Sức hút lạ kỳ "làng cá gỗ" Quỳnh Đôi

VHO - Buổi chiều cuối năm 2023, gió mùa về, mưa phùn bay mù mịt, chúng tôi trên chuyến xe Hồ Xuân Hương, dạt dào cảm xúc đi về Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) để tham gia tour du lịch văn hóa mới “Làng cá gỗ - sau ánh hào quang”.

Sức hút lạ kỳ

Nhà thờ họ Hồ - Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia (năm 1992)

Bí ẩn làng Quỳnh 

Cũng không hiểu vì sao, một ngôi  làng cổ (khai cơ năm 1378), đầy tiềm năng, miền văn hiến xứ Quỳnh Lưu, đậm chất văn hóa thế này mà bây giờ mới bắt đầu làm du lịch. Quỳnh Đôi xưa là một vùng đất ngập mặn cây hoang, cỏ dại giáp sông Mai. Người làng Quỳnh Đôi kể, năm 1378, ông Hồ Kha giao cho con trai trưởng là Hồ Hồng cùng với ông Nguyễn Thạc và ông Hoàng Khánh cùng nhau đến đây khai cơ, lập ấp đặt tên là “Thổ Đôi Trang”. Ba họ: Hồ, Nguyễn, Hoàng cũng là ba đại tộc ở làng Quỳnh Đôi. Tới năm 1528, làng đổi tên Thổ Đôi thành làng Quỳnh Đôi, nay là xã Quỳnh Đôi. 

Sách Từ Thổ Đôi Trang đến xã Quỳnh Đôi của Hồ Sĩ Giàng với nhiều thông tin khiến ngôi làng nổi tiếng này càng thêm kỳ bí. Cách đây khoảng trên 600 năm, Quỳnh Đôi là một vùng đất nước mặn bồi tụ đang trong quá trình ngọt hóa, động vật và thực vật mới bắt đầu phát triển. Làng Quỳnh không có núi, nhưng bốn phía đều có núi hướng về. Đứng ở giữa trông về  bốn phía, núi Quy Lĩnh hình cái bảng, gọi là bảng giáp ở xã Quỳnh Bảng; núi Hiền Hoa gọi là bảng canh ở xã Quỳnh  Hậu; núi Yên Mã hình yên ngựa ở xã Quỳnh Bá; núi Trụ Hải hình cái tán ở xã Quỳnh Tùng; núi Nga Mi hình đôi lông mày ở xã Diễn Hùng, Diễn Châu;  Hòn Thoi ở xã Quỳnh Giang; hòn Bút  ở xã Quỳnh Ngọc; phía Đông làng có dòng Mai Giang uốn khúc, chảy ra cửa Quèn.  

Thế đất, thế núi, thế sông ấy khiến người Quỳnh Đôi tin rằng, đây là nơi đất lành chim đậu, đem lại sự hưng thịnh cho việc học hành (hình nghiên bút, bảng, cờ, trống), cho việc xông pha chinh chiến (hình yên ngựa), cho nghề dệt (hình thoi) và phụ nữ xinh đẹp (hình đôi lông mày). Nhận thức tâm linh thuở đó làm cho người làng Quỳnh dựa vào những cảnh vật thiên nhiên ấy như một điểm tựa, trợ lực về tinh thần, nuôi dựng ý chí, phấn đấu vươn lên trong học tập, khổ luyện mà thành tài. Quả đúng, mảnh đất “địa linh nhân kiệt” này đã sản sinh cho xứ Nghệ, cho đất nước bao bậc hiền tài. 

Chuyến về Quỳnh Đôi lần này, tôi may mắn được đồng hành cùng Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu, Phó Chủ tịch Hội đồng họ Hồ Việt Nam, người đã nhiều lần được gặp Bác Hồ. Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng ở làng khoa bảng Quỳnh Đôi, ông Hồ Sỹ Hậu từ nhỏ đã theo cha lên chiến khu Việt Bắc nên có may mắn được gần, có những kỷ niệm suốt đời không thể quên với Bác. Trên chuyến xe từ Hà Nội về Nghệ An hôm đó, ông Hồ Sỹ Hậu kể cho chúng tôi nghe rất nhiều câu chuyện cảm động về Bác Hồ, về làng Quỳnh Đôi, về dòng họ Hồ. 

Làng Quỳnh bữa đó như có hội. Người dân đổ ra cổng làng đón khách. Làng quê bừng sáng, đẹp đẽ dưới bầu trời đông trở gió. Cổng làng Quỳnh uy nghi bề thế, vừa mang nét truyền thống, vừa hiện đại, với hình ảnh “cá chép vượt vũ môn”, thể hiện tinh thần của người làng Quỳnh chịu khó, chịu thương, vượt khó thành danh. Dưới cổng làng đó, những người con làng Quỳnh đã kể về thời niên thiếu của Bác Hồ ở làng qua tiểu phẩm Người đã về đây. Khi ấy Bác (cậu bé Nguyễn Sinh Cung) mới 13 tuổi và anh trai Nguyễn Sinh Khiêm theo cha là cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc về Quỳnh Đôi gặp các sĩ phu Nghệ Tĩnh bàn vận nước, lưu lại nhà cụ Cử Tư (Hồ Sỹ Tư). Tiểu phẩm ấy dù ngắn, lời thoại không nhiều nhưng cảnh ba cha con ông Nguyễn Sinh Sắc cúi đầu cảm tạ bà con làng Quỳnh lúc từ biệt thì vô cùng xúc động. Nhiều người đứng quanh tôi đều lặng đi và rơi nước mắt khi nghe trẻ con, người lớn làng Quỳnh kể câu chuyện ngắn ngủi của Người ở đây với chất giọng Nghệ ngọt ngào, sâu lắng, thắm đượm nghĩa tình và đầy cảm xúc.

Sức hút lạ kỳ

Hoạt cảnh "Người đã về đây" gắn với câu chuyện cụ Nguyễn Sinh Sắc, cụ cả Khiêm, Bác Hồ đã rời làng từ hơn 100 năm trước do người dân làng Quỳnh thể hiện

“Rạng danh người Quỳnh Đôi” 

May mắn nữa cho tôi là buổi ấy, cánh nhà báo chúng tôi được anh Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, người làng Quỳnh chính gốc, đưa đi thăm các di tích, các điểm tham quan ở làng Quỳnh Đôi. Nhà anh Lợi ở xóm Đồng, ngay đầu làng, nằm bình yên gần lối ra giếng Bà Cả, đền Thần, gần đó là di  tích Quan Thánh và Hiền Từ. Tôi vẫn nhớ như in những vần thơ anh Lợi viết về mẹ mình trong bài thơ Hơi ấm đời con và những câu chuyện kể về thời thơ ấu đầy gian khó ở làng quê nghèo Quỳnh Đôi: “Làng Quỳnh ta cao vút  bóng dừa/ Nơi đất biết nuôi người và người yêu đất/ Những Cây Chả, Bon Bon, Hói Nồi, Đập Bản/ Đất ấm hơi người khi mẹ bước chân qua”

Giữa cánh đồng lộng gió, mưa vẫn bay lất phất, chúng tôi thăm giếng cổ đó. Nghe người làng kể, giếng Bà Cả thủa trước rộng và có dáng hình uốn lượn mềm mại, nước ngọt, trong vắt, nuôi sống người dân làng Quỳnh trong suốt hơn 5 thế kỷ qua. Nơi này gắn với hình ảnh “gánh nước trượt chân” của Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương và cũng ở đấy đã ra đời bài thơ ngạo nghễ Tức cảnh vũ hậu (Tức  cảnh sau mưa):  

Vén bức màn mây thấy mặt trời

Xanh xanh từng đám, trắng từng nơi

Núi non cũng muốn nhô đầu dậy

Cây cỏ trăm hoa mỉm miệng cười.

Bài thơ này được ghi trong cuốn Họ Hồ trong cộng đồng dân tộc Việt Nam của Hồ Sĩ Giàng với lời dẫn kể chuyện Hồ Xuân Hương thời trẻ về quê là làng Quỳnh Đôi. Có hôm bà ra gánh nước ở giếng bị trượt ngã, vỡ cả đôi nồi đình đựng nước, nước bắn tung toé, đám trai làng quanh đó cười giễu bà. Hồ Xuân Hương tức cảnh ứng khẩu bài thơ trên.  

Sức hút lạ kỳ

Trải nghiệm gánh nước giếng Bà Cả khi tham gia tour Làng cá gỗ- sau ánh hào quang

Bước qua cổng làng Quỳnh, ngay bên trái là Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia - mộ và nhà thờ Quỳnh Quận công Hồ Phi Tích. Hồ Phi Tích (1665  -1754), đậu Hoàng Giáp khoa Canh Thìn (1700), làm quan đến Thượng thư bộ Binh, bộ Hình, tước Quỳnh quận công. Ông là danh nhân lịch sử tiêu biểu, đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ông nổi tiếng là vị quan thanh liêm, đức độ, tài cao, giỏi chính sự, sống hết lòng vì dân, vì nước, nhất là đối với quê hương Quỳnh Đôi. 

Bên cạnh nhà thờ cụ Hồ Phi Tích là bia tưởng niệm nữ sĩ Hồ Xuân Hương, mộ nhà cách mạng tiền bối Hồ Tùng Mậu, tượng đài Anh hùng lực lượng vũ trang Cù Chính Lan... Đây đều là những người con ưu tú, làm nên tên tuổi của làng Quỳnh, đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.  

Nhà thờ họ Hồ - Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia thờ cụ Hồ Kha, người đã có công khai cơ lập làng, cùng nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Nằm trên khuôn viên  rộng hơn 6.200m2, trong công trình bề thế của Hồ đại tộc có những tấm bia lưu danh những danh nhân lịch sử, văn hóa, là con cháu có gốc họ Hồ  như: Vua Hồ Quý Ly; Hoàng đế Quang Trung (Hồ Thơm); Tam giáp tiến sĩ Hồ Sĩ Dương làm quan bốn triều Vua Lê;  Nhị giáp Tiến sĩ Hồ Phi Tích làm quan  đến chức Binh bộ Thượng thư; Tham tụng (Tể tướng) Hồ Sĩ Đống...  

Tiến sĩ Hồ Đức Phớc trong bài tựa cho cuốn sách Rạng danh người Quỳnh Đôi đã viết rằng: “Làng Quỳnh là một tấm thảm đẹp và bền vững về truyền thống lẫn tương lai. Nó được dệt nên bởi sợi ngang là các cá nhân, các gia đình và sợi dọc là các dòng họ, mà những nguyên liệu này cực kỳ quý giá”. 

Sức hút lạ kỳ

Khách du lịch đến làng Quỳnh Đôi- Làng khoa bảng hàng đầu Việt Nam

Làng khoa bảng hàng đầu Việt Nam 

Hơn 600 năm lịch sử, Quỳnh Đôi vẫn giữ nếp xưa cũ và hòa mình với dòng chảy thời gian để hôm nay là một làng nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Nghệ An, một làng văn hóa, xã anh hùng. Quỳnh Đôi đến giờ vẫn nổi tiếng cả nước là một làng văn hóa cổ, có bề dày truyền thống hiếu học, khổ học, cách mạng và khoa bảng. Từ xa xưa trong dân gian đã truyền tụng: “Bắc Hà Hành Thiện, Hoan Diễn Quỳnh Đôi/ Hà Tĩnh họ Phan - Nghệ An họ Hồ” để nói về tiếng tăm về sự học và tên tuổi các dòng tộc ở làng Quỳnh Đôi. 

Chừng từ năm 1444 (thời vua Lê Nhân Tông) đến 1918, khi bãi bỏ khoa thi bằng chữ Hán, làng Quỳnh có 734 người đậu Tú tài và Cử nhân, 4 Phó  bảng, 7 Tiến sĩ, 2 Hoàng Giáp, 1 Thám hoa. Tiêu biểu trong đó là ông Hồ Sỹ Dương đậu giải nguyên Đông các, chí sĩ Phạm Đình Toái, tác giả của Đại Nam quốc sử diễn ca được coi là một thiên anh hùng ca của dân tộc và sau này là  nhà thơ Hoàng Trung Thông, PGS Văn Như Cương; 3 anh, em họ Phan: Phan Cự Nhân, Phan Cự Đệ, Phan Cự Tiến;  TS Nguyễn Xuân Dũng…  

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, theo thống kê chưa đầy đủ, toàn xã đã có trên 1.000 người tốt  nghiệp đại học và trên đại học. Có trên  300 người đang theo học và giảng dạy trên 28 trường đại học khắp cả nước, trong đó có 52 Thạc sĩ, 55 Tiến sĩ, có 16 Phó Giáo sư, 5 Giáo sư, 3 Viện sĩ  khoa học quốc tế. Cả làng có hàng trăm người đang hoạt động trên các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, báo chí, văn  nghệ sĩ…Làng Quỳnh đã sinh ra cho đất nước 5 Ủy viên Trung ương Đảng, trong đó có 2 Ủy viên Bộ Chính trị, 9 Đại biểu Quốc hội; 31 Tỉnh ủy viên trong đó 11 Bí thư Tỉnh ủy, Phó Bí thư Khu ủy, Tỉnh ủy, 5 Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy; 15 người là Bộ trưởng, Thứ trưởng và tương đương... 

Trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, người Quỳnh Đôi có quyền tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng, bất cứ thời điểm lịch sử nào khi đất nước bị xâm lăng cũng có nhiều người tham gia. Tiêu biểu nhất là đồng chí Hồ Tùng Mậu - trợ thủ đắc lực của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong việc thành lập các tổ chức tiền sinh của Đảng, là một trong bảy người tham gia thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 2.1930; là cán bộ lão thành cách mạng tiêu biểu của Đảng, được Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Sao vàng. Anh hùng liệt sĩ Cù Chính Lan - người chiến sĩ thi đua Ái quốc, đã biểu hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong mọi hoạt động của đời mình, một  trong 7 người đầu tiên trên toàn quốc được Đảng và Chính phủ truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.  

Tính đến nay trong lực lượng vũ trang toàn xã có 6 Thiếu tướng, 64 Đại tá và rất nhiều cán bộ, sĩ quan đang phục vụ trong quân đội, công an. Sự đóng góp to lớn, song sự hy sinh mất mát cũng rất lớn lao, toàn xã có 226  liệt sĩ, 115 thương bệnh binh, 20 Mẹ  Việt Nam anh hùng. 

Từ công lao đóng góp cho cách mạng năm 1996 xã Quỳnh Đôi vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Năm 1998 được UBND tỉnh Nghệ An công nhận danh hiệu “Làng Văn hóa” đầu tiên của tỉnh. Năm 2014 được công nhận xã đạt nông thôn mới; là một trong 3 xã được chọn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2015 - 2020. 

Quỳnh Đôi có 8 di tích lịch sử văn hóa quốc gia: Đình Quỳnh Đôi; Nhà  thờ họ Hồ; Nhà thờ họ Nguyễn Triệu Cơ; Đền thờ Hoàng Khánh; Nhà thờ và mộ Hồ Tùng Mậu; Mộ và Đền thờ Hồ Sỹ Dương; Đền Thần; Mộ và Nhà  thờ Hồ Phi Tích. 

Sức hút lạ kỳ

Du khách sẽ hiểu hơn câu chuyện con cá gỗ và tinh thần "khổ luyện thành tài" của làng Quỳnh

Hào quang lấp lánh ở làng Quỳnh 

Với những giá trị tài nguyên của xã Quỳnh Đôi, từ lâu, huyện Quỳnh Lưu, xã Quỳnh Đôi đã có chủ trương phát triển du lịch. Tuy nhiên, trong thực tế, phát huy giá trị văn hóa để xây dựng thành sản phẩm du lịch thực sự là thách thức đối với địa phương. Đặc biệt cách làm trong xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa và vận hành, khai thác hiệu quả các mô hình du lịch. 

Năm 2023, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã đến khảo sát, hướng dẫn, hỗ trợ và chỉ định Công ty Du lịch Bền vững Việt Nam (STID) trực tiếp cùng xã  Quỳnh Đôi từng bước nghiên cứu, đánh  giá tài nguyên, bàn bạc và thống nhất  các ý tưởng, hướng đi, các bước triển  khai, hướng dẫn người dân làm du lịch. 

Xã Quỳnh Đôi đã huy động tất cả lãnh đạo, cán bộ, viên chức, nhân dân vào cuộc, đã thành lập Ban phát triển du lịch mà trực tiếp là Bí thư xã làm Trưởng ban, Chủ tịch xã làm Trưởng ban điều hành. Với sự ủng hộ của người Quỳnh Đôi xa quê và người dân trong xã, đặc biệt là sự quan tâm của lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu, những nét “Du lịch Quỳnh Đôi” dần dần được hình thành và sau 3 tháng triển khai, làm việc liên tục, tour du lịch đầu tiên với chủ đề “Làng cá gỗ - sau ánh hào quang” đã ra mắt ngày 16.12.2023. 

Xưa kia làng Quỳnh có hai nghề chính, thứ nhất là nghề “học”, làm “thầy đồ”. Người làng Quỳnh đi khắp các địa phương khác để dạy học. Nghề thứ hai là nghề dệt, nghề nuôi các sĩ tử đi học, đi thi trở thành quan hay thầy đồ. Để đạt được như vậy, người làng Quỳnh đã phải vượt qua bao gian khó và họ luôn tự hào với câu chuyện “Ông đồ Nghệ và con cá gỗ”.  

Hình ảnh “Làng cá gỗ” ở Quỳnh Đôi thể hiện tinh thần “khổ luyện thành tài” của cả cộng đồng, gợi nhớ chuyện xưa về truyền thống hiếu học, còn giữ mãi tới ngày nay. Có thể nói “Con cá  gỗ” đã làm nên những “ông nghè, ông tổng” của làng Quỳnh.  

“Làng cá gỗ - sau ánh hào quang” như một lời nhắn nhủ sự tiếp nối việc học tập và làm việc, truyền thống của làng Quỳnh, luôn vượt qua gian khó, nghèo khổ, bất kể ở hoàn cảnh nào cũng đặt lòng tự trọng lên trên hết. “Làng cá gỗ” thấp thoáng sau ánh hào quang đã gợi cho du khách gần xa về mảnh đất “Địa linh nhân kiệt” này. 

Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu Nguyễn Văn Thưởng cho biết: “Ra mắt tour du lịch đầu tiên “Làng cá gỗ  - sau ánh hào quang” mới chỉ là bước khởi đầu. Xã Quỳnh Đôi mong mỏi sẽ phát triển thêm nhiều chương trình tham quan trong làng với những chủ đề và dịch vụ đa dạng, chất lượng để làng Quỳnh Đôi dần dần trở thành điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Nghệ An”. 

Mưa phùn không ngừng rơi, gió lạnh không ngừng thổi, chúng tôi nép vào  nhau, nắm chặt tay để truyền hơi ấm, theo các tấm biển chỉ dẫn là những con cá gỗ, ríu rít đi thăm các điểm tham quan ở làng Quỳnh. Những con đường hun hút lấp lánh ánh đèn, như những ánh hào quang rực rỡ của miền văn hiến này, là lực hấp dẫn cực mạnh thu hút bước chân du khách.

LẠI THUÝ HÀ ảnh: NHẬT TÂN

Ý kiến bạn đọc