Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Không có chuyện bệnh viêm cơ tim có thể lây truyền thành dịch

Thứ Hai 28/10/2019 | 12:39 GMT+7

VHO- Những ngày qua, người dân đang truyền tai nhau, chia sẻ câu chuyện về một loại virus lạ lây lan và chết người hàng loạt có tên “virus viêm cơ tim”. Những người bị nhiễm virus này có chung biểu hiện sốt cao, sốt rét, mê man và qua đời sau 1-2 ngày cấp cứu trong bệnh viện.

Chủ tài khoản facebook có tên B.L. chia sẻ trên trang cá nhân về cái chết của hai bệnh nhân trẻ, trước đó vẫn khỏe mạnh nhưng đột ngột ra đi chỉ cách nhau 2 ngày với  triệu chứng giống nhau: sốt rét, sốt cao, không thể cứu chữa do mắc virus lạ. Virus này tấn công gây ra bệnh viêm cơ tim và có thể lây truyền qua đường hô hấp. Tài khoản này cũng kêu gọi mọi người chia sẻ để cảnh báo đề phòng bệnh.

Trước những thông tin gây hoang mang dư luận, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà nội cho biết, bệnh viêm cơ tim là tình trạng viêm của cơ tim. Theo thống kê, trên toàn thế giới, bệnh viêm cơ tim gây ra cái chết cho 294.000 người từ năm 1990 tăng lên đến 354.000 người năm 2015.

Chia sẻ gây hoang mang dư luận trên facebook cá nhân

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng gặp nhiều hơn ở người trẻ tuổi (20 - 40), gặp ở nam nhiều hơn nữ, biểu hiện phong phú có thể từ nhẹ đến nặng. Viêm cơ tim sẽ ảnh hưởng đến cơ tim và các hoạt động điện của tim, làm giảm khả năng bơm máu của tim và là nguyên nhân gây ra nhịp tim nhanh hoặc rối loạn nhịp tim. Các cục máu đông có thể hình thành trong tim, dẫn đến đột quỵ hoặc đột tử.

Bệnh viêm cơ tim ở giai đoạn đầu không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, chẳng hạn như đau ngực trái nhẹ hoặc khó thở khi gắng sức. Trường hợp bệnh nhân bị viêm cơ tim nặng, các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp bao gồm: đau ngực, nhịp tim nhanh hoặc rối loạn nhịp tim, khó thở, lúc nghỉ ngơi hoặc khi vận động, phù chân, mắt cá chân và bàn chân, mệt mỏi…

Cũng theo Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, để chẩn đoán bệnh, ngoài các dấu hiệu lâm sàng, các bác sĩ sẽ phải làm thêm các xét nghiệm, chụp MRI, sinh thiết cơ tim, siêu âm tim… Nguyên nhân gây viêm cơ tim thường khó xác định được, có thể do virus như virus gây cảm cúm thông thường (adenovirus); viêm gan B và C; parvovirus (gây phát ban nhẹ, thường ở trẻ em) và virus herpes. Nhiễm trùng đường tiêu hóa (do echoviruses), tăng bạch cầu đơn nhân (do virus Epstein-Barr) và Rubella cũng có thể gây viêm cơ tim. Đặc biệt, thường gặp ở những người nhiễm HIV khi hệ miễn dịch bị suy sụp.  Ngoài ra còn có nguyên nhân do vi khuẩn bao gồm tụ cầu (staphylococcus), liên cầu (streptococcus), trực khuẩn gây bệnh bạch hầu; do ký sinh trùng, nấm, thậm chí do phản ứng với thuốc, hóa chất hoặc chất phóng xạ…

Bệnh viêm cơ tim nếu không được điều trị có thể dẫn đến suy tim, nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Hiện nay không có phương pháp phòng ngừa đặc hiệu cho viêm cơ tim. Khi mắc bệnh, bệnh nhân sẽ được điều trị theo nguyên nhân: nhiễm virus là biện pháp điều trị chủ yếu cho hầu hết các dạng viêm cơ tim. Trong giai đoạn cấp tính, liệu pháp hỗ trợ là chính, bao gồm cả nghỉ ngơi tại giường. Một số bệnh nhân được điều trị bằng thuốc hoặc thủ thuật…

Liên quan đến vấn đề này, PGS. TS Phạm Mạnh Hùng – Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai), Phó Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam cho hay, chuyện có virus lạ mang tên là virus viêm cơ tim có thể lây lan và gây chết người hàng loạt là không có cơ sở. Trung tâm Tim mạch quốc gia, chưa phát hiện bất cứ bất thường nào về mặt dịch tễ. Do đó, người dân không nên lo lắng. “Cho tới giờ chưa có nghiên cứu nào hay công bố nào cho thấy có virus đặc hiệu gây ra viêm cơ tim. Ngoài ra, viêm cơ tim cũng mang tính chất cá thể không lây lan và cũng không phát triển thành dịch bao giờ. Do vậy, một vài trường hợp nhỏ lẻ không có ý nghĩa hay giá trị nào về mặt dịch tễ. Người dân không nên đồn thổi, gây hoang mang dư luận”, ông Hùng nhấn mạnh.

Các chuyên gia khuyến cáo, để phòng bệnh người dân cần thực hiện tốt việc rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; tránh những hành vi nguy cơ cao để giảm khả năng bị nhiễm trùng cơ tim liên quan đến HIV, tình dục an toàn và không sử dụng ma túy bất hợp pháp; giảm thiểu tiếp xúc với côn trùng; tiêm vắc-xin phòng bệnh thông thường (đặc biệt là những loại vắc-xin phòng bệnh rubella và cúm - những bệnh có thể gây viêm cơ tim); hạn chế tiếp tiếp xúc với người mắc bệnh giống như virus hoặc cúm cho đến khi họ bình phục, đặc biệt những người suy giảm miễn dịch, có bệnh lý mạn tính. Bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế nếu có triệu chứng đau ngực và khó thở khi đang có biểu hiện nhiễm trùng hoặc nhiễm virus.

QUỲNH HOA

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top