Chính sách visa cởi mở- cơ hội cho du lịch Việt Nam (Bài 1): Tháo "điểm nghẽn" cốt lõi

VHO- Từ ngày 15.8.2023, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam do Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực thi hành. Theo đó, Quốc hội đồng ý kéo dài thời hạn thị thực (visa) điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần; nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo các quy định khác của Luật. Việc kéo dài thời gian thị thực nhằm giữ chân khách du lịch quốc tế ở lại lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn.

Chính sách visa cởi mở- cơ hội cho du lịch Việt Nam (Bài 1): Tháo

Xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn để tận dụng chính sách visa mới. Ảnh: TITC

 So với các nước trong khu vực và thế giới, một trong những “điểm nghẽn” chính khiến du lịch Việt Nam kém cạnh tranh là những quy định về xuất, nhập cảnh còn khá khắt khe. Trong khi đó, những thủ tục về thị thực, đôi khi là yếu tố quyết định để khách có tới một điểm đến nào đó hay không và có lưu trú lại lâu hay không.

Chính vì thế, chính sách thị thực mới, cởi mở hơn của Việt Nam được coi là cú hích đối với việc thu hút khách quốc tế thời gian tới, đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam với các nước trong khu vực.

Có thể tăng 20-25% khách quốc tế

Hãng truyền thông Đức Deutsche Welle (DW) đưa tin: “Chính sách thị thực mới của Việt Nam sẽ giúp ngành Du lịch tăng trưởng nhanh”. Hãng này cho rằng, Việt Nam đang nhanh chóng trở thành một trong những điểm đến phổ biến nhất ở Đông Nam Á, cùng với đó là chính sách thuận lợi về thị thực sẽ thúc đẩy ngành Du lịch quốc gia.

Sau đại dịch Covid-19, nhiều chuyên gia du lịch nhận định rằng Việt Nam đang trở thành điểm đến ưa thích của du khách quốc tế và là một trong những điểm đến phổ biến nhất ở Đông Nam Á. Dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng du lịch Google Destination Insights cho thấy, từ đầu năm 2023 tới nay, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam liên tục tăng trong nhóm đầu thế giới, từ vị trí thứ 11 lên vị trí thứ 6. Việt Nam là điểm đến duy nhất trong Đông Nam Á nằm ở nhóm này. Nhu cầu về du lịch Việt Nam đang phục hồi rất nhanh, ở tốc độ cao hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Nắm bắt được xu hướng thị trường, Việt Nam có cơ hội tốt để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 5,6 triệu lượt, vượt qua con số năm 2022 và đã đạt 69% kế hoạch năm 2023. Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đã đặt mục tiêu đón 8 triệu khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, Hãng truyền thông Đức DW cho rằng, con số này có thể vượt ngoài dự đoán, tăng lên đến 10 triệu.

Ông Nguyễn Ngọc Tấn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Du lịch SACO (SACO Travel) nhận định: “Những thay đổi về chính sách thị thực của Việt Nam sẽ thúc đẩy mạnh mẽ ngành Du lịch, đặc biệt là chính sách này có hiệu lực đúng vào mùa cao điểm khách quốc tế đến Việt Nam. Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng nhanh chóng. Có những dự báo sau khi áp dụng chính sách visa mới có thể tăng 20-25% khách quốc tế. Không chỉ là điểm đến thu hút khách sau dịch Covid-19 với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, an toàn, hệ thống cơ sở lưu trú tốt, Việt Nam còn có môi trường đầu tư hấp dẫn, mang đến cơ hội kinh doanh lớn cho các nhà đầu tư”. Theo ông Nguyễn Ngọc Tấn, việc Quốc hội thông qua Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi lần này cũng cho thấy sự nhạy bén, đổi mới tư duy trước yêu cầu của thực tiễn. Tuy nhiên, du lịch phát triển không phải chỉ dựa vào các nội dung đã sửa đổi trong Luật. Đó chỉ là một phần. Chúng ta cần xây dựng và triển khai các giải pháp đồng bộ để thúc đẩy thu hút khách quốc tế đến Việt Nam sau dịch Covid-19.

“Hỗ trợ” khách ở lại lâu, tiêu nhiều tiền

Mặc dù có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, nhất là thu hút khách quốc tế, tuy nhiên Việt Nam lại không đón được lượng khách quốc tế như kỳ vọng. Năm 2019, khi dịch Covid-19 chưa xuất hiện, du lịch Việt Nam ở giai đoạn phát triển đỉnh cao với 18 triệu lượt khách quốc tế. Theo số liệu từ Báo cáo thường niên du lịch 2019 của Tổng cục Du lịch (nay là Cục Du lịch quốc gia Việt Nam), chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam là 1.074 USD/khách, đi du lịch Việt Nam trong 8,1 ngày (bình quân 132,6 USD/ngày). Thị trường xa có chi tiêu bình quân cho chuyến đi cao hơn do lưu trú dài ngày hơn, lần lượt là Nga, Anh, Mỹ, Australia và Pháp.

Hiện nay, các mức chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu cho việc thuê phòng lưu trú và ăn uống 56-60%. Mua hàng hóa, đồ lưu niệm, tham quan, vui chơi, giải trí chỉ chiếm 20%, còn lại là chi phí khác. Trong khi đó, ở các nước láng giềng như: Malaysia, Thái Lan, Singapore… chi phí cho hoạt động vui chơi giải trí chiếm 40-50%, thậm chí đến 60-70% tổng chi phí cho một chuyến du lịch. Nhiều doanh nghiệp và các chuyên gia cho rằng, chúng ta cần phải tính toán lại cơ cấu này trong tour.

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng nhận định, ngành Du lịch hoàn toàn có thể đạt, thậm chí vượt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023 nếu biết tận dụng lợi thế và cơ hội từ chính sách visa cởi mở vừa được Quốc hội thông qua. Thế nhưng, visa chỉ là yếu tố “kéo” khách tới Việt Nam, lượng khách thực tế có tăng hay không, khách có chi tiêu nhiều tiền ở Việt Nam hay không, ở lại Việt Nam lâu không… lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. “Nói cách khác, 45 ngày khách ở lại Việt Nam, chúng ta có gì để họ xem, họ thưởng thức, họ vui chơi và họ sẵn sàng chi tiền? Xa hơn nữa, sau chuyến đi đó, khi trở về đất nước họ, họ sẽ khoe với người thân, bạn bè là tới Việt Nam rất thuận tiện, vui vẻ, ăn ngon. Họ sẽ giới thiệu để nhiều người đến Việt Nam hơn và chính họ cũng muốn quay trở lại”, ông Bình nhận định.

Ở Việt Nam hiện nay, ngoài việc chúng ta đang thua kém các nước ở chính sách visa thiếu cởi mở; sản phẩm thiếu sự khác biệt, sáng tạo, độc đáo; đầu tư cho quảng bá xúc tiến nhỏ lẻ, không có tầm chiến lược… thì giá sản phẩm dịch vụ của chúng ta cũng rất thiếu cạnh tranh. Chi phí đầu vào của ngành Du lịch, đặc biệt là sau dịch Covid-19 luôn ở mức cao như giá vé máy bay cao, thiếu đường bay thẳng; dịch vụ nhà hàng, khách sạn đắt đỏ; chi phí lao động tăng... Nên khi hình thành giá tour cao hơn nhiều so với các nước. Thậm chí, giá tour trong nước cao hơn giá tour nước ngoài. Vì thế, rất khó để các doanh nghiệp du lịch xây dựng các sản phẩm khuyến mại, kích cầu thu hút khách quốc tế.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho rằng, cần phải có một loạt các giải pháp đồng bộ để du lịch Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sức hút mạnh mẽ hơn. “Trong đó, chúng ta cần tạo được những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn. Triển khai công tác xúc tiến quảng bá một cách mạnh mẽ, bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn, cùng với đó là mở rộng thị trường du lịch. Công tác quản lý điểm đến, đặc biệt là an ninh an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách khi đi du lịch tại Việt Nam phải được chú trọng hơn nữa. Đào tạo nguồn nhân lực du lịch vừa đáp ứng được nhu cầu về số lượng, vừa đáp ứng yêu cầu chất lượng, từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách du lịch”, ông Khánh nhấn mạnh.

NGUYỄN ANH

Ý kiến bạn đọc