Phục hồi du lịch tại các địa phương: Cần sự chung tay, góp sức thì mới hiệu quả
VHO- Để việc mở cửa du lịch quốc tế và khôi phục du lịch trong nước thực sự hiệu quả, Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch đang tổ chức các đoàn công tác tới làm việc với một số địa phương là trung tâm du lịch lớn của cả nước nhằm ghi nhận những thuận lợi, khó khăn và đề xuất giải pháp tháo gỡ.
Khách du lịch hào hứng lên đường sau một thời gian dài hạn chế đi lại do dịch Covid-19
Việc phục hồi phải có kế hoạch rõ ràng
Kể từ sau quyết định mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới ngày 15.3, hầu hết các địa phương đều đã chuẩn bị các phương án cho riêng mình. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho rằng: Ngành Du lịch đang bước vào giai đoạn cao điểm của du lịch nội địa, vì vậy, công tác chuẩn bị đón khách cần phải được chuẩn bị chu đáo, khẩn trương, lên kế hoạch rõ ràng. Thời gian qua, du lịch Thành phố đã có những nỗ lực nhất định trong việc đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới hoạt động xúc tiến quảng bá, làm mới sản phẩm… để sẵn sàng cho việc mở cửa đón khách trở lại Thành phố mang tên Bác.
Thời gian qua, ngành Du lịch thành phố đã tích cực triển khai nhiều hoạt động như: Chương trình liên kết phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020-2030; xây dựng Đề án Du lịch thông minh giai đoạn 2020-2030. Chủ động triển khai chương trình quảng bá, truyền thông du lịch gắn với chuyển đổi số về hình ảnh TP.HCM là điểm đến sống động, hấp dẫn, thân thiện và an toàn với du khách trong và ngoài nước. Tiếp tục hoàn thiện, nâng chất sản phẩm du lịch của thành phố theo hướng mỗi địa bàn có ít nhất một sản phẩm. Tập trung đầu tư công tác xúc tiến du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch…
Sở Du lịch TP.HCM cũng kiến nghị Bộ VHTTDL phối hợp các Bộ, ngành liên quan có chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch tham gia các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch, tiếp tục có chính sách hỗ trợ phí, lệ phí, thuế. Nhiều doanh nghiệp du lịch tại TP.HCM cho biết, ngành Du lịch thành phố đã hết sức chủ động, sáng tạo trong việc liên kết, phối hợp tạo ra những sản phẩm, tour tuyến mới hấp dẫn, thu hút du khách. Để vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, các doanh nghiệp mong muốn sẽ tiếp tục được hỗ trợ trong công tác đào tạo nhân lực, xúc tiến quảng bá, tạo cơ chế thông thoáng để đón khách quốc tế…
Ở Tây Ninh, sau dịch Covid-19, lượng khách tới du lịch Tây Ninh còn thấp. Theo nhận định của Sở VHTTDL Tây Ninh, nguyên nhân khiến lượng khách du lịch tới Tây Ninh duy trì ở mức thấp và thời gian lưu trú ngắn, một phần vì tỉnh này chưa có sản phẩm đặc sắc giữ chân du khách. Bên cạnh đó, vấn đề mà các cơ sở kinh doanh và điểm du lịch Tây Ninh đang phải đối mặt hiện nay là thiếu hụt nguồn nhân lực và hạn chế về kỹ năng. Để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch Tây Ninh và làm mới sau dịch Covid-19, phù hợp với tình hình hiện nay, đại diện lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Tây Ninh đề xuất: Tây Ninh là tỉnh biên giới, do đó cần có cơ chế đặc thù để tạo điều kiện cho người dân ở các khu vực biên giới giao lưu, đi lại du lịch. Hiệp hội Du lịch Tây Ninh cũng đề xuất Bộ VHTTDL kết hợp với Bộ NN&PTNT nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp trên địa bàn để phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của các danh lam thắng cảnh Tây Ninh như: Vườn quốc gia di sản, chợ đường biên, hồ Dầu Tiếng - một trong những hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á nhưng hiện nay chưa khai thác được du lịch... Đồng thời, xem xét có giải pháp tháo gỡ khó khăn hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển du lịch sinh thái, trong đó có du lịch farmstay.
Đồng hành quảng bá, xúc tiến
Đối với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, lượng khách du lịch đến tỉnh trong tháng 4 cũng rất khả quan, ước đạt 1.434.800 lượt, đạt 45,08% kế hoạch năm, tăng 11,19% so cùng kỳ năm 2021. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022 tỉnh này đã đón 4.808.500 lượt khách, đạt 151,07 % kế hoạch năm, tăng 10,29% so với cùng kỳ. Đại diện một số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, tốc độ phục hồi của du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu đang rất khả quan. Công suất phòng vào dịp cuối tuần, nghỉ lễ, tết luôn đạt trên 80%, giữa tuần khoảng 20-30%. Phân khúc khách nghỉ dưỡng chính là khách lẻ theo gia đình, nhóm nhỏ chủ yếu từ khu vực Đông Nam Bộ về nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe. Gần đây, có thêm phân khúc khách MICE cũng bắt đầu trở lại Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngành Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu đã tích cực triển khai các hoạt động mở cửa đón khách và khôi phục du lịch. Trong đó, tập trung vào các nội dung đa dạng hóa, phát triển sản phẩm du lịch; bảo đảm an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch; phát triển nguồn nhân lực; tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến…
Tuy nhiên, sau dịch Covid-19, hiện nay các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các vướng mắc liên quan đến tiền thuê đất, tiền điện, thiếu hụt lực lượng lao động trong ngành, khó khăn trong công tác chuyển đổi số, xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch… Đại diện Vietravel Bà Rịa - Vũng Tàu nhận định, ngành du lịch đang khởi động lại với tốc độ khá nhanh. Vietravel ngoài các sản phẩm truyền thống thì cũng đã chủ động phát triển sản phẩm mới, tạo sự liên kết nhất là với các địa phương phía Bắc và được thị trường đón nhận mạnh mẽ. Nhưng khó khăn còn rất nhiều và doanh nghiệp vẫn rất cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thuế thu nhập để tuyển dụng, thu hút người lao động trở lại làm việc trong ngành Du lịch.
Mặc dù có dư địa, tiềm năng lớn để phát triển du lịch, nhưng các doanh nghiệp du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu tự nhận thấy còn chưa khai thác được hết tiềm năng. Các sản phẩm chưa thực sự hấp dẫn để thu hút du khách quay lại. Hiệp hội Du lịch tỉnh này đề xuất Tổng cục Du lịch hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, tổ chức hội nghị, hội thảo tìm giải pháp xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm hỗ trợ doanh nghiệp du lịch tiếp cận nhanh hơn tới các thị trường truyền thống và tiềm năng sau dịch. Các doanh nghiệp du lịch cũng mong muốn Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục định hướng, hỗ trợ công tác đào tạo nhân lực, kết nối thu hút thêm nhiều tập đoàn đầu tư vào tỉnh…
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đánh giá cao sự nỗ lực, chủ động của ngành Du lịch các địa phương như: TP.HCM, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu trong thời gian qua đã tổ chức nhiều sự kiện, các hoạt động xúc tiến, quảng bá, định hướng thị trường, đào tạo nguồn nhân lực để thu hút khách du lịch, hướng đến phục hồi hoạt động du lịch. Tuy nhiên, ngành du lịch các tỉnh này cần phải khẳng định việc quảng bá, xúc tiến du lịch cần có sự chung tay, góp sức của cả cơ quan quản lý, các địa phương và doanh nghiệp thì mới hiệu quả và đồng bộ. Ông Hà Văn Siêu mong muốn các địa phương sẽ thực sự quan tâm, đầu tư, hỗ trợ hơn nữa để phát triển du lịch. Thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ có nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam ra thị trường nước ngoài, các địa phương, doanh nghiệp du lịch cần tích cực cùng đồng hành tham gia cùng Tổng cục Du lịch để quảng bá du lịch địa phương mình và du lịch Việt Nam nói chung tại các sự kiện này.
Thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ có nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam ra thị trường nước ngoài, các địa phương, doanh nghiệp du lịch cần tích cực cùng đồng hành tham gia cùng Tổng cục Du lịch để quảng bá du lịch địa phương mình và du lịch Việt Nam nói chung tại các sự kiện này. (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch HÀ VĂN SIÊU) |
NGUYỄN ANH