Chuyển đổi xanh để nâng sức cạnh tranh

NGUYỄN ANH

VHO - Thời gian qua, để chung tay bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển Du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế xanh trên cơ sở phát triển các sản phẩm du lịch xanh, dịch vụ xanh, cộng đồng doanh nghiệp du lịch đã từng bước nâng cao nhận thức, hành động theo hướng chuyển đổi xanh.

 Chuyển đổi xanh để nâng sức cạnh tranh - ảnh 1
Các diễn giả, chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp chuyển đổi xanh đối với du lịch Việt Nam

 Thực tế cho thấy, đã có không ít địa phương đi tiên phong và thực hiện có hiệu quả việc giảm thiểu nhựa sử dụng một lần, thể hiện cam kết mạnh về quản lý môi trường du lịch.

Nhiều việc phải làm

Tại Diễn đàn “Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững” vừa được HHDL Việt Nam tổ chức trong khuôn khổ Hội chợ VITM 2024 với sự tham dự của 300 đại biểu trong nước và quốc tế, nhiều nội dung cơ bản của chuyển đổi xanh trong lĩnh vực du lịch đã được thảo luận.

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch HHDL Việt Nam cho biết: “Ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường đã trở thành nhu cầu cấp bách của toàn thế giới. Chính phủ Việt Nam đã thể hiện quyết tâm chung tay cùng thế giới giải quyết khủng hoảng khí hậu và giảm phát thải khi tuyên bố Việt Nam sẽ đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Thực hiện tuyên bố trên, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách về môi trường và giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành tham gia vào chương trình với các hoạt động cụ thể của ngành mình. Thích ứng với biến đổi khí hậu vừa là trách nhiệm, vừa là cơ hội để Việt Nam thực hiện chuyển đổi xanh nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam”.

Theo ông Vũ Thế Bình, để thúc đẩy phát triển du lịch xanh, từng bước đưa du lịch xanh vào cuộc sống, HHDL Việt Nam hướng hoạt động của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam theo 4 nội dung: Phát triển các hoạt động du lịch không sử dụng rác thải nhựa; xây dựng các tour du lịch không sử dụng phương tiện cơ giới (đi bộ, đi xe đạp...); phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp và nông thôn…; vận động dọn rác thải ở các điểm du lịch.

Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, quá trình chuyển đổi xanh trong du lịch ở Việt Nam cần tập trung vào một số vấn đề gồm: Quy hoạch xanh; quản lý điểm đến hiệu quả; du lịch không rác thải nhựa và carbon thấp và du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên. Theo ông Patrick Haverman, ở Việt Nam, các quy hoạch quốc gia cần định hướng cho phát triển du lịch xanh, đặc biệt là việc phát triển cơ sở hạ tầng du lịch ít tác động tới môi trường và thiên nhiên; đảm bảo quản lý chất thải rắn và nước thải hiệu quả, cùng nhiều vấn đề khác. Điều này đặc biệt quan trọng ở những địa điểm nhạy cảm về mặt sinh thái như các khu bảo tồn biển và vườn quốc gia.

Bên cạnh đó, vẫn còn có nhiều việc phải làm để tăng cường hiệu quả của công tác quản lý điểm đến du lịch. “Theo quan điểm của chúng tôi, quản lý điểm đến là một quá trình cần có sự vào cuộc và dẫn dắt bởi các cấp chính quyền địa phương, có sự phối hợp chặt chẽ với khu vực tư nhân và cộng đồng địa phương, để cho tiếng nói và quan điểm của các thành phần quan trọng này được lắng nghe và phản ánh trong các giải pháp quản lý du lịch của mỗi địa phương. UNDP sẵn sàng hỗ trợ Bộ VHTTDL, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các bên liên quan khác trong quá trình chuyển biến Việt Nam trở thành một điểm đến du lịch có trách nhiệm và có tính cạnh tranh. Chuyển đổi xanh trong du lịch không chỉ đóng vai trò là một trong những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế mà còn góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá của Việt Nam cho các thế hệ mai sau”, ông Patrick Haverman nhấn mạnh.

90% du khách muốn đóng góp cho cộng đồng

Bàn về chuyển đổi xanh trong lĩnh vực du lịch, xu hướng phát triển bền vững kinh tế và du lịch toàn cầu, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng: “Hiện nay, trước những biến động khó lường của khí hậu, dịch bệnh, du lịch lại là đỉnh cao trong phục vụ con người, du khách cần xanh nên du lịch phải xanh. Hơn nữa, chuyển đổi xanh, du lịch xanh là câu chuyện của cạnh tranh quốc gia, gắn với các hệ sinh thái. Trước kia, chúng ta nhìn du lịch là con người, là cái tôi đi du lịch; là trải nghiệm, khám phá, thụ hưởng dịch vụ. Đến nay, 90% khách du lịch muốn đóng góp cho cộng đồng, cho văn hoá cộng đồng khi đi du lịch. Đây là sự thay đổi rất lớn của cộng đồng đối với xã hội”.

Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch HHDL tỉnh Quảng Nam cho biết: “Quảng Nam đang tập trung phát triển và thực hiện các công nghệ xanh trong ngành Du lịch như: Sử dụng nguồn năng lượng tái tạo; quản lý nước và rác thải; công nghệ thông tin và trải nghiệm du lịch thông minh; giao thông và vận tải xanh; hợp tác cộng đồng và giáo dục du lịch xanh; chứng nhận và tiêu chuẩn du lịch xanh; đầu tư và khuyến khích nghiên cứu công nghệ xanh; thúc đẩy mô hình du lịch mới”.

Để tạo đà, thúc đẩy du lịch phát triển mạnh mẽ, chuyển đổi xanh để phát triển bền vững, ông Nguyễn Hà Hải, Phó Chủ tịch HHDL tỉnh Quảng Ninh cho rằng Nhà nước cần có cơ chế ưu đãi khuyến khích, hỗ trợ đầu tư cho những dự án phát triển du lịch xanh, bền vững. Sớm xây dựng và ban hành Chương trình hành động của ngành Du lịch thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 ban hành theo Quyết định 1658/QĐ-TTg ngày 1.10.2021. Tập trung các nhiệm vụ phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững; ban hành bộ tiêu chí du lịch xanh cấp quốc gia cho từng lĩnh vực du lịch theo tiêu chí chung của quốc tế, đồng thời phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. 

 80.000 khách đến tham quan, mua sắm tại VITM 2024

Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2024 đã chính thức khép lại sau 4 ngày (từ 11-14.4) diễn ra với gần 80.000 khách đến tham quan, mua sắm.

Với sự tham gia của các cơ quan xúc tiến và doanh nghiệp du lịch từ 55 tỉnh, thành phố của Việt Nam, 16 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 480 gian hàng và trên 700 đơn vị. Hội chợ đã thu hút gần 4.000 doanh nghiệp du lịch Việt Nam và quốc tế đến làm việc với trên 12.000 cuộc hẹn (B to B) bên lề, hơn 10.000 tour và sản phẩm du lịch khuyến mãi được cung cấp tại Hội chợ. Theo khảo sát nhanh của 50 đơn vị tham gia Hội chợ, kết quả cho thấy doanh thu bán sản phẩm du lịch trong 4 ngày đạt trên 180 tỉ đồng. Trong thời gian diễn ra Hội chợ đã có 23 sự kiện, hoạt động xúc tiến du lịch được tổ chức. Các hoạt động gặp gỡ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với khách du lịch và hoạt động của các Cơ quan xúc tiến du lịch Việt Nam và quốc tế đã tạo ra không khí sôi nổi, một khí thế mạnh mẽ của các doanh nghiệp du lịch cả nước, góp phần quan trọng phục hồi, đẩy nhanh tăng tốc, phát triển du lịch Việt Nam nhanh và hiệu quả.

Ý kiến bạn đọc