Có thể đến năm 2024 thị trường du lịch quốc tế mới phục hồi hoàn toàn
VHO- Đón 2,7 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 27,7 triệu lượt khách nội địa trong 3 tháng đầu năm 2023, ngành Du lịch vẫn đang tự tin với mục tiêu 8 triệu lượt khách quốc tế và 102 triệu lượt khách nội địa, doanh thu du lịch đạt 650 nghìn tỉ đồng. Tuy nhiên, Công ty nghiên cứu thị trường du lịch The Outbox Company cho rằng có khả năng đến năm 2024 thị trường du lịch quốc tế mới phục hồi hoàn toàn.
Thị trường du lịch nội địa đã phục hồi hoàn toàn từ năm 2022
3 tháng đầu năm Việt Nam đón 2,7 triệu lượt khách
Theo tin từ Tổng cục Du lịch, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tháng 3.2023 đạt 895 nghìn lượt khách, giảm 4% so với tháng 2.2023. Tính chung, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong quý I đạt gần 2,7 triệu lượt khách.
Các thị trường khách quốc tế gửi khách đến Việt Nam nhiều nhất gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Thái Lan, Nhật Bản, Malaysia, Đài Loan (TQ), Singapore, Campuchia, Australia.
Các thị trường có lượng khách tăng so với tháng 2.2023 là: Hồng Kông, TQ (tăng 58,8%), Singapore (tăng 36,8%), Nhật (tăng 28,5%), Bỉ (tăng 27,1%), Trung Quốc (tăng 26%), Malaysia (tăng 23%), Tây Ban Nha (tăng 18,3%), Indonesia (tăng 17,2%), Italy (tăng 16%), Đức (tăng 13,3%).
Các thị trường có lượng khách giảm so với tháng 2.2023 là: Lào (giảm 55,3%), Đài Loan, TQ (giảm 29%), Campuchia (giảm 28%), Hàn Quốc (giảm 17%), Mỹ (giảm 15%), Philippines (giảm 14%), Canada (giảm 12,6%).
Lượng khách du lịch nội địa tháng 3.2023 ước đạt 7,5 triệu lượt khách. Trong đó, có khoảng 5 triệu lượt khách có lưu trú. Tổng số khách du lịch nội địa trong quý I đạt 27,7 triệu lượt khách.
Tổng thu từ khách du lịch 3 tháng đầu năm 2023 ước đạt 132,7 nghìn tỉ đồng.
Khách du lịch coi trọng quyền tự do đi lại và tận hưởng những trải nghiệm giải trí hơn
Không có xu hướng nổi bật chi phối thị trường du lịch Việt Nam năm 2023
Trong báo cáo “Triển vọng Du lịch Việt Nam 2023” do Công ty nghiên cứu thị trường du lịch The Outbox Company vừa phát hành cho thấy, sẽ không có xu hướng mới nổi bật nào chi phối thị trường du lịch Việt năm 2023. Thay vào đó là những thay đổi từ các yếu tố môi trường, định hình những xu hướng mà các doanh nghiệp phải theo dõi thường xuyên để linh hoạt phản ứng, gồm nhóm yếu tố điều chỉnh và nhóm yếu tố định hình.
Nhóm yếu tố điều chỉnh có chính sách visa, triển vọng nền kinh tế, đầu tư, bất động sản du lịch và chi phí hàng không nội địa. Về nhóm yếu tố định hình, du khách Việt sẽ vẫn ưu tiên chăm sóc sức khỏe. Họ cân nhắc nhiều hơn giữa chi phí và giá trị thực nhận, mong muốn bản sắc cá nhân được phản ánh qua hoạt động du lịch và nhận thức rõ hơn về phát triển bền vững.
Một đặc tính tâm lý rõ ràng xuyên suốt nhất năm 2022 chính là việc du khách coi trọng quyền tự do đi lại và tận hưởng những trải nghiệm giải trí hơn. Mặc dù lo ngại về tài chính trong quá trình lên kế hoạch và tìm kiếm dịch vụ cho các chuyến đi, nguồn năng lượng và nhu cầu tìm kiếm, làm giàu thêm các trải nghiệm du lịch được dự báo vẫn sẽ tiếp tục trong năm 2023.
Trong năm qua, du lịch nội địa lẫn quốc tế tại Việt Nam đã chứng kiến sự phục hồi đáng kể vào năm 2022 so với mức thấp kỷ lục của năm 2021. Du lịch nội địa trở lại mạnh mẽ (+153,3%) và vượt qua tổng lượt khách ghi nhận năm 2019 (+19,2%) sau 12 tháng gỡ bỏ các hạn chế do đại dịch.
Theo báo cáo này, thị trường khách quốc tế năm 2022 phục hồi không được như kỳ vọng khi Việt Nam chỉ đón 3,66 triệu khách so với mục tiêu 5 triệu. Việt Nam nằm trong nhóm những quốc gia và vùng lãnh thổ đứng cuối bảng xếp hạng phục hồi du lịch quốc tế với tỉ lệ phục hồi bằng 23% năm 2019. Con số này thấp hơn tỷ lệ phục hồi trung bình của thế giới (55%). Mặc dù tỉ lệ phục hồi của Việt Nam gần bằng với khu vực châu Á - Thái Bình Dương (24%) nhưng nếu xét riêng khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có tỉ lệ hồi phục chậm nhất trong số những quốc gia được khảo sát.
Dựa trên các kịch bản phục hồi của UNWTO cho năm 2023, lượng khách du lịch quốc tế toàn cầu có thể đạt 80-95% so với mức trước đại dịch trong năm nay, tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Sự phục hồi sẽ tiếp tục trong suốt năm 2023, ngay cả khi ngành du lịch phải đối mặt với những thách thức về kinh tế, sức khỏe và địa chính trị. Việc dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến Covid-19 gần đây ở Trung Quốc, thị trường du lịch nước ngoài lớn nhất thế giới năm 2019, là một bước quan trọng cho sự phục hồi của ngành du lịch ở Châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới. Trong ngắn hạn, điều này có thể mang lại lợi ích cho các điểm đến châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
Ngoài thị trường Trung Quốc, thị trường du lịch quốc tế Việt Nam 2023 kỳ vọng sẽ thu hút lại các thị trường quan trọng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, Anh, Úc,… Có thể kỳ vọng phục hồi du lịch quốc tế của Việt Nam năm 2023 đạt 60-65% mức 2019 nếu cân nhắc các yếu tố tác động cũng như sự nỗ lực đồng bộ của các cơ quan quản lý điểm đến và doanh nghiệp.
Báo cáo “Triển vọng Du lịch Việt Nam 2023” còn nhắc tới một thị trường khách quốc tế tiềm năng lớn là Ấn Độ nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Ấn Độ có tất cả các yếu tố cần thiết để trở thành một thị trường khách đáng khao khát. Tuy nhiên, có lẽ sẽ mất vài năm để Ấn Độ có thể trở thành một thị trường du lịch quốc tế hấp dẫn trên thế giới.
Theo The Outbox Company, triển vọng phục hồi du lịch quốc tế của Việt Nam khả dĩ nhất đạt 7,2 triệu lượt
Kịch bản phục hồi thị trường du lịch quốc tế Việt Nam trong ngắn hạn
Sự trở lại của du lịch quốc tế sẽ rất chậm, có khả năng kéo dài đến hết năm 2024. Lý do là mức độ phục hồi nhu cầu du lịch tại các thị trường trọng điểm thấp và triển vọng không chắc chắn của du lịch thế giới 2023. Dưới đây là các kịch bản có thể xảy ra với thị trường du lịch inbound của Việt Nam sắp tới.
Theo đà phục hồi của các thị trường nguồn quan trọng từ giữa và cuối năm 2022 đến nay, triển vọng phục hồi khả dĩ nhất cho du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2023 là 40% so với năm 2019, tương đương 7,2 triệu lượt khách.
Kịch bản tích cực nhất khi tốc độ phục hồi của các thị trường đạt mức tối ưu sẽ mang lại cho Việt Nam 10 triệu lượt khách quốc tế, tương đương 60% so với năm 2019.
Trong kịch bản ít lạc quan hơn, sự không chắc chắn về những tác động kinh tế và cuộc đua khốc liệt thu hút thị trường khách Trung Quốc trở lại từ các điểm đến trong khu vực sẽ tạo ra sức ép không nhỏ khiến khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 6,3 triệu lượt, tương đương 35% so với năm 2019.
NGUYỄN ANH; ảnh: BÌNH THUẬN