Truyền thông chung tay phòng, chống tự tử
VHO- Tự tử ở trẻ em là hành vi có thể phòng ngừa. Để hạn chế những trường hợp trẻ tự tử đòi hỏi cần có sự quan tâm chăm sóc và kết nối của cha mẹ, thầy cô giáo, người giám sát trẻ cũng như cộng đồng xã hội, vai trò quan trọng của truyền thông.
Dấu hiệu có nguy cơ khiến trẻ có thể tự tử Ảnh minh họa
Chỉ trong vòng nửa tháng, từ cuối tháng 3 đến nay, 5 học sinh đã thực hiện hành vi tự tử và được thông tin rộng rãi, như vậy trung bình cứ 3 ngày lại có 1 trẻ cố ý tự tử.
98% là do rối loạn tâm thần
Các nghiên cứu cho thấy, trên 98% người muốn tự tử bị rối loạn tâm thần. Tuy nhiên, không phải ai bị rối loạn tâm thần cũng tự tử, mà thường trải qua giai đoạn hình thành ý định tự tử, sau đó mới chuyển sang giai đoạn thực hiện tự tử. Theo TS Hoàng Trung Học, Trưởng Khoa Tâm lý - Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục), nhiều trẻ tự tử khi được kích hoạt bởi tác động từ bên ngoài. Tác động từ bên ngoài có thể là câu nói mắng mỏ của bố mẹ, kích động của bạn bè, hoặc chỉ là bắt chước, thử… hay những thông tin lan truyền từ truyền thông.
PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, một trường hợp tự sát ảnh hưởng ít nhất đến 6 người khác. Chúng ta phải kết hợp đa ngành, đa nghề, đa chuyên khoa để chia sẻ, hỗ trợ cho bệnh nhân. “Đây là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó việc quản lý thông tin mạng cũng cần được lưu ý. Trước đây, tại một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản… có làn sóng bắt chước hành vi tự sát. Đặc biệt, người tự sát là nghệ sĩ thì sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến nhiều người. Tức là người bệnh trầm cảm đọc tin tức về người tự sát sẽ có hành vi tương tự”, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần nói. Đến nay, Việt Nam chưa có các trung tâm phòng, chống tự tử, nhưng có thể tìm kiếm sự trợ giúp tại các bệnh viện, cơ sở y tế từ Trung ương đến địa phương và một số tổ chức xã hội nhằm ngăn chặn hành vi tự tử. Đặc biệt, truyền thông có vai trò quan trọng, không chỉ là tuyên truyền trên các phương tiện thông tin báo chí mà các nhà báo, các bloggers, người dùng mạng xã hội cũng có thể chung tay vào việc phòng, chống tự tử ở Việt Nam.
Trở lại câu chuyện tự tử của học sinh lớp 10 tại Hà Nội, thay vì đưa ra những tư vấn, hướng dẫn thì cộng đồng mạng lại lan truyền clip cậu học sinh này nhảy từ lan can, cùng những bình luận, chỉ trích phụ huynh. ThS Phạm Thị Thu Hường, giảng viên ĐH Y học Hà Nội, trợ lý nghiên cứu tại Trung tâm Phòng, chống tự tử ở Đài Loan, Trung Quốc cho rằng, ứng xử của truyền thông như các blogger, nhà báo, người sử dụng mạng xã hội hoàn toàn có thể giúp giảm nguy cơ lan truyền tự tử bằng các bài đăng cung cấp liên kết tới các dịch vụ điều trị, những dấu hiệu cảnh báo và nguồn lực trợ giúp về tự tử.
“Đó là đăng tải những câu chuyện về hy vọng và phục hồi, thông tin về cách vượt qua những ý tưởng tự tử và tăng kỹ năng ứng phó với căng thẳng. Lan toả thông điệp để các nhà báo, người dùng mạng xã hội tuân theo các khuyến nghị về an toàn của mạng xã hội, các trang web nên giới hạn tính năng về việc lan truyền video, ảnh về các ca tự tử. Các trang mạng xã hội thường trở thành nơi tưởng niệm những người đã khuất và cần được theo dõi đối với những bình luận gây tổn thương và lưu ý những thông báo cho rằng những người khác đang có nguy cơ tự tử. Quản trị viên các nhóm mạng xã hội, website cần đưa ra các nguyên tắc, chính sách và quy định để có thể hỗ trợ việc xóa các bài đăng không phù hợp nhạy cảm. Trước khi đăng bài hãy kiểm tra thông tin ở trên xem bài viết có phù hợp không và hãy thông báo về tự sát như một vấn đề sức khỏe cộng đồng để nâng cao ý thức và giảm kỳ thị về tự tử”, ThS Phạm Thị Thu Hương nhấn mạnh.
Hướng dẫn của WHO nên và không nên khi đăng tải thông tin liên quan đến tự tử
Nguyên tắc nên và không nên
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra những quy tắc nên và không nên khi báo cáo về các ca tự tử đã được áp dụng nhiều nước trên thế giới và có ý nghĩa tích cực trong việc làm giảm tác động của việc tự tử.
Theo đó, việc nên làm là phối hợp chặt chẽ với các cơ quan y tế trong việc thông báo sự thật; Đề cập đến ca tự sát là hoàn thành tự sát chứ không phải tự sát thành công; Đưa thông tin liên quan về tự sát ở các trang bên trong; Làm nổi bật các lựa chọn thay thế cho tự sát; Cung cấp thông tin về đường dây trợ giúp và các nguồn lực cộng đồng; Công bố các yếu tố nguy cơ và các dấu hiệu cảnh báo tự sát. Không nên công bố ảnh hoặc thư tuyệt mệnh; Báo cáo chi tiết cụ thể phương pháp tự sát được sử dụng; Không đưa ra những lý do đơn giản; Không tô vẽ hoặc giật gân việc tự sát; Không sử dụng các định kiến về tôn giáo hoặc văn hóa; Không đổ lỗi.
Các chuyên gia khẳng định, trong phòng, chống tự tử ở trẻ em, vai trò của người lớn bên cạnh trẻ rất quan trọng. Cha mẹ, ông bà, người giám sát trẻ nên quan tâm tới con cái và cùng con chia sẻ các vấn đề trong cuộc sống để trẻ được chia sẻ và hướng dẫn tháo gỡ các vấn đề gặp phải sẽ không có tâm lý bi quan hay cực đoan. Ngoài ra, nếu kết nối giữa cha mẹ với con cái không được hoàn hảo mà điều này là thực tế thường gặp thì xã hội cần mở ra những cánh cửa khác cho trẻ có thể trao đổi về những vấn đề của mình. Khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu có ý định tự tử, người lớn cần có kỹ năng để ngăn chặn và bảo vệ trẻ, đòi hỏi truyền thông cần đăng tải những dấu hiệu cảnh báo tự sát và hướng dẫn tìm đến sự trợ giúp hoặc đưa người có nguy cơ đi khám và sàng lọc về sức khỏe tâm thần; Không được để trẻ ở một mình; Loại bỏ những vật dụng nguy hại, các vật sắc nhọn, hoặc địa điểm có nguy cơ cao; Gọi cho đường dây nóng ở các bệnh viện tâm thần gần nhất...
QUỲNH HOA