Làm gì để thu hút khách quốc tế?

VHO -Mặc dù đã mở cửa du lịch hoàn toàn rất sớm (từ 15.3) so với các nước trong khu vực và thế giới, có các quy định phòng, chống dịch thông thoáng nhưng lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa được như mong muốn? Vậy, phải làm gì để đón đầu phục hồi du lịch quốc tế khi mùa cao điểm khách quốc tế đang đến gần?

Làm gì để thu hút khách quốc tế? - Anh 1

 Đoàn khảo sát của doanh nghiệp lữ hành Ấn Độ tới Việt Nam Ảnh: NGUYỄN THỊ DINH

 Tập trung vào thị trường tiềm năng

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình mới. Tại Chỉ thị này, Thủ tướng giao Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch, phát triển các sản phẩm mới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong hoạt động du lịch; có giải pháp phù hợp, hiệu quả tăng cường thu hút khách quốc tế.

Đại diện các doanh nghiệp cho rằng, chỉ đạo trên của Thủ tướng rất sát với tình hình thực tế hiện nay. Một nghiên cứu mới đây của Booking.com cho thấy, 61% khách du lịch nói rằng đại dịch đã khiến họ muốn đi du lịch một cách bền vững hơn trong tương lai. Những thay đổi về nhu cầu áp dụng ở nhiều cấp độ khác nhau cho tất cả các phân khúc và cho cả thị trường phương Tây và châu Á- Thái Bình Dương.

Ông Phạm Hà, nhà sáng lập và CEO của Lux Travel Dmc, hãng lữ hành hàng đầu Việt Nam cho rằng: “Cơ hội phục hồi và phát triển như trước khi có dịch Covid-19 là rất lớn. Việt Nam có nhiều lợi thế để đón khách du lịch quốc tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới hiện nay. Đội ngũ chúng tôi hoạt động liên tục thích ứng nhanh chóng trong thảm họa Covid-19, liên tục giữ liên lạc với các đối tác ở nước ngoài. Sau khi Việt Nam mở cửa, Lux Travel Dmc là một trong những đơn vị đầu tiên đón khách quốc tế tới Việt Nam”, ông Phạm Hà cho biết.

Ông Phạm Hà cho rằng, Việt Nam ngoài việc phát triển các sản phẩm du lịch để phục hồi du lịch với các giá trị cốt lõi của du lịch Việt Nam và phù hợp với những nhu cầu đã thay đổi của du khách, Việt Nam cần phải có chính sách visa thuận lợi hơn, mở rộng diện miễn visa và tăng số ngày miễn visa lên để thu hút khách. Công tác quảng bá du lịch cũng cần phải thay đổi và tăng cường, tham gia các hội chợ du lịch nước ngoài (nếu được tổ chức) với sự gắn kết của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các địa phương và các doanh nghiệp để nêu lên được chủ đề chung đang quảng bá của du lịch Việt Nam. Các chương trình quảng bá, xúc tiến ở nước ngoài cũng nên làm ra tấm ra món, không dàn trải, có nghiên cứu kỹ thị trường để xúc tiến vào những thị trường tiềm năng, mục tiêu, khả thi…

Hiện đại hóa tiếp thị và quảng bá du lịch

Việt Nam đặt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022, nhưng cho đến thời điểm hiện tại mới chỉ đón 1,2 triệu lượt. Để đạt được mục tiêu trên, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu sau tác động của đại dịch Covid-19, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, chúng ta cần có những định hướng, kế hoạch mang tính dài hạn, bao gồm đổi mới sản phẩm, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ, năng lực cạnh tranh của du lịch mỗi địa phương cũng như cả nước.

Tổng cục Du lịch đã xây dựng Chiến lược marketing du lịch đến năm 2030. Theo đó, ngành Du lịch sẽ tập trung vào công tác xúc tiến truyền thông quốc tế đến các thị trường mục tiêu; tham gia các hội chợ du lịch quốc tế lớn tại nước ngoài; phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành, hàng không, báo chí xúc tiến tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại nước ngoài; đón các đoàn famtrip, presstrip quốc tế đến khảo sát du lịch Việt Nam; triển khai chương trình kích cầu du lịch tại các thị trường du lịch trọng điểm; tăng cường vai trò của các cơ quan ngoại giao, cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài trong công tác truyền thông xúc tiến… Tổng cục Du lịch cũng đang đẩy mạnh hoạt động truyền thông qua các nền tảng xã hội, marketing điện tử. Trong đó, chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Du lịch tập trung triển khai nằm trong Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội của Chính phủ. Ngoài việc hỗ trợ các địa phương trong công tác số hóa các điểm đến, Tổng cục Du lịch cũng sẽ tăng cường quảng bá số, phát triển du lịch thông minh.

Thời gian qua, Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) đã sửa đổi những Khuyến nghị cho Chiến lược Tiếp thị để tư vấn cho Chính phủ và ngành Du lịch; các chuyên gia xây dựng thương hiệu quốc tế cũng đã tiến hành đánh giá thương hiệu điểm đến Việt Nam, đánh giá vị thế so với các đối thủ cạnh tranh dựa trên sự hiểu biết về thị trường quốc tế và thực tiễn nhất. Khuyến nghị được đưa ra để xây dựng lại thương hiệu chiến lược có định vị cảm xúc mạnh mẽ hơn và nêu bật sự độc đáo của trải nghiệm Việt Nam khi thời gian qua việc tiếp thị và xúc tiến du lịch đã phát triển đáng kể. Các chuyên gia cũng cho rằng cần chuyển đổi số trong nghiên cứu thị trường, phân tích và quảng bá; quản lý nội dung hiệu quả để củng cố thương hiệu. Việt Nam cần đầu tư vào các hình thức mới và sáng tạo của các kênh truyền thông ngoại tuyến và trực tuyến nhưng không làm mất đi sức mạnh của các phương pháp quảng bá truyền thống. Sử dụng tốt nhất các dịch vụ thuê ngoài để phát triển và thực hiện các chiến dịch tiếp thị trực tuyến hiện đại thực tế nhất toàn cầu trên các thị trường mục tiêu. Tăng sự tham gia của khu vực tư nhân vào các hoạt động tiếp thị thương hiệu quốc gia. Tăng cường đại diện phối hợp quốc tế trên các thị trường mục tiêu chính- thông qua cả hỗ trợ truyền thông và tăng cường nâng cao năng lực trong Bộ Ngoại giao. Hỗ trợ sự tham gia của khu vực tư nhân với các thị trường mục tiêu thông qua các chiến dịch B2B (giao dịch, đối thoại giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp). 

NGUYỄN ANH

Ý kiến bạn đọc