Đồng Nai: Nhiều lợi thế phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn

VHO - Du lịch nông thôn được nhiều địa phương của Đồng Nai đẩy mạnh, xem đây là “mỏ vàng” trong phát triển kinh tế nông thôn với mục tiêu không chỉ tạo nên những vùng quê đáng sống cho người dân nông thôn mà còn là điểm đến hấp dẫn với du khách gần xa.

Đồng Nai: Nhiều lợi thế phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn - Anh 1

Xây dựng nông thôn mới bằng du lịch sinh thái vườn

Theo UBND tỉnh Đồng Nai từ năm 2019, Đồng Nai đã hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM. Trên cơ sở đó, tỉnh tiếp tục dẫn đầu trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Hiện nay toàn tỉnh có 21/120 (17,5%) xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 96/120 (80%) xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 22 khu dân cư kiểu mẫu. Với cấp huyện, Đồng Nai có nhiều huyện đạt chuẩn NTM nâng cao và kiểu mẫu, như: Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Long Thành, Vĩnh Cửu...

Đi đầu trong khai thác du lịch từ xây dựng NTM phải kể đến mô hình du lịch sinh thái vườn tại xã Bình Lộc (TP.Long Khánh). Bình Lộc được xem là thủ phủ trái cây của Long Khánh, với những vườn chôm chôm, măng cụt, sầu riêng… được chăm sóc theo hướng thân thiện môi trường, vừa bảo đảm chất lượng sản phẩm vừa bảo đảm an toàn cho du khách khi tham quan và trải nghiệm thu hoạch trái cây tại vườn cùng người nông dân.

Ông Tăng Quốc Lập, Phó chủ tịch UBND TP.Long Khánh cho biết, hiện nay, chất lượng trái cây và nông sản xã Bình Lộc được nâng cao. Các chương trình sản xuất nông sản an toàn, theo hướng VietGAP, hữu cơ và phát triển cây trồng chủ lực... được duy trì hiệu quả. Trái cây Bình Lộc từng giành nhiều thứ hạng quan trọng qua các cuộc thi trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, sản phẩm chôm chôm Long Khánh từng được công nhận là một trong 50 đặc sản trái cây nổi tiếng và được cấp chỉ dẫn địa lý từ nhiều năm trước. Đây là một trong những thuận lợi để xã Bình Lộc tiếp tục phát triển loại hình du lịch sinh thái vườn, góp phần xây dựng NTM bền vững.

Đồng Nai: Nhiều lợi thế phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn - Anh 2

Cù lao Tân Triều (xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu) từ xưa đã nổi tiếng với đặc sản trái bưởi đường lá cam. Đáp ứng nhu cầu về vườn vui chơi, giải trí của người dân đô thị, nhiều nhà vườn ở xứ bưởi này đã đầu tư mở các khu du lịch sinh thái, quán ăn miệt vườn phục vụ du khách về vui chơi, thưởng thức đặc sản. Người dân trong làng cũng ngày càng có ý thức phát triển đa dạng các sản phẩm phục vụ du lịch như: rượu bưởi, mứt bưởi, tinh dầu bưởi… Trong đó, sản xuất rượu bưởi đã thành nghề truyền thống mang lại thu nhập ổn định, thậm chí làm giàu cho nhiều cơ sở, hộ dân ở địa phương.

Đến Đồng Nai, ngoài những món ăn nổi tiếng về bưởi, cá sông còn có các món được chế biến từ trái cây tươi theo mùa. Đồng thời, khách du lịch còn có cơ hội thưởng thức món ăn đặc trưng của các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh qua các tour trải nghiệm như: tham quan làng du lịch cộng đồng Tà Lài (H.Tân Phú), làng Chơro (H.Vĩnh Cửu) và một số làng dân tộc tại các huyện Định Quán, Xuân Lộc và TP.Long Khánh. Tất cả những sắc thái văn hóa, ẩm thực tại Đồng Nai đều được lưu giữ, tôn tạo để phát huy giá trị, nhằm khai thác, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch nông thôn trên nền phát triển kinh tế nông nghiệp chất lượng của Đồng Nai.

Kết nối sản phẩm bằng du lịch

Đồng Nai hiện đang đứng đầu khu vực Đông Nam bộ về số lượng sản phẩm OCOP với 150 sản phẩm được công nhận. Sự đa dạng về chủng loại với nhiều sản vật mang đặc trưng của các địa phương đã được chứng nhận an toàn là thế mạnh cần được khai thác thành sản phẩm phục vụ nhu cầu ẩm thực, tiêu dùng của khách du lịch như: khô cá kìm, hạt sen, bưởi, gà thảo mộc, sản phẩm chế biến từ quả ca cao, trái cây chế biến…

 Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là cơ hội để quảng bá, giới thiệu nông sản địa phương, đặc biệt là các sản phẩm OCOP. Qua đó, vừa nâng cao năng lực cộng đồng, vừa thúc đẩy tiêu thụ trong điều kiện nông sản và sản phẩm OCOP gia tăng cả về số lượng, sản lượng và quy mô sản xuất. Chương trình OCOP được Đồng Nai xác định là một trong những động lực khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất khai thác tiềm năng của các đặc sản, sản phẩm nông thôn tiêu biểu, đặc trưng. Tỉnh đặt ra mục tiêu cao cho chương trình, không chỉ phát triển về số lượng chủ thể, sản phẩm, mà còn phải chú trọng cả về mặt chất lượng.

Đồng Nai: Nhiều lợi thế phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn - Anh 3

Tổ hợp tác du lịch cộng đồng Xuân Bắc ( xã Xuân Bắc, H.Xuân Lộc) với hướng phục vụ du khách tham quan các nhà vườn. Đây là THT du lịch sinh thái đầu tiên của huyện Xuân Lộc được hình thành với sự tham gia của 8 thành viên và sẽ là điểm đầu tiên hướng tới xây dựng sản phẩm du lịch OCOP cho Xuân Lộc. Khách du lịch vừa có thể trải ngiệm, vừa có thể tự tay thu hoạch trái cây và mua làm quà cho người thân. Anh Văn Thành Toàn, thành viên Tổ hợp tác chia sẻ, khoảng 4 năm trước, trên cơ sở vẫn chăm sóc vườn cây và thu hoạch theo cách truyền thống như trước, anh đã tận dụng một số vị trí để trồng các loại hoa, tạo dựng cảnh quan trong vườn và bán vé cho du khách vào tham quan. Ý tưởng mới lạ đã mang lại cho anh những kết quả ngoài mong đợi khi lượng khách đến đông, cho thu nhập cao hơn thu nhập từ thu hoạch trái cây. Đến nay, anh Toàn đang hợp tác với một doanh nghiệp lữ hành của tỉnh xây dựng khu vui chơi, trải nghiệm những công việc làm vườn, trồng rau, bắt cá nhằm phục vụ đối tượng khách chính là học sinh.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Xuân Lộc cho biết: huyện có 48 hộ dân đăng ký xây dựng mô hình vườn mẫu. Những vườn cây được chọn lựa sẽ được huyện hỗ trợ thực hiện truy xuất nguồn gốc, chứng nhận đạt chuẩn VietGAP, an toàn thực phẩm, xây dựng nhãn hiệu… Hiện đã có một số vườn khai thác, phát triển được mô hình du lịch sinh thái vườn như: cụm vườn cây, hoa ở xã Xuân Bắc; vườn Hồng Lợi Thịnh, vườn ông Tám Sinh (xã Xuân Tâm); vườn ca cao (xã Suối Cát), vườn dừa dứa và The Lúa Camping (xã Lang Minh); vườn bơ sầu riêng ông Hoàng (xã Bảo Hòa)... Đặc biệt, huyện đang hướng dẫn thực hiện chương trình OCOP cho sản phẩm du lịch cộng đồng ở cụm Vườn Hoa Bốn Mùa và The Lúa Camping.

* Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương

BẢO ĐAN

Ý kiến bạn đọc