất và nước phải có phương tiện bảo hộ lao động, nếu có trầy xước ngoài da cần điều trị sớm và triệt để. Người bệnh tiểu đường, bệnh phổi và bệnh thận mạn tính có nguy cơ dễ mắc bệnh này với các biểu hiện lâm sàng đa dạng: sốt cao, đau cơ, có các ổ nhiễm khuẩn trên da, áp xe cơ, áp xe gan lách, viêm phổi... Bệnh có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời. 

 Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomal­lei gây nên. Vi khuẩn này có trong đất, bùn và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này. Bệnh được phát hiện ở Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước và lưu hành lẻ tẻ tại một số tỉnh phía Nam và bệnh này được xếp vào bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bị… lãng quên.

(PGS.TS ĐỖ DUY CƯỜNG, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới)

 QUỲNH HOA

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top