Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Chỉ số ưu tiên cho du lịch: Việt Nam đang bị "lép vế"

Thứ Tư 11/09/2019 | 10:50 GMT+7

VHO- Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh ngành Lữ hành và Du lịch (The Travel & Tourism Competitiveness Report) - TTCI 2019 do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố cho biết: Việt Nam xếp thứ 63/140, tăng 4 bậc so với năm 2017 (67/136).

Chính sách visa thông thoáng hơn đã giúp Việt Nam tăng 4 bậc, nhưng theo báo cáo, Việt Nam vẫn chưa thực sự ưu tiên cho du lịch. Trong ảnh: Du khách quốc tế tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội Ảnh: TẠ DŨNG

Năm nay có 140 quốc gia và vùng lãnh thổ được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp hạng. Định kỳ 2 năm 1 lần, WEF xếp hạng TTCI dựa trên 14 yếu tố chính. Tất cả được đánh giá trên thang điểm từ 1 đến 7.

Chỉ số “Yêu cầu về thị thực nhập cảnh” tăng 63 bậc

Năm nay, Việt Nam là nước có bước tiến nhanh nhất trong khối các nước ASEAN. Tuy nhiên, nếu xếp về vị thứ, Việt Nam vẫn thấp hơn các nước như Singapore (vị trí thứ 17, giảm 4 bậc), Malaysia (vị trí thứ 29, giảm 3 bậc), Thái Lan (vị trí thứ 31, tăng 3 bậc), Indonesia (vị trí thứ 40, tăng 2 bậc). Ở vị trí thứ 5 trong khu vực ASEAN, Việt Nam hiện xếp cao hơn các nước: Brunei (vị thứ 72), Philippines (vị thứ 75, tăng 4 bậc), Lào (vị thứ 97, giảm 3 bậc) và Campuchia (vị thứ 98, tăng 3 bậc). Với 3.9 điểm, ở lần xếp hạng này, Việt Nam vẫn giữ vị trí ở nửa trên, lấy mức trung bình là 70/140. Việt Nam có cùng điểm số với Seychelless (vị trí 62), Bahrain (64), Ai Cập (65), Morocco (66), Montenegro (67), Georgia (68), Ả rập Saudi (69), Ecuador (70).

Sự tăng bậc so với bảng xếp hạng TTCI năm 2017 chủ yếu nhờ cải thiện của độ mở quốc tế (tăng 15 bậc, từ 73/136 lên 58/140). Trong đó, tăng mạnh nhất là chỉ số yêu cầu về thị thực nhập cảnh (tăng 63 bậc, từ 116/136 lên 53/140), tương đương với Brunei (vị thứ 53) và kém hơn các nước ASEAN khác như Singapore (50), Philippines (47), Thái Lan (29), Lào (26), Malaysia (18) và Campuchia.

Điều này cho thấy, Chính phủ và các Bộ, ngành của Việt Nam đang đánh giá đúng những lợi ích mà ngành Du lịch mang lại cho quốc gia và không ngừng cải thiện chính sách visa thông thoáng hơn. Nếu tiếp tục nâng cao được chỉ số “Yêu cầu về thị thực nhập cảnh” thì năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam có thể sẽ sớm đuổi kịp các nước trong khu vực; góp phần thu hút được khách ở những thị trường xa, khách đi nhiều nước, ở dài ngày và có chi tiêu cao như châu Âu, Bắc Mỹ; tăng cường khả năng hội nhập kinh tế quốc tế.

 Chính sách thị thực cởi mở góp phần nâng hạng chỉ số cạnh tranh của Việt Nam

Chưa thực sự “ưu tiên cho du lịch”

Các chỉ số khác có tăng trưởng là: Khả năng cạnh tranh về giá cả (tăng 13 bậc, từ 35/136 lên 22/140); Hạ tầng vận tải hàng không (tăng 11 bậc, từ 61/136 lên 50/140); Hạ tầng dịch vụ du lịch (tăng 7 bậc, từ 113/136 lên 106/140)... Tuy nhiên, một số chỉ số rất quan trọng lại giảm như xếp hạng về nhân lực và thị trường lao động giảm từ hạng 37/13 giảm xuống 47/140, ứng dụng CNTT trong du lịch giảm từ hạng 80/136 xuống 83/140.

Mặc dù du lịch đã được Việt Nam xác định là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng qua vị trí thứ 100 ở bảng xếp hạng về chỉ số “mức độ ưu tiên cho du lịch” cho thấy, du lịch vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Ở bảng chỉ số này, Việt Nam đang bị “lép vế” hầu hết các nước trong khu vực, Singapore (vị trí thứ 6), Indonesia (10), Thái Lan (27), Campuchia (44), Philippines (56), Malaysia (62), Lào (64); chỉ hơn được Brunei (vị trí 127). Ở chỉ số khả năng cạnh tranh về giá cả, Việt Nam cũng phải cạnh tranh rất khốc liệt với các nước trong khu vực ASEAN. Trong bảng này, Brunei đứng thứ 2, Malaysia đứng thứ 5, Indonesia đứng thứ 6, Lào đứng thứ 20; Philippines và Thái Lan cũng bám đuổi Việt Nam ở vị trí 24 và 25.

Dù các chỉ số trong bảng xếp hạng TTCI năm nay có tăng hoặc giảm nhưng về tổng thể, những nỗ lực trong quản lý nhà nước, chính sách để phát triển du lịch, hoạt động du lịch ở Việt Nam 2 năm qua cũng đã góp phần nâng hạng về năng lực cạnh tranh lữ hành và du lịch của Việt Nam. Những chỉ số trong Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh về lữ hành và du lịch 2019 có thể không hoàn toàn chính xác, chủ yếu mang tính tham khảo nhưng lại có tính tổng quan, được đánh giá khách quan và qua đó, ngành Du lịch Việt Nam cũng xác định được vị trí của mình so với thế giới và khu vực.

Ngành Du lịch có thể nhìn lại trong 2 năm qua so với những năm trước đã làm được những gì, có những thay đổi gì, có phù hợp với xu thế của thế giới không, kinh nghiệm của các nước thế nào, có những giải pháp và điều chỉnh gì để phát triển trong thời gian tới… Từ đó, xây dựng các chính sách, cơ chế, giải pháp, chiến lược phát triển du lịch cho phù hợp và hiệu quả.

 THÚY HÀ

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top