Phỏng dựng kiến trúc cung điện thời Lý : Đã thực sự gần với ngàn năm lịch sử?

VHO- Lần đầu tiên, hình ảnh về kiến trúc cung điện thời Lý sau hơn ngàn năm được tái hiện, giúp thế hệ hôm nay hình dung rõ ràng hơn về vẻ đẹp tráng lệ của kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long xưa. Đây là thành tựu nghiên cứu nổi bật của Viện Nghiên cứu kinh thành trong 10 năm qua.

Phỏng dựng kiến trúc cung điện thời Lý : Đã thực sự gần với ngàn năm lịch sử? - Anh 1
 

 Kiến trúc cung điện thời Lý được phục dựng (ảnh: Viện Nghiên cứu kinh thành)

Ngày 28.4 tới đây, Viện Nghiên cứu kinh thành sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập (2011- 2021). Nhân dịp này, Viện sẽ tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động và công bố những thành tựu nổi bật trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, thiết kế trưng bày bảo tàng, quảng bá di sản văn hóa Việt Nam.

Thách thức giải mã bí ẩn

PGS.TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh thành chia sẻ, trong một thập kỷ qua, nghiên cứu giải mã những bí ẩn về hình thái kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý đã được các nhà khoa học dành nhiều tâm huyết thực hiện, dựa trên vết tích khảo cổ học và các manh mối tư liệu lịch sử. Tuy nhiên, trước khi hiện hữu trước mắt người xem hình hài dấu tích những vàng son lộng lẫy thì đây là một thách thức lớn với các nhà khoa học. “Bởi kiến trúc cổ thời Lý, Trần, Lê ở Việt Nam đã bị thất truyền, sử không ghi chép lại. Chúng ta cũng không có hình vẽ nào về kiến trúc giai đoạn này. Sự khẳng định các công trình kiến trúc lớn ở Hoàng thành Thăng Long chủ yếu dựa trên tư liệu khảo cổ học. Vì thế, việc giải mã hình thái kiến trúc cung điện thời Lý càng trở nên khó khăn hơn...”, PGS.TS Bùi Minh Trí cho biết.

Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất tại 18 Hoàng Diệu (năm 2002-2004) và khu vực xây dựng Nhà Quốc hội (năm 2008- 2009) đã tìm thấy một quần thể gồm 53 dấu tích nền móng công trình kiến trúc, 7 móng tường bao, 6 giếng nước, minh chứng xác thực lịch sử xây dựng Kinh đô Thăng Long hoa lệ dưới vương triều Lý. Đây là phát hiện quan trọng nhất của khảo cổ học Việt Nam từ trước tới nay. Nhờ phát hiện lịch sử này, Hoàng thành Thăng Long đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới vào tháng 10.2010.

Từ đó đến nay, mặc dù khảo cổ học đã minh chứng thuyết phục rằng các dấu tích nền móng kiến trúc cung điện thời Lý dưới lòng đất khu di tích Hoàng thành Thăng Long đều là kiến trúc gỗ, mái lợp ngói rất công phu, tráng lệ hiếm nơi nào có được, thế nhưng hình thái kiến trúc cung điện thời Lý vẫn là bí ẩn, không đủ cơ sở để nhận diện như kiến trúc Cố Cung (Bắc Kinh, Trung Quốc), Changdokung (Seoul, Hàn Quốc), Nara (Nhật Bản). Sau 10 năm kể từ khi được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, Hoàng thành Thăng Long vẫn chưa thể giới thiệu đến công chúng về hình ảnh và vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc Hoàng cung Thăng Long xưa. Ông Bùi Minh Trí cho biết: “Để giải mã được bí ẩn này, Viện Nghiên cứu kinh thành đã thực hiện nhiều phương pháp nghiên cứu như tái điều tra khai quật khu di tích 18 Hoàng Diệu; nghiên cứu giải mã loại hình, chức năng các loại ngói lợp mái kiến trúc; điều tra, nghiên cứu mô hình kiến trúc đang lưu giữ tại các bảo tàng; nghiên cứu di vật đồ gỗ đào được tại di tích; nghiên cứu sử liệu, đặc biệt là nghiên cứu so sánh với kiến trúc kinh đô cổ ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và nghiên cứu kiến trúc cổ ở Bắc Việt Nam”.

Kiên trì và dựa trên bốn nguồn tư liệu: Khảo cổ học, mô hình kiến trúc, tư liệu minh văn và tư liệu điều tra, nghiên cứu so sánh với các cung điện cổ ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Viện Nghiên cứu kinh thành đã từng bước giải mã về hình thái kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý. Viện trưởng “bật mí”, phát hiện quan trọng và là chìa khóa giải mã là kiến trúc đấu củng. “Từ phát hiện này, Viện đã phục dựng 3D hình thái kiến trúc cung điện thời Lý để giới thiệu tại khu trưng bày khảo cổ học dưới tầng hầm Nhà Quốc hội năm 2016. Đây là lần đầu tiên hình ảnh về kiến trúc cung điện thời Lý sau hơn ngàn năm được tái hiện, giúp cho chúng ta hình dung rõ ràng hơn, cảm nhận sâu hơn về vẻ đẹp tráng lệ của kiến trúc Hoàng cung Thăng Long xưa...”, PGS.TS Bùi Minh Trí tự hào chia sẻ.

Phỏng dựng kiến trúc cung điện thời Lý : Đã thực sự gần với ngàn năm lịch sử? - Anh 2

 Hình thái bộ mái kiến trúc cung điện thời Lý (ảnh: Viện Nghiên cứu kinh thành)

Thời kỳ vàng son của vương triều Lý

Từ thành công nói trên, Viện Nghiên cứu kinh thành tiếp tục nghiên cứu phục dựng tổng thể hình thái kiến trúc của khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Bức tranh toàn cảnh “lầu son gác tía” thời Lý được tái hiện trên nền các vết tích khảo cổ học dưới lòng đất khu di tích 18 Hoàng Diệu và khu vực xây dựng Nhà Quốc hội. 64 công trình kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long đã được nghiên cứu phục dựng, gồm 38 công trình kiến trúc cung điện và hành lang, 26 kiến trúc lục giác cùng hệ thống tường bao, đường đi và cổng ra vào công trình. Đây là một quần thể kiến trúc cực kỳ đặc sắc, được quy hoạch xây dựng bài bản và khoa học…

Từ đó, có thể tự hào nói rằng, Hoàng cung Thăng Long thời Lý vốn từng được xây dựng rất nguy nga, có nhiều công trình kiến trúc gỗ hoành tráng không thua kém so với các kiến trúc cung điện nổi tiếng ở châu Á. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong Hoàng cung Thăng Long thời Lý đã từng xây dựng những công trình kiến trúc gỗ có quy mô cực kỳ bề thế. Nếu so sánh về diện tích mặt bằng với chùa Todai, ngôi chùa cổ kính và lâu đời nhất tại Nara (Nhật Bản), xây dựng năm 743 và đã được xếp vào loại di sản kiến trúc gỗ lớn nhất thế giới, thì kiến trúc gỗ thời Lý ở phía Nam khu A khu di tích Hoàng thành Thăng Long có thể xếp vào loại di sản kiến trúc gỗ lớn thứ hai trên thế giới, sau kiến trúc chùa Todai.

Đặc biệt, trong khu di tích Hoàng thành Thăng Long còn tìm thấy hệ thống lầu lục giác độc đáo nằm phía trước cung điện nhà dài ở phía Bắc và kiến trúc bát giác to lớn có thể so với kiến trúc Tháp Thích Ca nổi tiếng của Trung Quốc thời Tống ở phía Nam. Cũng dựa trên các dấu tích, các nhà nghiên cứu còn vẽ ra 2 dãy lầu với 26 kiến trúc lục giác đặt cạnh nhau. “Hiện tại chúng tôi chưa biết những dãy lầu này có công năng gì. Có thể phỏng đoán là lầu uống trà hoặc chỉ là cách tổ chức phong cảnh. Điều này có lẽ cần nghiên cứu thêm...”, ông Trí nói.

Với khát vọng “đánh thức” lịch sử ngàn năm của Kinh đô Thăng Long, các nhà khoa học Viện Nghiên cứu kinh thành xác định con đường phía trước vẫn còn rất dài. Viện sẽ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu so sánh, giải mã sâu hơn về chức năng, kỹ thuật lợp của các loại ngói khai quật được tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Trên cơ sở đó tiến hành phục dựng hình thái bộ mái của kiến trúc thời Đại La, thời Đinh - Tiền Lê, thời Trần, đặc biệt là hình thái bộ mái kiến trúc Điện Kính Thiên, tòa Chính điện trong Cấm thành Thăng Long thời Lê Sơ, thế kỷ XV. “Còn phải giải mã rất nhiều bí ẩn khác. Hình thái kiến trúc nhà Lý có thể hình dung ra được rồi nhưng không gian, các phân khu với các chức năng khác nhau... còn phải tiếp tục nghiên cứu. Chúng tôi sẽ giải mã sâu hơn nữa, đi vào từng vấn đề nhỏ để hy vọng có thể kể được câu chuyện về kiến trúc cung điện nhà Lý với công chúng...”, PGS.TS Bùi Minh Trí bộc bạch.

Tuy mới là thành quả nghiên cứu ban đầu nhưng đây được xem là bước tiến dài trong nghiên cứu khu di tích Hoàng thành Thăng Long sau hơn 18 năm khai quật. Những thành quả nghiên cứu này đang góp phần quan trọng giải mã những bí ẩn về Hoàng cung Thăng Long, đưa giá trị nghiên cứu khoa học đến gần hơn với công chúng. Như lời chia sẻ của Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh thành: “Khoa học không phải để cất trong ngăn tủ mà hãy đưa giá trị ấy đến với mọi người”. 

Tái hiện Rồng vàng thời Lý

Một dấu ấn khá thú vị là đoạn phim tái hiện hình ảnh Rồng vàng thời Lý vừa được PGS.TS Bùi Minh Trí cùng các nhà khoa học Viện Nghiên cứu kinh thành thực hiện. Rồng thời Lý được thể hiện với những đặc điểm trên nhiều hiện vật khảo cổ học tìm thấy kết hợp với huyền thoại lịch sử. Hình ảnh được trình chiếu bằng công nghệ 3D và mapping, phản ánh sự tiếp nối truyền thống của trung tâm quyền lực trong dòng chảy lịch sử, mang lại cảm xúc tự hào về Kinh đô Thăng Long. Hình ảnh này hiện được sử dụng để kết nối không gian giữa hai tầng hầm trưng bày khảo cổ học ở Nhà Quốc hội.

 

HOÀNG NGÂN

Ý kiến bạn đọc