Ninh Thuận: Kỳ bí cánh đồng đất sét Paley Hamu Trok bên bờ sông Quao
VHO - Hàng trăm năm nay, đồng bào Chăm đến cánh đồng đất sét Paley Hamu Trok bên bờ sông Quao (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) về nhào nặn làm gốm, tạo nên thương hiệu gốm Bàu Trúc nổi tiếng. Thế nhưng lạ kỳ thay cánh đồng có bị đào, xúc bao nhiêu đất tại đây cũng không thành hố, mà cứ lồi lên.
Cánh đồng đất sét Paley Hamu Trok bên bờ sông Quao thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận
Cánh đồng đất sét Thạch Sanh
Chúng tôi đến thị trấn Phước Dân những ngày này, được nghe bà con nơi đây kể nhiều câu chuyện về bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa, phát triển mô hình du lịch cộng đồng, nghề dệt thổ cẩm, làm gốm… đã góp phần làm thay đổi diện mạo làng quê, đời sống người dân được nâng cao, khởi sắc. Nhưng đáng chú ý nhất là câu chuyện về cánh đồng đất sét nơi đây như nồi cơn Thạch Sanh, cứ đào xuống lại đầy lên, khiến chúng tôi ngỡ ngàng.
Anh Đàng Chí Quyết – Trưởng Ban phát triển du lịch cộng đồng làng gốm Bàu Trúc cho biết: Người Chăm chúng tôi gọi làng gốm Bàu Trúc bằng tiếng Chăm là Paley Hamu Trok, có nghĩa là làng có cánh đồng lồi. Người dân ở địa phương thường hay có cách so sánh ví von cánh đồng đất sét là cánh đồng Thạch Sanh, bởi vì đất sét ở cánh đồng này hàng trăm năm nay người dân đào chở về làng làm gốm Bàu Trúc nhưng đất không lõn xuống mà cứ qua một mùa trồng lúa đất tại đây lại đùn lên đầy đặn.
Theo anh Quyết, cánh đồng đất sét kề bên bờ sông Quao nên mùa mưa thì người dân trồng lúa, còn mùa khô không có nước nên người dân lại ra cánh đồng đào đất về nhào nặn làm gốm Bàu Trúc. Làng gốm Bàu Trúc hay còn gọi là Paley Hamu Trok là một trong những làng gốm lâu đời nhất Đông Nam Á. Người dân trong làng cũng gọi cánh đồng đất sét là cánh đồng Paley Hamu Trok.
Anh Quyết tiếp tục kể: Không biết Paley Hamu Trok có từ bao giờ, nhưng từ thời ông bà xa xưa cánh đồng này đã có và là nguồn nguyên liệu đất sét làm gốm cho làng Bàu Trúc.
Theo người dân địa phương, đông bào Chăm làng Bàu Trúc là con cháu của Pô Klong Chanh, một quan cận thần của vua Po Klong Garai, người được vua Shihavaman đặt tên cho một cụm tháp Chăm, nay là di tích quốc gia Po Klong Garai. Từ xa xưa, người dân Chăm nơi đây truyền truyền miêng rằng, Po Klong Chanh đã đưa tổ tiên họ đến định cư ở cánh đồng Paley Mamu Trok và dạy dân đào đất sét làm gốm, phát triển nghề gốm Bàu Trúc cho đến bây giờ.
Biểu diễn làm gốm ở làng gốm Chăm Bàu Trúc
Theo sự hướng dẫn của anh Quyết, chúng tôi đến cánh đồng đất sét cách trung tâm thi trấn Phước Dân khoảng 4 km bên bờ sông Quao rộng lớn mênh mông tìm hiểu. Người dân cho biết, cánh đồng này có diện tích hàng trăm héc-ha (ha), nhưng chỉ có khoảng vài chục ha là có đất sét. Đất sét ở đây có đặc điểm rất đặc biệt khi cho nước vào nhào nặn thì rất dẻo và có độ quánh và mịn. Khi nặn gốm và đem vào lò nung thì gốm không bị nứt.
“Làm bằng tay, xoay bằng mông”
Dòng sông Quao vẫn hiền hòa chảy miệt mài, bồi đắp phù sa đôi bờ để cánh đồng lúa thêm tươi tốt, như đồng bào Chăm nơi đây vẫn luôn chăm chỉ, thủy chung với nghề làm gốm Bàu Trúc.
Bà Đàng Sanh Ái Chi – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước cho biết: Làng gốm Chăm Bàu Trúc có khoảng 400 hộ gia đình. Trong đó có trên 80% hộ gia đình vẫn tiếp tục theo nghề gốm. Theo chân bà Chi vào giữa trung tâm làng gốm là khu vực trưng bày với rất nhiều chủng loại khác nhau từ bình hoa, ấm nước cho đến nồi niêu, chum vại,… Đặc biệt ở đây có những tháp tượng mô phỏng vũ nữ Chăn múa điệu Apsara độc đáo.
“Cách làm gốm Bàu Trúc rất độc đáo “làm bằng tay xoay bằng mông” không có bàn xoay mà toàn bộ làm bằng tay nên mỗi sản phẩm là một tác phẩm riêng lẻ, không giống nhau. Chỉ có đất ở cánh đồng sông Quao thì mới làm các sản phẩm gốm bằng tay, còn đất chỗ khác thì không được”, bà Đàng Sanh Ái Chi nói.
Điểm đặc biệt của nghề làm gốm ở Bàu Trúc chính là phương pháp làm gốm thủ công, mang tính nghệ thuật cao với sự tỉ mỉ, tinh tế trong từng nét chạm khắc.
Theo ghi nhận của Văn Hóa, ở nhiều làng nghề khác, người làm gốm thường dùng các bàn xoay để nặn gốm. Tuy nhiên ở làng Bàu Trúc, các nghệ nhân gốm dùng chính đôi tay khéo léo của mình để tạo nên những sản phẩm. Hoa văn trên gốm Bàu Trúc là những đường chạm khắc mang đậm nét văn hóa Chăm Pa như là những hình sông nước, chấm vỏ sò, hoa văn móng tay,… Gốm Chăm Bàu Trúc có màu sắc vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám xen lẫn những vệt nâu đặc trưng, có tính “độc bản”. Các sản phẩm luôn có sự khác biệt riêng bởi mỗi sản phẩm tạo ra nó có cái hồn riêng lưu lại từ quá trình nung đất cho đến những nét hoa văn. Đó chính là yếu tố quan trọng trong nghề làm gốm của người Chăm từ xưa cho đến bây giờ và mai sau.
Du khách đến làng gốm Bàu Trúc tham quan, tìm hiểu
Ông Bạch Văn Nguyên – Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết: Những năm trở lại đây, làng gốm Chăm Bàu Trúc đã thu hút một số lượng đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan. Sản phẩm gốm cũng được khách du lịch đặt mua nhiều, người làm gốm có đời sống tốt và được cải thiện nâng cao.
Theo ông Bạch Văn Nguyên, để đảm bảo vùng nguyên liệu đất sét phục vụ cho làng gốm Bàu Trúc, UBND huyện đã quy hoạch cánh đồng đất sét 5ha bên bờ sông Quao để bà con đến đây khai thác đất sét lâu dài.
XUÂN HƯỚNG