Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

"Thung lũng vàng" Bắc Sơn có gì mà khiến du khách cất công tìm kiếm?

Thứ Ba 25/12/2018 | 16:10 GMT+7

VHO- Không phải Mẫu Sơn, mấy năm nay Bắc Sơn mới là điểm đến khiến du khách đổ về Lạng Sơn và “Bắc Sơn mùa lúa chín” mới là những từ khoá làm mưa làm gió trên mạng xã hội và các diễn đàn du lịch.

Núi non hùng vĩ ở Bắc Sơn. Ảnh Thuận Bùi

Khẳng định Bắc Sơn có quá nhiều tiềm năng phát triển du lịch, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch (TCDL) nhấn mạnh: “Cơ hội của Bắc Sơn vẫn đang ở phía trước. Có thể nói, dù mới chỉ manh nha phát triển nhưng Bắc Sơn cực kỳ cầu thị và nhạy bén khi làm du lịch, muốn làm du lịch một cách bài bản. Đây cũng là địa phương đầu tiên của cả nước xây dựng đề án phát triển du lịch cấp huyện”.

“Đến Bắc Sơn 2-3 ngày vẫn chỉ là cưỡi ngựa xem hoa. Chúng tôi đi Bắc Sơn nhiều lần, mỗi lần 7-10 ngày mà vẫn chưa đi hết và có khi đi cả tháng vẫn không chán”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói tại Hội thảo đánh giá sản phẩm du lịch huyện Bắc Sơn năm 2018 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức mới đây.

Huyện Bắc Sơn nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp du lịch. Ảnh Nguyễn Anh

Hội thảo có đại diện phòng Văn hóa 11 huyện, thành phố; hiệp hội du lịch Lạng Sơn và gần 50 doanh nghiệp du lịch lữ hành trong và ngoài tỉnh. Nhiều đại biểu sau khi đi khảo sát Bắc Sơn 2 ngày ngỡ ngàng vì không ngờ Bắc Sơn lại đẹp và mới lạ, hấp dẫn đến vậy. Và cho rằng: “Rất đáng để đến”. Trước đó, nhiều nhà lữ hành mới chỉ nghe dân mạng kháo nhau phải đến Bắc Sơn “ngắm lúa vàng và mây trôi bồng bềnh” chứ không được địa phương giới thiệu và cũng không biết rằng đứng trên đỉnh Nà Lay, thung lũng Bắc Sơn lại lung linh, huyền ảo như thế, ngay cả khi lúa đã gặt hết.

Làng văn hoá du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn. Ảnh Thuận Bùi

Chỉ có điều, vì mới là những bước đi chập chững nên cái gì cũng thiếu. Bà phó chủ tịch UBND huyện Hoàng Thị Luân thừa nhận: “Cả huyện đến giờ chưa có khách sạn nào được xếp hạng 1 sao. Cao cấp nhất là nhà nghỉ, mà nghe nhà nghỉ là khách du lịch không muốn vào, chủ yếu khách ở homestay. Trên địa bàn huyện hiện có 8 nhà dân được cấp phép và đủ điều kiện đón khách. Vào mùa lúa chín, nhiều khách không thể nào tìm được phòng ở. Nhưng khổ nỗi, chúng tôi vẫn đang loay hoay việc chia sẻ lợi ích cộng đồng, kết nối các nhà (nhà đầu tư, nhà quản lý, nhà dân, nhà nghiên cứu...) để phát triển du lịch đúng hướng và bền vững”

Quỳnh Sơn mùa lúa chín. Ảnh Thuận Bùi

Trong khi đó, Bắc Sơn là địa phương giàu tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh, với hệ thống di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh phong phú và đa dạng. Giữa năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 109/KH- UBND về việc tập trung phát triển du lịch huyện Bắc Sơn giai đoạn 2016- 2020.

Kế hoạch này nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng tổ chức 03 không gian du lịch tập trung của tỉnh là: Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn và du lịch biên giới, cửa khẩu; thành phố Lạng Sơn và huyện Bắc Sơn. Trước mắt quan tâm phát triển huyện Bắc Sơn trở thành khu du lịch tập trung về cảnh quan, sinh thái- lịch sử, về nguồn, có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với tốc độ tăng trưởng du lịch chung của tỉnh.

Bắc Sơn là "địa chỉ đỏ", có thể phát triển loại hình du lịch văn hoá lịch sử. Ảnh Nguyễn Anh

Theo đó, huyện và tỉnh sẽ thực hiện đầu tư tôn tạo, cải tạo, nâng cấp tại các Khu di tích lịch sử cách mạng, danh lam thắng cảnh như: Đèo Tam Canh, Đình Nông Lục, Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn, các hang động, Làng văn hóa du lịch cộng đồng xã Quỳnh Sơn, xã Vũ Lăng, các dự án Dòng suối Hoa, Thung lũng hoa Bắc Sơn, rừng Nghiến nguyên sinh xã Bắc Sơn và các dự án đầu tư phát triển du lịch khác. Đồng thời, đầu tư, phát triển hệ thống cơ sở vật chất- kỹ thuật đồng bộ; phát triển sản phẩm du lịch có tính nổi trội, cạnh tranh cao; cải thiện môi trường du lịch; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư và phát triển nguồn nhân lực du lịch.

Vườn quýt Hang Hú được công nhận là điểm du lịch của tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Nguyễn Anh

Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Bước đầu huyện Bắc Sơn đã hình thành 3 điểm du lịch: Làng văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn, Suối Mỏ Mắm và Vườn quýt Hang Hú, đây là những sản phẩm nổi trội nhất của Bắc Sơn và cũng là sản phẩm mới của tỉnh Lạng Sơn. Các điểm du lịch đã và đang phát triển theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tuy nhiên, thời gian qua việc đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch chưa tương xứng với tiềm năng du lịch của huyện. Thông qua Hội thảo này, chúng tôi mong muốn các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, các doanh nghiệp, nhà quản lý... sẽ gợi ý, đề xuất những định hướng, giải pháp cụ thể, phù hợp để phát triển du lịch bền vững huyện Bắc Sơn thời gian”.

Bắc Sơn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Ảnh Nguyễn Anh

Ông Dương Xuân Tráng, Giám đốc Công ty Mai Việt (chuyên đón khách từ thị trường Pháp) chia sẻ: “Tôi hoàn toàn bất ngờ vì điểm đến ở đây quá đẹp. Tôi có cảm giác điểm này đã bị bỏ quên. Trong khi chúng tôi cứ quay cuồng khảo sát dịch vụ, tuyến điểm ở Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu... nhưng lại không được biết, được giới thiệu về Bắc Sơn”. Ông Tráng cho rằng, tiềm năng ở Bắc Sơn là rất nhiều để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch nông nghiệp… nhưng phải kết nối thế nào cho hiệu quả. Tuyến, điểm du nhiều và hấp dẫn nhưng cần hoàn chỉnh, bài bản và chuyên nghiệp hơn.

Thung lũng hoa Bắc Sơn cần được đầu tư, khai thác bài bản hơn. Ảnh: Nguyễn Anh

Có tới 20 năm làm hướng dẫn viên vùng miền núi, ông Tô Văn Nguyên, trưởng phòng sản phẩm Amica Travel gợi ý: Cần có thêm sản phẩm, dịch vụ cho khách trải nghiệm (làm nghề thủ công, đi lao động cùng bà con, cày cấy, gặt lúa, trồng lạc, bẻ ngô, thu hoạch quýt, đi bộ, treckking, đi xe đạp...) và kéo dài thời gian lưu trú cho khách. Khách nước ngoài, đặc biệt khách Pháp rất thích hoạt động đó vì nó gắn với đời sống người dân. “Nếu biết cách làm Bắc Sơn sẽ là điểm kết nối rất hợp lý giữa Ba Bể (Bắc Kạn), Cao Bằng với Hạ Long (Quảng Ninh).

Dưới góc độ của doanh nghiệp du lịch chuyên thị trường nội địa, bà Lê Thị Thanh Hòa, Giám đốc công ty New World travel rất ấn tượng với Vườn quýt Hang Hú với hơn 300 gốc quýt đã trồng 30 năm và cho rằng cần tập trung đầu tư hạ tầng, dịch vụ cho điểm đến này và truyền thông tốt hơn. Vườn quýt Hang Hú với vẻ đẹp tự nhiên, hệ sinh thái đặc biệt sẽ hấp dẫn không chỉ với khách nội địa mà cả khách nước ngoài.

5 năm tới Bắc Sơn sẽ là trọng điểm du lịch của Lạng Sơn. Ảnh Thuận Bùi

Bắc Sơn có điểm đặc biệt là thung lũng trong thung lũng. Càng đi sẽ càng bị hút vào những điểm đến kỳ bí, đẹp đến ngỡ ngàng và càng yêu Bắc Sơn hơn. Nhiều đại biểu còn cho rằng, trong 5 năm tới Bắc Sơn sẽ phát triển và là trọng điểm du lịch của Lạng Sơn, không thua kém gì Mẫu Sơn. Tất nhiên, huyện Bắc Sơn đã quyết tâm thì tỉnh Lạng Sơn cũng phải vào cuộc, ủng hộ mới mong có sự phát triển đột phá được.

THUÝ HÀ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top