Nguy hiểm từ những điểm du lịch tự phát tại Quảng Ngãi: Tiến hành rà soát và cảnh báo
VHO- Quảng Ngãi hiện bước vào cao điểm mùa nắng nóng nên loại hình du lịch sinh thái gắn với tắm suối thác đang thu hút nhiều người dân, nhất là giới trẻ muốn được khám phá, trải nghiệm.
Thắng cảnh thác Vực Bà là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho du khách nhưng chưa có biển cảnh báo
Đây là tín hiệu khả quan về những sản phẩm du lịch mới, tuy nhiên đi liền với đó là những nguy cơ mất an toàn cho du khách, những người đam mê trải nghiệm.
Tiềm ẩn tai nạn thương tích và đuối nước
Đã nhiều ngày qua nhưng người dân vẫn còn bàng hoàng khi xảy ra vụ đuối nước tại thắng cảnh thác Vực Bà nằm ở giữa hai xã Bình Minh và Bình An, huyện Bình Sơn. Một nhóm gồm 6 em học sinh lớp 8 Trường THCS Bình Minh, xã Bình Minh đến khu vực này để chơi thì có em L.T.V không may bị trượt chân ngã xuống dưới thác tử vong. Sự việc thương tâm này gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự mất an toàn ở những điểm sông, suối, thác trong ngày hè.
Vài năm trở lại đây, thác Vực Bà trở thành điểm đến quen thuộc của những người yêu khám phá thiên nhiên. Đầu nguồn thác dài đến mấy cây số, rất nhiều khe suối nhỏ hợp thành với hàng nghìn tảng đá to nhỏ. Dòng thác đổ về xuôi cao chừng 15m. Bên cạnh vẻ đẹp hoang dã, thơ mộng, thác Vực Bà luôn tiềm ẩn nhiều mối hiểm nguy bởi có một số điểm khá sâu, nhiều hang hốc và dễ trơn trượt.
Huyện Trà Bồng có nhiều thác, suối đẹp, cảnh sắc thiên nhiên hữu tình, cây rừng đổ bóng mát, những tảng đá to, nhỏ nối nhau trở thành điểm dã ngoại lý tưởng. Những điểm được nhiều người biết đến như suối Trà Bói, Hà Nang, Sen Bay, Suối Chè, Hai Vũng, Hồ Nước Trong… Đây chính là những địa điểm lý tưởng dừng chân cho rất nhiều du khách, gia đình trong và ngoài huyện để dã ngoại, trải nghiệm, vui chơi trong những dịp cuối tuần, nghỉ lễ. Qua thống kê toàn huyện có 22 địa điểm là thắng cảnh mà du khách đến thăm quan, du lịch đều chưa có sự quản lý, giám sát của cơ quan chức năng khiến nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước, sảy chân ngã từ vách đá… là rất cao, nhất là khi các nhóm du khách tổ chức du lịch đến đây theo dạng đi phượt. Mỗi năm có hàng chục nghìn lượt du khách đến tham quan, nghỉ ngơi ở các điểm trên.
Vì thế, những địa điểm du lịch tự nhiên tiềm năng như suối Trà Bói và nhiều thắng cảnh sinh thái đẹp trên địa bàn cần được quan tâm phát triển, vừa tạo cơ hội thay đổi sinh kế, cải thiện cuộc sống cho người dân địa phương, vừa đảm bảo an toàn cho du khách. Theo thống kê của Công an huyện Trà Bồng, từ 2014 đến nay đã có ít nhất 3 vụ tai nạn gây chết người tại các điểm du lịch thác, hố nước sâu; tình trạng mâu thuẫn, gây thương tích, trộm cắp… vẫn thường xuyên xảy ra, đó là chưa kể về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, PCCC rừng…
Suối Trà Bói, huyện Trà Bồng thu hút du khách dã ngoại vào dịp cuối tuần
Tăng cường quản lý chặt chẽ
Để hạn chế những nguy cơ do hoạt động du lịch tự phát gây ra, ông Hoàng Anh Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng đã có ý kiến chỉ đạo các ngành có liên quan và UBND xã, thị trấn tiến hành kiểm tra, quản lý đối với các điểm du lịch trên địa bàn huyện, trong đó trước mắt tập trung khảo sát, đánh giá các yếu tố phức tạp về an ninh, an toàn đối với từng điểm du lịch tự phát tại địa phương.
Từ đó tham mưu với UBND huyện tổ chức việc cắm biển cảnh báo nguy hiểm ở các khu vực cần thiết. Tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật tại các điểm du lịch tự phát về hoạt động xây dựng, kinh doanh dịch vụ ăn uống, vệ sinh môi trường, an toàn phòng cháy, an ninh, trật tự… để chấn chỉnh, từng bước đi vào nề nếp. Với lợi thế được thiên nhiên ưu đãi, đặc biệt là những thác nước đẹp, việc phát triển các sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh hứa hẹn là một trong những lợi thế đầy triển vọng của ngành du lịch. Hiện một số khu du lịch như Mỹ Khê, Sa Huỳnh, Suối Chí, Bãi Dừa, Thác Trắng, Suối khoáng nóng Nghĩa Thuận… do doanh nghiệp đầu tư nên cơ sở vật chất, hay hệ thống bảng biển cảnh báo cũng được trang bị đầy đủ hơn so với các điểm chưa có sự đầu tư, đặc biệt là các điểm tự phát.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Ngãi, công tác quản lý các khu, điểm du lịch, công tác đảm bảo an toàn, cứu hộ cứu nạn cho nhân dân và du khách khi tham gia các hoạt động vui chơi, tham quan, giải trí vẫn còn nhiều hạn chế, thời gian qua vẫn xảy ra các vụ tai nạn, đuối nước, nhất là tại các bãi biển, suối, thác. Các khu, điểm giàu tài nguyên du lịch, các địa điểm vui chơi, giải trí công cộng chưa có hoặc chưa đáp ứng yêu cầu về mô hình quản lý, quy chế hoạt động, nhân sự, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn và cảnh báo nguy hiểm.
Để phòng tránh các tai nạn đáng tiếc, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác, bảo vệ tài nguyên du lịch và xây dựng các điểm đến an toàn, Sở VHTTDL đã yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố và các khu, điểm du lịch tiếp tục rà soát, thống kê, đánh giá tài nguyên du lịch trên địa bàn; nghiên cứu các khu, điểm du lịch đủ điều kiện và lập hồ sơ công nhận điểm du lịch, khu du lịch cấp tỉnh theo quy định của Luật Du lịch 2017 và Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL của Bộ VHTTDL. “Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, môi trường, an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm… tại các điểm du lịch tự phát trên địa bàn, đảm bảo quy định của pháp luật, an toàn cho nhân dân, du khách đến vui chơi, góp phần mang lại lợi ích về kinh tế cho địa phương. Triển khai ngay các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, môi trường, an toàn cho nhân dân và du khách, nhất là học sinh, sinh viên ở các khu, điểm du lịch, bãi biển công cộng, thác, suối, hồ, đập, nhà hàng nổi trên địa bàn; bố trí phương tiện, nhân sự và tăng cường chế độ trực cứu hộ, cứu nạn để can thiệp, xử lý, ứng cứu kịp thời các sự cố, tai nạn, rủi ro xảy ra…”, ông Dũng cho biết.
NHƯ ĐỒNG