Quảng Ngãi: Phát huy giá trị văn hóa biển, đảo trong phát triển du lịch

VHO- Quảng Ngãi có nhiều tiềm năng, thế mạnh về du lịch, nhất là du lịch biển, đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái. Trong đó, lấy du lịch biển, đảo làm mũi nhọn, du lịch văn hóa làm trọng tâm, du lịch sinh thái làm nền tảng cho phát triển du lịch bền vững. Xác định được thế mạnh đó, thời gian qua, các cấp, ngành và cả những cá nhân, đơn vị trong ngành Du lịch đã và đang nỗ lực tự làm mới mình bằng những sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương.

Quảng Ngãi: Phát huy giá trị văn hóa biển, đảo trong phát triển du lịch - Anh 1

 Một góc huyện đảo Lý Sơn nhìn từ trên cao

 Những nét văn hóa biển, đảo đặc sắc

Huyện đảo Lý Sơn cách đất liền khoảng 25 km về phía Đông thu hút khách đến quanh năm với các loại hình du lịch sinh thái biển, nghỉ dưỡng biển, đảo. Du khách đến với nơi đây tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm nét văn hóa độc đáo của ngư dân vùng biển. Văn hóa của cư dân biển thể hiện rõ nét qua các lễ hội dân gian, trong đó có lễ hội cầu ngư, đua thuyền tứ linh, đặc biệt là lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Đây là lễ hội được nhân dân huyện đảo Lý Sơn duy trì hàng trăm năm nay. Tìm hiểu những hình ảnh, tài liệu, bằng chứng quý báu minh chứng về lịch sử xác lập chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong thời gian tới, du khách đến Lý Sơn còn được tham quan điểm đến mới như Nhà trưng bày bộ xương cá Ông (cá voi) lớn nhất Châu Á tại lăng Tân. Đồng thời trải nghiệm sản phẩm du lịch cộng đồng với chương trình “Kỳ bí đảo núi lửa Lý Sơn”, trong đó, du khách sẽ được tham gia cùng người dân trong cuộc sống sinh hoạt, sản xuất hành tỏi, khai thác các sản vật của biển.

Lý Sơn còn bảo tồn và lưu giữ khá nguyên vẹn 60 di tích lịch sử, văn hóa; trong đó có 4 di tích lịch sử cấp quốc gia, 2 di sản văn hóa phi vật thể và 2 thắng cảnh thiên nhiên và 17 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp tỉnh. Bà Phạm Thị Hương – Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: “Huyện đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường, nhận thức đầy đủ du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, mang nội dung văn hóa, nhân văn sâu sắc. Bên cạnh trùng tu, sửa chữa lại các di tích, lịch sử -văn hóa, huyện bổ sung các sản phẩm du lịch từ nông, ngư nghiệp, hạ giá thành sản phẩm du lịch nhưng không giảm chất lượng... để phục vụ du khách. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả quảng bá du lịch Lý Sơn thông qua các trang mạng xã hội có sức lan tỏa mạnh”.

Cùng với Lý Sơn, văn hóa Sa Huỳnh nằm trên chuỗi du lịch di sản biển đảo nên có lợi thế để phát triển du lịch. Đây là một trong những điểm nhấn về du lịch Quảng Ngãi. Sa Huỳnh có bãi cát mịn, óng ả một màu vàng, chạy dài gần 6 km, liền bên ngoài là một vùng biển xanh, bên trong là những hàng dương vi vút gió và làng chài núp dưới bóng dừa; xa hơn là lác đác sơn thôn nằm trên lưng chừng những ngọn núi thấp như núi La Vân, núi Gò Chùa, núi Đá Đen, núi Diên Trường…

Ở đây, những nhánh rẽ của hệ núi Trường Sơn Nam nhoài ra biển, theo hướng tây bắc – đông nam, để trở thành những mũi đá: mũi Sa Huỳnh, mũi Kim Bồng; cù lao: hòn Đụn, hòn Châu Me, hòn Dù, hòn Son,... đồng thời kết hợp và chịu tác động với các yếu tố khác về địa hình, khí hậu, thuỷ văn (sóng, gió, cát biển, dòng suối nhỏ, thuỷ triều,…) để tạo ra các đầm nước, bàu nước: đầm An Khê, đầm Nước Mặn, đầm Lâm Bình, bàu Nú.

Thêm vào bức tranh thiên nhiên kỳ thú đó là cánh đồng ruộng muối, với những đụn muối trắng phau, những ô ruộng vuông vức, phẳng lỳ... Có thể nói rằng, tạo hoá và con người đã cùng góp bàn tay tạo tác để Sa Huỳnh trở thành một trong những bờ biển đẹp nhất Việt Nam.

Một điểm đến nổi tiếng khi đến Sa Huỳnh không thể bỏ qua, đó là làng Gò Cỏ ở phường Phổ Thạnh. Nơi đây hội tụ tinh hoa của văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa và Đại Việt. Gò Cỏ từ lâu đã được xem như “viên ngọc quý” của ngành du lịch Quảng Ngãi. Ngôi làng cổ nghìn năm tuổi vẫn giữ cho mình một diện mạo thuần chất đã và đang được đầu tư phát triển du lịch cộng đồng thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Quảng Ngãi: Phát huy giá trị văn hóa biển, đảo trong phát triển du lịch - Anh 2

 Đến với đầm An Khê du khách có thể tìm hiểu tham quan, trải nghiệm cùng cuộc sống mưu sinh người dân đánh bắt thủy sản

Định hình, xây dựng sản phẩm du lịch có chiều sâu

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt Đề án xây dựng chương trình định vị và phát triển du lịch Quảng Ngãi đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, với mục tiêu tổng quát xây dựng, phát triển thương hiệu du lịch Quảng Ngãi phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam, gắn liền với định hướng phát triển thương hiệu vùng duyên hải miền Trung, đồng thời cải thiện vị thế của Quảng Ngãi trong bức tranh du lịch vùng và cả nước.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng – Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh, Quảng Ngãi chỉ mới bắt đầu vào giai đoạn thứ hai – giai đoạn tham gia trong vòng đời của một điểm đến với sự đầu tư và hỗ trợ của cơ quan quản lý để phát triển các yếu tố cần thiết phục vụ cho hoạt động du lịch (giao thông, lưu trú, cơ sở dịch vụ khác…). Mặc dù Phú Yên và Bình Định cùng nằm ở giai đoạn này, cả hai tỉnh trên đều thể hiện những bước tiến tích cực hơn trong phát triển du lịch so với Quảng Ngãi. Quảng Nam ở giai đoạn phát triển, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế ở giai đoạn bền vững, đồng nghĩa với việc ba tỉnh, thành này đã hoàn thiện về mặt giao thông, hạ tầng và các sản phẩm du lịch. Ngoài ra, các địa phương khác cũng sở hữu nguồn tài nguyên tương tự và có những hoạt động du lịch có thể thu hút du khách. Do vậy, việc cần làm để đưa du lịch Quảng Ngãi phát triển là đánh giá khả năng đáp ứng cho du khách trong từng phân khúc thị trường của Quảng Ngãi so với các tỉnh, thành trong vùng. Trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch, thu hút đầu tư và tạo ra các sản phẩm du lịch có chất lượng, bài bản, giá trị tăng cao và chú trọng vào dòng khách chuyên biệt để tạo nên sức cạnh tranh, từng bước đưa du lịch phát triển, rút ngắn khoảng cách so với các tỉnh trong khu vực.

Tỉnh Quảng Ngãi hiện đã hoàn thành logo nhận diện thương hiệu du lịch của tỉnh sau thời gian tham vấn ý kiến các nhà chuyên môn. Khẩu hiệu thương hiệu (Tagline) “KHÁM PHÁ QUẢNG NGÃI” - “EXPLORE QUANG NGAI”. Biểu trưng thương hiệu (Logo), thể hiện đầy đủ các giá trị biểu trưng và định vị tên riêng của điểm đến, đáp ứng các yêu cầu về truyền thông, biểu trưng được định hướng thiết kế mềm mại, thanh mảnh với phong cách đơn giản, trẻ trung nhằm thể hiện tính cách bình yên và thư thái của điểm đến, sức sống của du lịch Quảng Ngãi cũng như phù hợp với xu hướng thị trường. Màu sắc thiết kế logo dựa trên cảm hứng từ tông màu xanh nước biển (biển đảo), tông màu nâu (địa chất núi lửa), tông màu đỏ (lịch sử hào hùng) và tông màu xanh lá (nông nghiệp, du lịch cộng đồng hướng tới phát triển du lịch bền vững).

Dựa trên 2 giá trị cốt lõi của thương hiệu du lịch Quảng Ngãi là biển đảo và văn hóa Sa Huỳnh. Hình ảnh đại diện của du lịch biển đảo là Lý Sơn được thể hiện bằng hình khối núi lửa; đặc trưng văn hóa Sa Huỳnh được thể hiện bằng chữ Q (cách điệu từ hình ảnh mộ chum), chữ G (cách điệu từ khuyên tai đầu thú), hoa văn, họa tiết sóng trên đồ gốm... Hình ảnh miệng núi lửa Lý Sơn được làm nổi bật, trung tâm của logo trên nền du lịch biển, văn hóa Sa Huỳnh và cách điệu đôi chim hải âu bay trên biển đảo yên bình.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh cho biết, địa phương xây dựng hình ảnh du lịch Quảng Ngãi an toàn, thân thiện, mở cửa đón khách du lịch quay trở lại Quảng Ngãi, Sở VHTTDL đã tổ chức phát động, ký kết chương trình kích cầu du lịch đối với doanh nghiệp du lịch trên toàn tỉnh. Qua đó, các doanh nghiệp trên tất cả các dịch vụ như lưu trú, lữ hành, vận chuyển, ăn uống, điểm đến đều tham gia với mục tiêu giảm giá nhưng không giảm chất lượng, phù hợp với xu hướng du lịch của du khách. Bên cạnh đó, Sở cùng với các địa phương đã tổ chức các sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao để tạo điểm nhấn, thu hút khách quay trở lại Quảng Ngãi như: Giải dù lượn các Câu lạc bộ toàn quốc, Giải bóng chuyền bãi biển tại Lý Sơn, Giải bóng chuyền hạng A Quốc gia 2022, Hội thi văn hóa – thể thao các dân tộc thiểu số khu vực miền Trung, Tây Nguyên... 

 “Theo tinh thần Nghị quyết chuyên đề số 05-NQ/TU ngày 02/11/2021 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi về đẩy mạnh phát triển du lịch, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Đề án phát triển du lịch Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định một số nhiệm vụ trọng tâm trong đó có phát triển mạnh 03 dòng sản phẩm du lịch chủ đạo là du lịch biển, đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái. Đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng dịch vụ du lịch. Phát huy lợi thế, tiềm năng du lịch của từng địa phương, phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Phát triển các sản phẩm du lịch mới, quà tặng lưu niệm… Giai đoạn 2022 - 2025, tập trung ưu tiên thị trường nội địa, xác định thị trường nội địa là động lực, đòn bẩy để phục hồi và phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi trong và sau đại dịch COVID-19. Phát triển hiệu quả tuyến du lịch nội tỉnh và liên tỉnh, liên vùng. Phấn đấu đến năm 2025, Quảng Ngãi đón được 1,36 triệu lượt khách, trong đó có 160 nghìn lượt khách quốc tế; tăng trưởng bình quân 24,3%/năm”. NHƯ ĐỒNG

P.V

Ý kiến bạn đọc