Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Giải pháp khắc phục sự xuống cấp đạo đức xã hội: Cần sự vào cuộc của toàn xã hội

Thứ Ba 30/10/2018 | 13:04 GMT+7

VHO- Trả lời câu hỏi của đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) về trách nhiệm của Bộ trong việc đề ra giải pháp nhằm hạn chế sự xuống cấp đạo đức, lối sống, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội sáng 30.10, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện nói: “Đây là một câu hỏi rất quan trọng, rất khó và có thể nói là để thực hiện được thì cần phải có thời gian lâu dài”.

“Nguyên nhân thì có nhiều nhưng ở đây tôi xin đi thẳng vào giải pháp. Với trách nhiệm quản lý nhà nước, Bộ VHTTDL đã tham mưu và Trung ương đã ban hành Nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, vào năm 2014. Sau khi có nghị quyết, chúng tôi đã triển khai tổ chức thực hiện. Trong 2 năm qua, Bộ cũng đã ban hành nhiều nghị định liên quan đến việc chấn chỉnh quản lý lễ hội; xét danh hiệu gia đình văn hóa, làng văn hóa, ấp văn hóa và tổ chức hội nghị toàn quốc để tổng kết phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, sau 18 năm”, Bộ trưởng Thiện nói.

Cũng theo người đứng đầu ngành VHTTDL, một giải pháp nữa là đẩy mạnh xây dựng đạo đức, lối sống thông qua việc xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, các sinh hoạt văn nghệ, hoạt động cộng đồng… Giải pháp tiếp theo là phát huy thế mạnh của văn học nghệ thuật, vai trò của văn nghệ sĩ đối với việc xây dựng đạo đức, văn hóa, lối sống, đề cao vai trò giáo dục đạo đức dân tộc, hướng con người đến chân - thiện - mỹ.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 30.10. Ảnh: Quốc Khánh - Trần Huấn

Đồng thời, làm sao để ngày càng có thêm nhiều phim, tác phẩm có tác dụng nghệ thuật cao, góp phần bồi bổ nhân cách, phát huy tài năng, tâm huyết của đội ngũ văn nghệ sĩ, giáo dục đạo đức, lối sống, xây dựng môi trường thân thiện, đưa di sản văn hóa vào trường học…

Nhận định rằng sự suy thoái của đạo đức, lối sống xuất phát từ cái gốc là kinh tế và những tác động của nó, Bộ trưởng Thiện cho rằng nếu giải quyết vấn đề này mà bỏ kinh tế sang một bên thì không xử lý được.

“Chỗ này có thể nói là rất khó, dù cấp bách và nhiều trăn trở nhưng nếu để một mình ngành văn hóa và một số ngành khác xoay sở thế này, kinh phí ít thì không thể thực hiện ngay được. Bác Hồ từng nói “Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, việc xây dựng con người mới, khắc phục những biểu hiện xuống cấp về đạo đức, lối sống, vì thế dù chúng tôi đang quyết liệt, mạnh mẽ để thực hiện nhưng lại cần sự vào cuộc của toàn xã hội”, Bộ trưởng bày tỏ.

 Trách nhiệm của tất cả chúng ta

“Trong thời gian gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, người dân biết được rất nhiều thông tin, nhất là các thông tin liên quan đến mặt trái của xã hội, trong đó có nhiều hiện tượng, vụ việc tiêu cực. Điều đó đã được người dân, đại biểu phản ánh trong những phát biểu lo ngại về đạo đức xã hội.

Thế nhưng, thứ nhất, nếu nói rằng đạo đức xã hội gần đây xuống cấp hơn trước thì chúng ta phải có cái nhìn tổng thể hơn, trên nhiều khía cạnh, chỉ số, trong đó cũng phải đánh giá những hiện tượng tiêu cực trong mối quan hệ với sự biến đổi, phát triển nhiều mặt của đời sống xã hội, chứ đừng chỉ tách riêng hiện tượng tiêu cực để khẳng định ngay là xuống cấp nghiêm trọng, e rằng sẽ không khách quan. Thứ hai, khi qui trách nhiệm vấn đề này thuộc về ai, theo tôi, không là trách nhiệm của ai cả mà là trách nhiệm của tất cả chúng ta, bao gồm các cơ quan chức năng của Nhà nước, trách nhiệm của gia đình, trách nhiệm của nhà trường, trách nhiệm của xã hội.

Tôi cũng nghe ý kiến chất vấn của đại biểu và nghe phần trả lời của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện, tôi thấy có một yếu tố quan trọng liên quan đến triết lý của chúng ta trong đào tạo và phát triển con người. Dù luôn đặt ra mục tiêu là đào tạo con người toàn diện nhưng trên thực tế việc giáo dục của chúng ta vẫn đang coi trọng giáo dục về chuyên môn, kiến thức chứ chưa chú trọng đến việc giáo dục, như các cụ vẫn nói là “tiên học lễ, hậu học văn”. Vì thế chúng ta cần phải chú trọng hơn nữa đến việc giáo dục đạo đức, lối sống, ứng xử, kể cả về tinh thần, thể chất trước khi nghĩ tới việc cung cấp cho các em tri thức, kiến thức.

Bộ VHTTDL có vai trò của Bộ nhưng tất cả các Bộ, ngành khác cũng phải có trách nhiệm và tất cả chúng ta cũng vậy. Đây là một vấn đề rất lớn, liên quan đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội vì thế cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội.” (Đại biểu Nguyễn Văn Hiển, Lâm Đồng)

 

 Hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng

Tôi cho rằng trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã phải trả lời về những vấn đề rất khó. Nhưng tôi hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng. Do nhận thấy đây không phải là vấn đề của riêng Bộ VHTTDL nên tôi đã đặt vấn đề này với Chính phủ tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội trước đó. Nhưng đây cũng không phải là việc của riêng Chính phủ mà là việc của cả hệ thống chính trị, thể hiện ở sự quan tâm của Đảng đối với việc ban hành Nghị quyết 33. Chính phủ cũng đã có sự phân công rõ ràng trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện cùng với việc tạo ra những cơ chế, nguồn lực, điều kiện cần thiết để có thể thực hiện được nhiệm vụ này. (Đại biểu Phạm Tất Thắng, Vĩnh Long)

Tranh luận lại, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) nói: Bộ trưởng cho rằng, muốn phát triển văn hóa và thay đổi đạo đức xã hội cần kinh tế. “Phú quý sinh lễ nghĩa” nhưng tiền không thể mua được văn hóa, không thể mua được đạo đức xã hội. Trước đây chúng ta còn nghèo, chúng ta rất khó khăn nhưng đạo đức xã hội được duy trì và văn hóa rất tốt. 

Bây giờ chúng ta thoát nghèo, nhưng nền tảng đạo đức xã hội đang xuống cấp một cách trầm trọng. Vậy đâu là nguyên do? Nguyên do đầu tiên, muốn có đạo đức, nhân cách thì hình thành từ gia đình. Bố mẹ là tấm gương cho các con.

Thứ hai, đào tạo thầy cô chính là tấm gương cho học trò. Tiên học lễ, hậu học văn, chúng ta học quá nhiều văn mà không quan tâm đến lễ, chúng ta học quá nhiều chữ, trước khi dạy các em, các cháu thành người. Đây chính là lý do sự xuống cấp đạo đức xã hội.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Thiện cho biết trước hết phải khẳng định rằng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Từ trước tới nay hễ cứ nói đến vấn đề đạo đức xã hội thì lại giao cho ngành văn hóa và các ngành xã hội. Quan điểm của chúng ta là như thế trong khi cái gốc của vấn đề là từ kinh tế và những tác động của nó nên chúng ta phải xử lý ở tất cả các lĩnh vực chứ không phải chỉ là trong lĩnh vực văn hóa và xã hội.

“Còn nếu cứ để ngành văn hóa và một vài ngành khác xoay sở thì không giải quyết được vấn đề. Ngay trong việc phân bổ ngân sách, kể cả các địa phương, có thể nói là dành cho ngành văn hóa rất ít. Tôi lấy 1 ví dụ, trong 3 năm vừa rồi ngân sách cấp cho bảo tồn văn hóa phi vật thể chỉ được 7,3 tỉ đồng. Vì thế nếu không có giải pháp đồng bộ thì rồi đến nhiệm kỳ sau ai đó làm Bộ trưởng Bộ VHTTDL, lại sẽ tiếp tục bị chất vấn về đạo đức xã hội. Vì vấn đề này là rất khó, lâu dài và không thể giải quyết được trong một sớm, một chiều được”, Bộ trưởng Thiện chia sẻ.

 Phải có sự kết hợp giữa kinh tế và văn hóa

“Thực ra vấn đề về đạo đức, văn hóa thì không thể chỉ mình Bộ trưởng Bộ VHTTDL và ngành VHTTDL có thể giải quyết được. Theo như Bộ trưởng Thiện trả lời là phải cần có sự kết hợp giữa kinh tế và văn hóa. Đây là 2 nội dung làm cho nền tảng đạo đức xã hội có thể thay đổi. Đồng thời đòi hỏi sự vào cuộc rất tích cực của cả hệ thống chính trị, của các Bộ, ngành, từ giáo dục đào tạo đến các lĩnh vực khác cũng phải tham gia”. (Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Quảng Bình)

THU SÂM

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top