Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

LHP Việt Nam XXI: Các nghệ sĩ gạo cội mong chờ điều gì?

Thứ Hai 18/11/2019 | 10:49 GMT+7

VHO- Trước thềm LHP Việt Nam lần thứ XXI, các nghệ sĩ điện ảnh gạo cội đã chia sẻ cùng Văn Hóa những tâm sự và mong chờ của họ về một kỳ LHP có thêm những dấu ấn nổi bật, có giá trị thúc đẩy sự phát triển của nền điện ảnh Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

“Sự vinh danh tại LHP đối với các nghệ sĩ điện ảnh rất có giá trị”

Trong bối cảnh khó khăn của điện ảnh Việt Nam hiện nay, đương nhiên các kỳ LHP, đặc biệt là LHP Việt Nam vẫn là những ngày hội lớn đối với người làm nghề. LHP với những giải thưởng vinh danh rất có ý nghĩa khích lệ, động viên nghệ sĩ tiếp tục cống hiến, sáng tác nhiều tác phẩm điện ảnh tốt. Với tư cách là một thành viên Ban giám khảo ở hạng mục Phim tài liệu - khoa học, tôi kỳ vọng LHP Việt Nam lần thứ XXI sẽ có nhiều đổi mới, có giá trị kích thích khát khao sáng tạo, đưa điện ảnh Việt Nam tiếp tục phát triển đúng hướng, thể hiện ngôn ngữ nghệ thuật điện ảnh phát triển, hội nhập cùng quốc tế.

Điện ảnh Việt Nam những năm gần đây đã có nhiều phát triển rõ nét. Lĩnh vực mà tôi có nhiều gắn bó là phim tài liệu - khoa học, loại hình này luôn có tác động tích cực đối với đời sống. Đội ngũ nghệ sĩ làm phim tài liệu - khoa học luôn miệt mài sáng tác và cho ra đời những tác phẩm song hành với sự phát triển của đất nước, nói lên những trăn trở của người dân, những định hướng cho sự phát triển của điện ảnh tài liệu khoa học...

Mặc dù phim Tài liệu - khoa học Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, gần gũi, phản ánh đúng thực tế đời sống nhưng có điều, lâu nay chúng ta quen làm phim theo một lối, trong khi thế giới phát triển khá nhanh về ngôn ngữ điện ảnh. Vấn đề đặt ra là phải làm sao để mỗi tác phẩm tiếp xúc được ngôn ngữ hiện đại, làm ra những bộ phim hấp dẫn, hội nhập quốc tế. Những tác phẩm tài liệu- khoa học điện ảnh của Việt Nam cần chuyển mình mạnh mẽ hơn, hướng đến các liên hoan phim lớn, nhỏ và từ đó, có định hướng phát triển cho phù hợp bối cảnh chung.

(NSND, đạo diễn LÊ HỒNG CHƯƠNG)

“Mỗi LHP tôi đều mong chờ được xem các tác phẩm nổi bật”

Đã không làm phim nhiều năm qua nhưng tôi vẫn luôn có mặt tại các sự kiện điện ảnh, đặc biệt là những LHP Việt. Với tôi, đó là cách để học tập, để theo dõi các nhà làm phim trẻ, và đó cũng là cơ hội cho những người làm nghề. Bởi ở mỗi LHP, chúng ta đều mong chờ sẽ có những nhân tố mới, những tác phẩm nổi bật.

Tôi là đạo diễn miền Bắc đầu tiên “có gan” tự đi vay tiền để làm phim xã hội hóa từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, cũng may mắn là đạo diễn đầu tiên làm “phim thị trường” mà giành giải Bông sen bạc (không có Bông sen vàng) tại LHP Việt Nam lần thứ XI. Với tôi, việc luôn có mặt ở các kỳ LHP, các tuần phim là cần thiết, xem để ngẫm điện ảnh Việt Nam đang ở đâu.

Những người làm phim trẻ bây giờ rất giỏi, thậm chí thế hệ chúng tôi phải học lại từ các nhà làm phim trẻ nhiều lắm, mặc dù tôi đang dạy trong trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh. Kể cả về công nghệ, về cách thức làm. Lực lượng trẻ đang rất tốt, không có gì đáng lo ngại, họ tiếp cận được cái mới và làm theo kiểu mới. Vấn đề là làm sao định hướng cho phim tốt hơn, đừng bị thị trường hóa.

Nếu hỏi tại sao phim Việt Nam chưa hay mà trả lời là không có người tài thì đơn giản quá, và không đúng. Chúng ta không thiếu người tài, mà chúng ta chưa có khán giả hay. Vì sao tôi nói thế? Nếu chúng ta có một lượng khán giả tốt, chính họ sẽ thấy là những phim hài nhảm, phim thảm họa không đáng xem. Trong thị trường điện ảnh phía Nam hiện nay, khán giả xem sân khấu hài nhảm đang sụt đi. Khán giả trẻ đang có quá nhiều lựa chọn, nhiều thứ hay trên internet rồi, nên không xem được thứ hài nhảm đó nữa. Khán giả càng có trình độ, nhu cầu thưởng thức lên cao bao nhiêu thì các nhà làm phim càng phải đáp ứng nhu cầu của họ. Nếu còn khán giả thích hài nhảm thì người ta còn làm.

Nhưng trên thực tế, chúng ta chưa bao giờ chú ý khán giả mà chỉ chú ý làm phim. 70% khán giả xem phim là từ 15-25 tuổi. Mà khán giả tuổi đó thì thị hiếu như thế nào? Phim được giải Oscar, Cannes nhập về để chiếu sẽ không có người xem. Vì giới trẻ quen với việc xem phim là một trò giải trí, là chơi games, họ đến để có cảm giác mạnh, để sợ ma, hành động, xong rồi thôi. Ngày xưa chúng tôi xem phim để nghĩ, để xúc cảm. Giờ không thế nữa. Đó là lỗi của khán giả, hay lỗi của những người làm phim chiều theo thị hiếu khán giả? Vì thế, cần có một chính sách nâng cao trình độ khán giả. Ở các nước, cứ có 10 rạp chiếu phim lại có khoảng 1-2 rạp chiếu phim nghệ thuật, khán giả được đánh giá là cao cấp mới đến xem. Dần dần, những khán giả bình thường cũng đến xem để hiểu hơn, để họ thấy sang trọng lên, rồi sẽ thấy cái nào cần xem, cái nào không.

Bây giờ, tôi thấy có một điều đáng tiếc là những người làm phim trẻ không xem phim của nhau. Người làm phim, kể cả người đã thôi làm phim như tôi, vẫn phải biết quan tâm đến xu hướng xã hội, xu hướng đất nước, đó là cái mà mỗi người làm nghề nên có. Vì thế, mỗi LHP tôi đều đi xem với thái độ rất háo hức, chờ đợi trong lớp làm phim trẻ sẽ có những nhân tố nào mới, những đạo diễn, diễn viên tài năng và tác phẩm nghệ thuật nào nổi bật. Tôi luôn mong chờ những điều đó.

(NSND, đạo diễn NGUYỄN HỮU PHẦN)

“LHP là “việc nhà” mà các nghệ sĩ điện ảnh đều cần góp sức”

Cá nhân tôi vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với các kỳ LHP Việt Nam, hầu như kỳ LHP nào tôi cũng có mặt. Tôi luôn nghĩ là một nghệ sĩ thì phải có trách nhiệm với ngành nghệ thuật mà mình đang đi, và tôi dành rất nhiều thời gian, tâm huyết và tình yêu đối với các sự kiện điện ảnh nước nhà.

Đối với LHP Việt Nam lần thứ XXI và cả những kỳ Liên hoan trước đây, tôi luôn mong muốn rằng tất cả các nghệ sĩ đều phải xắn tay, góp sức. Điện ảnh là ngôi nhà của mình, LHP là “việc nhà” cho nên mỗi anh em nghệ sĩ đều cần chung sức để có một kỳ Liên hoan ấn tượng, tốt đẹp và chất lượng. Với suy nghĩ đó, trong hầu hết các công việc chung của điện ảnh, nếu có điều kiện là tôi “xông pha” đầu tiên, gần đây là sự kiện ra mắt Hội Bảo vệ tác quyền điện ảnh và truyền hình. Tôi hi vọng điện ảnh Việt Nam sẽ có những điều tốt đẹp nhất hướng tới khán giả, và để dành cho thế hệ mai sau.

Mỗi kỳ LHP đều là tấm gương phản chiếu thực trạng của nền điện ảnh nước nhà. Trong bối cảnh hiện nay, có thể thấy rằng điện ảnh Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, nhưng chúng ta cũng nhìn thấy đang có sự chuyển mình mạnh mẽ với sự nhập cuộc đầy nhiệt tình, tâm huyết của đội ngũ các nhà làm phim trẻ. Cá nhân tôi xin gọi họ là “những anh hùng điện ảnh thời đại mới”.

Vì sao? Khi làm phim, đố ai biết lời lỗ thế nào. Thậm chí các nghệ sĩ điện ảnh khi nhập cuộc xác định có thể bán nhà, hi sinh tất cả gia tài dành dụm bấy lâu nay để làm nên những tác phẩm điện ảnh cho họ. Đó là đam mê và tình yêu quá lớn mà họ dành cho điện ảnh. Bối cảnh phát triển của điện ảnh hiện nay đang bị bão hòa, rất nhiều tác phẩm lớn ở nước ngoài đổ vào khiến cuộc cạnh tranh càng trở nên khắc nghiệt. Nếu không có sự tâm huyết của các nhà làm phim, chúng ta không thể có được số lượng phim Việt sản xuất hằng năm ngày càng lớn như vậy, mỗi năm trên dưới 40 phim.

(Nghệ sĩ, diễn viên điện ảnh QUYỀN LINH)

 BẢO ANH (lược ghi); ảnh: ĐỨC ANH

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top