Bảo tồn văn hóa bản địa để phát triển du lịch vùng cao Bắc Trà My
VHO- Với rất nhiều tiềm năng thiên nhiên, văn hóa, con người, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam đang nỗ lực xây dựng và quảng bá du lịch để thu hút du khách, các nhà đầu tư đến với vùng miền núi này.
Thiếu nữ Cadong, Cor giới thiệu về đặc sản quế Trà My
Những ngày cuối tháng 6.2023, đoàn khảo sát với sự tham gia của các doanh nghiệp lữ hành, Sở VHTTDL Quảng Nam, cơ quan báo chí đã có hành trình hai ngày, một đêm cùng theo chân hướng dẫn viên địa phương khám phá rất nhiều điểm đến tiềm năng, các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái của huyện miền núi Bắc Trà My.
Bản sắc vùng Cao sơn Ngọc quế
Ông Mai Thành Chương, một nhiếp ảnh gia chia sẻ: Thú vị nhất là khi được chính những người dân địa phương, các già làng, nghệ nhân hướng dẫn, cùng rải nghiệm văn hóa, đời sống sinh hoạt của đồng bào Ca Dong, Cor, đồng bào Mường tại những ngôi làng văn hóa Cao Sơn (xã Trà Sơn), Nóc Xa Rơ (xã Trà Bui), làng Mường (xã Trà Giang) của huyện Bắc Trà My. Các cộng đồng làng này gắn với các giá trị bản sắc văn hóa vô cùng độc đáo: lễ hội đâm trâu huê; lễ hội mừng lúa mới, múa cồng chiêng, đấu chiêng của người Cadong, Cor, Mường.
Ở những ngôi làng này, du khách có thể được trải nghiệm, nghe kể những câu chuyện và tận mắt xem đồng bào trình diễn những nghề truyền thống như đan lát, xâu cườm, làm bánh ốc, thưởng thức điệu múa trống chiêng của người Cadong, người Cor, tham quan nhà sàn đặc trưng của người Mường, thưởng thức rượu cần, cùng tham gia các sinh hoạt dân gian như múa sạp, ném còn, múa cồng chiêng, tham quan bãi đá , tắm thác, thưởng thức ẩm thực của người Mường vùng núi phía Bắc ngay tại không gian miền núi Quảng Nam.
Ông Hồ Thanh Hường, đồng bào Cadong ở làng Cao Sơn, hào hứng chỉ vẽ cho du khách cách gói bánh ốc - một loại bánh đặc trưng mà người làng vẫn thường gói mỗi khi mở tiệc, lễ hội mừng mùa màng bội thu.
“Mỗi khi thu hoạch mùa màng, lễ hội, nhà nào trong làng có việc, cả làng vẫn đến cùng gói bánh, trò chuyện, ăn uống, nhảy múa các điệu truyền thống để giao lưu với nhau. Có khách hay chưa có khách, làng vẫn duy trì nếp sinh hoạt truyền thống, vẫn giữ nghề đan lát, xâu cườm để còn truyền dạy cho lớp trẻ. Nay có du khách đến thăm, dân làng thêm vui và có động lực để giữ gìn văn hóa làng”, ông Hường chia sẻ.
Phụ nữ Cadong xâu cườm
Một điểm nhấn thú vị ở vùng đất này chính là lễ hội “Trà My- Cao Sơn Ngọc Quế” được tổ chức hàng năm nhằm quảng bá đặc sản cây quế được biết đến với tên gọi “cao sơn ngọc quế”.
Năm nay, lễ hội sẽ chính thức diễn ra vào ngày 4-6.7 với nhiều hoạt động nhằm quảng bá cây quế và sản phẩm từ cây quế, kêu gọi cộng đồng cùng chung tay bảo tồn và phát triển loại cây đặc sản này, tiếp tục xây dựng và khẳng định giá trị thương hiệu quế Trà My. Đặc biệt sẽ tái hiện không gian sinh hoạt, lao động sản xuất của các dân tộc Kinh, Cadong, Cor, Xơ đăng, Mơ nông, các hoạt động liên quan đến cây quế Trà My, các trò chơi múa sạp, ném còn dân tộc Mường; trình diễn đấu chiêng dân tộc Cor; múa trống chiêng, hát dân ca, hát k’cheo dân tộc Cadong.
Kết nối các điểm đến, phát triển du lịch sinh thái, văn hóa
Theo ông Vũ Quốc Tuyến, Câu lạc bộ Điểm đến Quảng Nam, huyện Bắc Trà My có lợi thế để phát triển các loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, về nguồn, khám phá văn hóa, dựa vào cộng đồng. Địa phương đang bảo tồn rất tốt cảnh quan, bản sắc văn hóa. Đây là nền tảng để triển khai khai thác du lịch theo hướng xanh, bền vững mà Quảng Nam đang hướng đến.
Đối với du lịch về nguồn, điểm nhấn là quần thể Khu di tích lịch sử Trung Trung bộ - Nước Oa với cụm các Khu di tích Nước Oa, An ninh khu V, Căn cứ Bộ Tư lệnh Quân khu V,…
Đối với du lịch sinh thái, huyện có cảnh quan thiên nhiên vô cùng đa dạng, phong phú, hấp dẫn như: lòng hồ thuỷ điện Sông Tranh 2, hệ thống các suối, thác hết sức hùng vĩ, tươi đẹp như thác Nước Ví (xã Trà Kót), thác Năm Tầng (xã Trà Giang), thác Nước Oa (xã Trà Tân).... Đây còn là điểm đến hấp dẫn du khách với các cộng đồng làng gắn với các giá trị bản sắc văn hóa vô cùng độc đáo như các lễ hội đâm trâu huê; mừng lúa mới, các làng điệu dân ca, dân vũ múa cồng chiêng, đấu chiêng của người Cadong, Cor, Mường; các làng văn hóa Cao Sơn, nóc Xa Rơ, làng Mường…
Khu di tích an ninh Khu 5 thời gian qua đón rất nhiều đoàn khách về nguồn
Tuy nhiên, phát triển du lịch vẫn còn một số hạn chế như cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế; sản phẩm du lịch chưa đa dạng, hấp dẫn; chất lượng phục vụ du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch; chưa xây dựng được tour tuyến, các hoạt động khám phá, trải nghiệm vẫn ở hình thức tự phát.
Thời gian tới, địa phương cần tăng cường công tác xúc tiến quảng bá, xây dựng những tour-tuyến, kết nối điểm đến giữa các địa phương của Quảng Nam với huyện Bắc Trà My; kêu gọi các doanh nghiệp, câu lạc bộ điểm đến, lữ hành,…hỗ trợ kết nối, hình thành, phát triển tour, tuyến du lịch vùng Tây Nam Quảng Nam (Tam Kỳ - Tiên Phước – Bắc Trà My – Nam Trà My).
Theo bà Phạm Quế Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Hội An Express địa phương cần xác định sản phẩm của mình đã sẵn sàng chưa nếu muốn khai thác du lịch bài bản .Trong ngắn hạn nếu muốn thu hút khách ngay thì nên khai thác tour đi về trong ngày bởi lưu trú ở đây chưa đảm bảo. Sau đó khi đã có nền tảng tương đối cơ bản sẽ tiếp tục tiến đến khai thác tour dài ngày hơn. Khi có doanh thu từ du lịch thì người dân tự khắc sẽ ham học hỏi, tiếp cận các quy trình về du lịch.
Truyền dạy điệu múa cồng chiêng cho những người trẻ ở làng Cao Sơn
Ông Lê Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, thời gian qua, địa phương cũng đã ban hành Đề án phát triển du lịch huyện Bắc Trà My giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030; đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cấp, tôn tạo Làng văn hóa Cao Sơn, làng Mường; quy hoạch, bố trí tái định cư, hướng xây dựng nóc Xơ Rơ thành Làng văn hóa du lịch cộng đồng trong tương lai. Quan tâm đầu tư, tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa, tạo thêm các sản phẩm du lịch.
Đặc biệt, cuối năm 2021, huyện đã ban hành đề án về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Bắc Trà My giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đã thành lập 14 đội cồng chiêng phục vụ sinh hoạt cộng đồng tại địa phương và phát triển du lịch, trong đó có nhiều đội cồng chiêng hoạt động hiệu quả như: Đội cồng chiêng Làng văn hóa Cao Sơn, đội cồng chiêng xã Trà Bui, đội cồng chiêng xã Trà Kót, đội cồng chiêng người Mường Trà Giang; Hình thành 05 đội cồng chiêng dân tộc Cor, Cadong tại các trường học.
Thời gian tới, địa phướng sẽ tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về phát triển du lịch; Tổ chức các lớp tập huấn làm du lịch cho người dân; tiếp tục đầu tư các hạng mục, nội dung tại những làng văn hóa, du lịch; Triển khai thường xuyên và có hiệu quả các hoạt động giao lưu văn hóa, truyền dạy điệu múa trống chiêng trong đồng bào các dân tộc Cadong, Cor, các nghề thủ công,…để tạo sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương.
KHÁNH CHI