Muốn phát triển du lịch tàu biển, bắt buộc các bên phải phối hợp chặt chẽ với nhau

VHO- “Mặc dù có địa để phát triển nhưng du lịch tàu biển của Việt Nam trong nhiều năm qua chưa có được sự tăng trưởng cao, lượng khách du lịch tàu biển chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ, khoảng 2 - 3% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam; tỷ lệ tăng trưởng rất thấp so với tốc độ tăng trưởng của khách quốc tế đến bằng đường không và đường bộ, thậm chí một số năm còn sụt giảm”. Thông tin này được đưa ra tại Hội thảo quốc tế về phát triển du lịch tàu biển do Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức ngày 6.12.2018, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Muốn phát triển du lịch tàu biển, bắt buộc các bên phải phối hợp chặt chẽ với nhau - ảnh 1

Cảng tàu du lịch chuyên dụng đầu tiên của Việt Nam do tập đoàn SunGroup đầu tư. Ảnh T.L

Hơn 150 đại biểu đại diện cho các cơ quan quản lý nhà nước thuộc Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an... , các Sở quản lý du lịch một số địa phương liên quan, hiệp hội Du lịch, công ty quản lý cảng biển quốc tế của Việt Nam, đại lý tàu biển, cùng nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành và các cơ quan thông tấn báo chí đã tham dự hội thảo.

Hội thảo còn có sự tham dự của đại diện cơ quan du lịch của các trung tâm du lịch tàu biển quốc tế trong khu vực tại Hongkong, Thượng Hải, Đài Loan, Singapore, đại diện hãng tàu biển lớn chuyên gửi khách quốc tế đến Việt Nam như Royal Caribbean Cruises, Genting Cruise Lines, Costa Cruise, MSC Cruise... đại diện một số trung tâm cảng biển của khu vực, đại diện Hiệp hội du thuyền châu Á (Asian Cruise Cooperation- ACC) ...

Muốn phát triển du lịch tàu biển, bắt buộc các bên phải phối hợp chặt chẽ với nhau - ảnh 2

Hội thảo quốc tế về phát triển du lịch tàu biển nhằm tìm những giải pháp thúc đẩy loại hình du lịch này thời gian tới. Ảnh T.L

Du lịch tàu biển là loại hình dịch vụ cao cấp, đối tượng khách chủ yếu là tầng lớp trung lưu, có khả năng chi trả cao. Trong những năm gần đây, du lịch tàu biển trên thế giới luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng.

Nhiều hãng tàu lớn trên thế giới thường đưa khách đi theo tuyến châu Âu- châu Mỹ - Địa Trung Hải, đã bắt đầu chuyển hướng khai thác tuyến du lịch sang khu vực châu Á- Thái Bình Dương với những con tàu hiện đại, tải trọng lớn. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội du thuyền quốc tế (Cruise Lines International Association - CLIA), giai đoạn 2013- 2018, lượng khách du lịch tàu biển đến khu vực châu Á tăng trưởng trung bình đạt 23%/năm, từ 1,51 triệu lượt năm 2013 lên khoảng 4,26 triệu năm 2018. Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch tàu biển ở Việt Nam.

Việt Nam nằm ở vị trí trung tâm của khu vực châu Á- Thái Bình Dương, trên tuyến đường giao thông hàng hải thuận lợi Bắc- Nam, là điểm đến dễ tiếp cận trong hành trình của các hãng tàu đến khu vực. Việt Nam nằm gần với các trung tâm cảng biển du lịch hiện đại trên thế giới như Hongkong, Singapore, Thượng Hải… nên dễ tham gia vào các tuyến hành trình ngắn ngày và dài ngày giữa các điểm đến trong khu vực châu Á với các khu vực khác.

Hơn nữa, Việt Nam có hệ thống cảng biển nước sâu đa dạng trải dọc từ Bắc xuống Nam nên hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu cập cảng của một số tàu du lịch cỡ lớn trên thế giới như cảng Hòn Gai (Quảng Ninh), cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế), cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), cảng Đầm Môn (Bắc Vịnh Vân Phong - Khánh Hòa), cảng Nha Trang (Khánh Hòa), cảng Sao Mai - Bến Đình (Bà Rịa - Vũng Tàu), bến khách trên sông Sài Gòn - Nhà Bè (tp. Hồ Chí Minh), Mũi Đất Đỏ (Phú Quốc - Kiên Giang).

Muốn phát triển du lịch tàu biển, bắt buộc các bên phải phối hợp chặt chẽ với nhau - ảnh 3

Khách du lịch tàu biển quốc tế rất yêu thích điểm đến Việt Nam. Ảnh: T.L

Hầu hết các cảng biển đều gần các trung tâm du lịch phát triển của Việt Nam với hệ thống có hệ thống tài nguyên du lịch phong phú hấp dẫn khách du lịch tàu biển là các vịnh biển, bãi biển đẹp được bình chọn trên thế giới như Hạ Long, Nha Trang, Lăng Cô, hệ thống các di sản văn hóa và thiên thế giới, các thành phố lớn với sự đa dạng, hấp dẫn về văn hóa, lịch sử, ẩm thực. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch như khách sạn, resort, khu vui chơi giải trí được đầu tư nâng cấp hiện đại hoàn toàn có thể tạo thành những sản phẩm chất lượng phục vụ khách du lịch tàu biển.

Trong những năm qua, Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách tàu biển. Hàng năm, Việt Nam đón khoảng 300.000 lượt khách du lịch tàu biển/năm với gần 500 chuyến tàu cập các cảng, chiếm từ 2- 3% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Khách tàu biển du lịch Việt Nam đến từ nhiều thị trường khác nhau như Châu Âu, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và đặc biệt là ở các thị trường gần như Trung Quốc và ASEAN.

Nhiều tàu biển có khả năng chở khách lớn hàng đầu thế giới đã cập cảng Việt Nam như: Quantum of the seas, Voyages of the Seas, Dream Cruises, Super Star Aquarius… Các cảng thường xuyên đón khách tàu biển là cảng Hòn Gai, Chân Mây, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Sài Gòn, Vũng Tàu, Phú Quốc... Việt Nam đã trở thành điểm đến quen thuộc trong hành trình du lịch của các hãng tàu biển quốc tế.

Với hệ thống cảng đa dạng, thông thường có từ 2- 3 cảng của Việt Nam được chọn là cảng dừng chân trong cùng một hành trình của các tàu biển quốc tế. Điều này có thể lý giải tại sao mặc dù lượng khách khoảng 300.000 lượt/năm nhưng Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực châu Á về số lượt tàu cập cảng năm 2017 (sau Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan).

So với một số nước trong khu vực và tổng lượng khách đến khu vực Châu Á thì lượng khách tàu biển đến Việt Nam còn rất khiêm tốn, hiệu quả kinh tế từ hoạt động du lịch tàu biển cũng chưa cao, hầu hết các sản phẩm du lịch tàu biển chưa hấp dẫn khách du lịch, thời gian lưu lại trên bờ của khách thường ngắn chỉ từ 8- 24 tiếng, khả năng chi tiêu thấp.

Muốn phát triển du lịch tàu biển, bắt buộc các bên phải phối hợp chặt chẽ với nhau - ảnh 4

Khách du lịch tàu biển thường có mức chi trả cao. Ảnh: T.L

Sự hạn chế của hoạt động du lịch tàu biển Việt Nam, do nhiều nguyên nhân: Hệ thống cảng biển và hạ tầng cảng biển chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, hầu hết các cảng biển đón khách mới chỉ là điểm cho tàu cập bến. Một số cảng  mới ở trong giai đoạn đầu tư, tuy đã nâng cấp nhưng vẫn chất lượng dịch vụ đón khách du lịch tàu biển còn hạn chế.

Việt Nam hầu như chưa có cảng hành khách chuyên dụng để đón khách du lịch tàu biển và thường phải sử dụng chung với các cảng hàng hóa. Hệ thống dịch vụ, kỹ thuật tại các cảng biển chưa đồng bộ. Một số tàu khách không cập được cảng do phải nhường vị trí cho tàu chở hàng làm ảnh hưởng đến uy tín điểm đến; chất lượng dịch vụ tại cảng biển chưa cao; sản phẩm du lịch biển còn thiếu đa dạng; năng lực doanh nghiệp du lịch Việt Nam đón khách tàu biển còn nhiều hạn chế; môi trường xung quanh cảng biển còn nhiều bất cập; một số cơ chế, chính sách liên quan đến du lịch tàu biển còn lạc hậu, tạo ra một số rào cản cho phát triển du lịch; thủ tục tại cảng biển đã được cải tiến nhiều nhưng vẫn chưa thực sự thuận lợi; nguồn nhân lực phục vụ cho đón khách du lịch tàu biển du lịch còn hạn chế về trình độ, kỹ năng…

Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) Nguyễn Công Bằng kêu gọi các địa phương có cảng cần phải quảng bá, khuyến khích và có các hình thức ưu đãi đối với doanh nghiệp để đầu tư các bến cảng chuyên dụng tiếp nhận tàu khách du lịch quốc tế. “Chỉ khi các thành phần kinh tế cùng tham gia mới có thể gia tăng số lượng cảng chuyên dụng cho du lịch tàu biển trong thời gian gần”, ông nói.

Muốn phát triển du lịch tàu biển, bắt buộc các bên phải phối hợp chặt chẽ với nhau - ảnh 5

Cần xây dựng các hành trình du lịch tàu biển giàu tính kết nối. Ảnh T.L

Ông James Ngui, Giám đốc vận hành cảng khu vực Đông Nam Á của hãng tàu Royal Caribbean Cruises cho rằng: Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia khác trên thế giới trong vấn đề quy trình thủ tục để thống nhất và thuận tiện. Việc hướng dẫn lưu thông trên biển cần thực hiện nghiêm túc, hợp lý để tránh xung đột luồng tuyến và va chạm. Riêng TP. Hồ Chí Minh là điểm đến vô cùng quan trọng, nhất thiết phải có một cảng tàu chuyên biệt phục vụ du lịch, có khả năng đón các du thuyền lớn.

Nhấn mạnh về sự hợp tác giữa các doanh nghiệp và các cơ quan liên quan, đại diện Tổ chức hợp tác tàu biển châu Á (ACC), ông Wong Cheuk Hung khẳng định: Du lịch tàu biển không thể nào có thể đứng độc lập, bắt buộc các bên phải hợp tác chặt chẽ với nhau. Vì thế, muốn loại hình này phát triển lâu dài và bền vững thì cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ ở cấp khu vực và quốc tế, xây dựng các hành trình giàu tính kết nối, thu hút thêm nhiều lượt tàu đến các điểm đến.

Phó Tổng cục trưởng phụ trách TCDL Ngô Hoài Chung đề nghị các ngành Giao thông Vận tải, Công an, Biên phòng cùng các doanh nghiệp, đơn vị tăng cường hợp tác để loại hình du lịch tàu biển phát triển tương xứng với tiềm năng. Trong đó, cần tập trung xây dựng đầy đủ, đồng bộ hệ thống luật pháp và cơ chế chính sách khuyến khích du lịch tàu biển; kêu gọi và khuyến khích đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch tàu biển; đa dạng hoá sản phẩm du lịch để giữ chân khách, tạo sự khác biệt và trải nghiệm mới hấp dẫn; đẩy mạnh quảng bá xúc tiến; tăng cường hợp tác công tư và thắt chặt liên kết giữa các cơ quan, Ban, ngành hữu quan.

Trong thời gian tổ chức Hội thảo, các đại biểu đã đi khảo sát Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long- cảng tàu khách du lịch quốc tế chuyên dụng đầu tiên của Việt Nam có quy mô hiện đại, chuẩn bị chính thức khai trương vào cuối tháng 12.2018, đón được những chuyến tàu khách trọng tải lớn trên thế giới hiện nay cập cảng.

MINH NHÃ

Ý kiến bạn đọc